Đất làng Yên Thôn

Yên Thôn (làng Yên), xã Hà Hải là một trong những làng cổ ở huyện Hà Trung. Tại đây, còn có một không gian văn hóa làng với những di tích lịch sử văn hóa được giữ gìn qua thời gian.

Trải qua biến thiên thời gian và lịch sử, đình làng Yên Thôn vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Nguyễn.

Trải qua biến thiên thời gian và lịch sử, đình làng Yên Thôn vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Nguyễn.

Làng Yên Thôn nằm ở phía Tây Nam của xã Hà Hải. Cách đây hàng nghìn năm về trước, trên mảnh đất này đã có cư dân sinh sống. Theo sử chép về Di tích chùa Long Yên và đình làng Yên hiện đang lưu giữ tại địa phương: “Vùng đất này thời nhà Lê thuộc huyện Nga Giang, phủ Hà Trung; thời Nguyễn thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung. Mãi tới trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì làng Yên Thôn, thuộc tổng Đông Yên của huyện Nga Sơn mới được cắt chuyển về huyện Tống Sơn... Như vậy, từ thời Nguyễn về trước, làng Yên Thôn thuộc huyện Nga Sơn và từ cuối thời Nguyễn (trước những năm 1945) mới chuyển về Tống Sơn, phủ Hà Trung”.

Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Hải cũng cho biết thêm: Thế kỷ thứ X, làng Yên Thôn có tên là Đông Bột thuộc tổng Đông Bột, về sau đổi tên thành thôn An, rồi làng Yên... đến khoảng cuối thế kỷ XIX, thôn Yên thuộc tổng Đông Yên được chuyển từ huyện Nga Sơn về huyện Tống Sơn phủ Hà Trung. Làng Yên rộng lớn với đông các dòng họ cùng sinh sống, như: Nguyễn, Phạm, Lê, Vũ, Lý, Mai, Dương, Ngô...

Làng Yên Thôn nói riêng, xã Hà Hải nói chung nằm trong vùng đồng đất chiêm trũng. Truyền ngôn dân gian ở địa phương cho biết, đất làng Yên Thôn được hình thành từ quá trình “biển lùi”, bên cạnh đó còn có sự bồi đắp của phù sa sông Lèn và sông Báo Văn. Việc hình thành và phát triển làng Yên Thôn là cả quá trình nỗ lực bền bỉ của những thế hệ người dân cần lao nơi đây. Trong đó, rõ nhất là công cuộc quai đê, thủy lợi để canh tác cây lúa, từ một vụ rồi hai vụ lúa. Ngoài làm nông nghiệp, người dân Yên Thôn cũng nổi tiếng với nghề đan cót nan truyền thống.

Chùa Long Yên.

Chùa Long Yên.

Quá trình lập dựng và phát triển làng, cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân Yên Thôn không ngừng sáng tạo, vun đắp các giá trị văn hóa. Về Yên Thôn, du khách sẽ cảm nhận sự bình yên của làng quê thuần Việt với những cây cổ thụ cao lớn, thấp thoáng ở đó là những di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng, trưởng thôn Yên Thôn, ông Phạm Văn Trì, cho biết: “Tôi nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, ở Yên Thôn khi xưa có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc... song vì nhiều nguyên do mà có một số di tích đã mất đi. Rất may, đến nay ở làng vẫn còn đình và chùa, người dân thường gọi là chùa Long Yên và đình làng Yên Thôn”.

Chùa Long Yên được xây dựng thời Lê (có thông tin lưu truyền tại địa phương cho rằng chùa được khởi dựng vào thời Lý). Ngôi cổ tự tọa lạc trên thế đất cao đầu làng. Một điểm nổi bật, bên cạnh thờ Phật, thờ Mẫu thì ở chùa Long Yên còn thờ cả Thái úy Lý Thường Kiệt.

Thuở xa xưa, chùa Long Yên được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Đến thời nhà Nguyễn, chùa được xây bằng gạch, mái lợp ngói. Không chỉ là một kiến trúc tâm linh, trong lịch sử, chùa Long Yên là địa điểm cách mạng - nơi che giấu hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là địa điểm hội họp, liên lạc của các cán bộ Đảng, tam quan chùa còn là nơi dạy học cho học sinh. Và trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Long Yên cũng là nơi sơ tán, trú ẩn của người dân trong vùng để tránh bom đạn kẻ địch dội xuống.

Cách chùa Long Yên một quãng là đình làng Yên Thôn - nằm ở trung tâm làng. Đình làng Yên Thôn buổi ban đầu có kiến trúc đơn sơ, đến thời Nguyễn được dựng bằng gỗ khang trang với tiền đường, hậu cung, sân đình rộng rãi...

Đình làng Yên Thôn là nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là không gian văn hóa cộng đồng, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người dân. “Hội làng truyền thống diễn ra vào ngày 15 tháng 3 (âm lịch) tại đình làng Yên Thôn, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được trao truyền suốt hàng trăm năm qua. Trong lễ hội, cùng với các nghi thức tế lễ còn có các trò chơi, trò diễn dân gian, thu hút đông đảo người dân, du khách, con em xa quê...” - ông Phạm Văn Trì chia sẻ.

Đình làng Yên Thôn.

Đình làng Yên Thôn.

Theo lời kể của người dân địa phương, thời kỳ diễn ra phong trào Cần vương chống Pháp trên vùng đất xứ Thanh, khi căn cứ Ba Đình được xây dựng (xã Hà Hải, huyện Hà Trung cách xã Ba Đình, huyện Nga Sơn chỉ vài cây số), đình làng Yên Thôn trở thành một trong những địa điểm để liên lạc, tập hợp và cả tiếp tế lương thực, thực phẩm, bồ, sọt... cho căn cứ Ba Đình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình làng Yên Thôn là nơi tập trung lực lượng, cùng với người dân trong vùng đi cướp chính quyền ở tổng Nga Châu. Và trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, đình làng Yên Thôn là nơi hội họp, bàn bạc kế hoạch đánh giặc. Tại đình làng Yên Thôn, Ủy ban kháng chiến hành chính xã Hà Hải đã được thành lập.

Trải qua thời gian, chiến tranh, bom đạn... với nhiều lần trùng tu, sửa chữa song đình làng Yên Thôn đến nay vẫn cơ bản giữ được nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn, với các cột (cột đá, cột gỗ) vững chãi. Bên trong đình còn lưu giữ một số hiện vật giá trị, như: Hòm đựng sắc; cuốn thư; ban thờ...

Ông Trương Văn Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Hải, cho biết: “Trên địa bàn xã Hà Hải hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng (cấp tỉnh) là đình Yên Thôn và chùa Long Yên. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng, cả hai di tích đã được trùng tu khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách xa gần. Việc gìn giữ giá trị văn hóa, kiến trúc của các di tích trên địa bàn xã đã góp phần tạo điểm nhấn cho bức tranh làng quê nông thôn”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Hải và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-lang-yen-thon-35549.htm
Zalo