Đặt kỳ vọng vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Năm nay, kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ (18.5), với điểm tựa là Nghị quyết 57, Nghị quyết 68, kỳ vọng khoa học công nghệ (KH-CN) Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Hơn lúc nào hết, Việt Nam có những chính sách rất đột phá để ưu tiên phát triển KH-CN trước hết và trên hết, quyết tâm thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Lễ đón dòng dầu đầu tiên từ dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3, do Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư được tổ chức vào chiều 16.5 tại TP.HCM. Đây là kho báu của ngành dầu khí Việt Nam, dù trước đó bị các công ty dầu khi lớn nước ngoài bỏ lại và từng định giá 1 USD, bị xem là hoàn toàn không còn giá trị nào khác.

Toàn cảnh giàn WHP-DH01, thuộc dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3
Đây là dự án được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước, với 100% kỹ sư, cán bộ và chuyên gia người Việt đến từ các đơn vị chủ lực của Petrovietnam như Vietsovpetro, PTSC, PV Drilling, dưới sự điều hành của PVEP POC. Nếu các cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) Việt Nam không làm chủ được công nghệ khai thác dầu khí ở độ sâu hơn 110m, mỏ dầu này đã bị lãng quên. Tất cả cho thấy KHKT quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế đất nước.
Công nghệ khai thác dầu khí Việt Nam mang về giá trị tỉ USD
Mỏ Đại Hùng từng là dự án hợp tác quốc tế rất lớn. Hợp đồng dầu khí lô 05-1(a) được ký vào tháng 4.1993 với tổ hợp nhà thầu đa quốc gia, trong đó BHP (Úc) đóng vai trò điều hành. Từ năm 1993 - 1999, các nhà thầu nước ngoài triển khai khai thác dầu nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng và lần lượt rút lui khỏi dự án.

Dự án mỏ Đại Hùng 3 do người Việt làm chủ 100% chính thức đón dòng dầu đầu tiên - Ảnh: PVN
Tháng 10.2003, Chính phủ giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc thuộc Petrovietnam. Từ đây bắt đầu quá trình hồi sinh mỏ dầu khí này.
Dự án bao gồm một giàn đầu giếng WHP-DH01 đặt ở độ sâu hơn 110m, kết nối với giàn xử lý trung tâm hiện hữu FPU thông qua hệ thống đường ống mềm dài 5,2km.
Sau gần 3 năm triển khai trong điều kiện địa chất - kỹ thuật phức tạp và nhiều thách thức, dự án đã về đích thành công, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công tác khai thác dầu khí của Việt Nam. Ngày 7.5.2025, dòng dầu thương mại đầu tiên chính thức được đón, với lưu lượng đạt 6.000 thùng/ngày. Dự kiến mỗi năm, mỏ Đại Hùng 3 sẽ khai thác gần 2,2 triệu thùng, đem về hàng trăm triệu USD doanh thu. Tính đến năm 2034, doanh thu toàn mỏ ước đạt khoảng 160.000 tỉ đồng, tương đương hàng tỉ USD.
Toàn bộ dự án được thực hiện 100% bởi người Việt Nam trong hệ sinh thái Petrovietnam, từ khâu lập kế hoạch, thiết kế, thi công đến giám sát. Điều này cho thấy trình độ kỹ thuật khai thác dầu khí của Việt Nam đã phát tiển vượt bậc

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học tại Ngày Khoa học và công nghệ được tổ chức hôm 16.5.2025 - Ảnh: Bộ KH-CN
Việc hoàn toàn làm chủ một dự án khai thác dầu ngoài khơi ở độ sâu hơn 110m là bước tiến mang tính lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam. Thành công này đã khẳng định năng lực kỹ thuật và quản trị của đội ngũ kỹ sư trong nước, đồng thời mở ra tiền đề cho Việt Nam làm chủ các công trình năng lượng lớn có tính chiến lược trong tương lai.
Dẫn ra một dự án có tính KHKT cao thành công vang dội để thấy rằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quyết sách, chính sách táo bạo và quyết liệt để đưa KH-CN bắt kịp thế giới, là hết sức cần thiết và kịp thời. Nghị quyết xác định S.T.I.D (khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số) phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là chiến lược quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển một xã hội số hiện đại và bền vững.
Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần”
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tổ chức ngay 13.1.2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Để đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, phải luôn quán triệt xem đầu tư vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận "độ trễ" và rủi ro trong triển khai; "xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua"; xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất.

Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu thanh thép dự ứng lực (PC Bar) và cáp thép dự ứng lực (PC Strand) tới nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Đài Loan, Campuchia, Myanmar... - Ảnh: HP
Tổng Bí thư khẳng định: Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm. Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cho thấy Đảng ưu tiên phát triển KH-CN trước hết và trên hết, để thay đổi chất lượng nền kinh tế, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tại lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ được tổ chức hôm 16.5, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: “KH-CN là nền của một quốc gia. KH-CN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KH-CN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KH-CN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KH-CN phát triển”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào luật và được đặt ngang hàng với KH-CN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KH-CN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KH-CN và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%, trong khi KH-CN chiếm 1%.
Nghị quyết 57 là "khoán 10" trong KH-CN
Phát biểu tại Ngày Khoa học và công nghệ, PGS-TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nhận định Nghị quyết 57 là động lực quan trọng với giới nghiên cứu. Bà Ngà cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng, kỷ lục về nhiệt độ của rái đất liên tục bị phá vỡ. Vì vậy, nhà khoa học cần "gia tăng khả năng nắm bắt những 'bí mật' của trời để giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản, đảm bảo hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên hiệu quả".
PGS Phạm Thị Thanh Ngà đặt kỳ vọng với sự ra đời của các chính sách tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chính là nền tảng để có không gian cho nhà khoa học nghiên cứu, phát triển công nghệ. Những công nghệ mới như máy bay không người lái, tên lửa thám sát, dữ liệu lớn, AI... sẽ giúp giải các bài toán lớn về khoa học trái đất. "Đây là cơ hội để đầu tư những tư liệu và phương thức sản xuất mới, phục vụ đòi hỏi của khoa học hiện nay", PGS Ngà nói.
Ông Đinh Văn Quân, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản công nghệ cao GrowMax đánh giá việc ban hành Nghị quyết 57 là "khoán 10" trong KH-CN, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, "Nút thắt sẽ được gỡ bỏ để doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển. Cũng vì thế, cơ hội của các doanh nghiệp KH-CN Việt Nam ngày càng rộng mở".
Bằng chứng là GrowMax đang nghiên cứu, phát triển thức ăn chức năng cho tôm. "Tôm không có hệ miễn dịch chủ động. Thức ăn chức năng giúp nâng cao sức đề kháng, tăng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng cho tôm nuôi, hạn chế rủi ro mất giá khi được mùa", ông Quân phát biểu.
Với điểm tựa là Nghị quyết 57, Tập đoàn Hòa Phát mạnh dạn bắt đầu đàm phán, hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết đội ngũ kỹ sư công nghệ của Hòa Phát đã làm chủ tốt công nghệ để cho ra đời những sản phẩm khó, chất lượng cao nhất như dây thép cho dập nguội, sợi thép hàn hồ quang, thép làm cáp thang máy, thép tấm kháng thời tiết từ năm 2021, đặc biệt thép cuộn làm tanh bố lốp ô tô (thép tirecord). Ông Long cho rằng theo bảng phân cấp chất lượng, nếu làm thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ô tô… khó 10, thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8, Hòa Phát dư sức làm.
Chủ tịch Hòa Phát khẳng định doanh nghiệp này đảm bảo đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ để sản xuất thép ray tốt nhất, chất lượng cao nhất như châu Âu đang sản xuất.
Cũng từ điểm tựa là Nghị quyết 57, cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Vingroup, qua Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed đã táo bạo đề xuất làm đường sắt cao tốc Thủ Thiêm - Cần Giờ và cả đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đây là điều chưa từng có với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật rất cao như xây dựng đường sắt cao tốc. Với những điểm tựa mới như Nghị quyết 57, Nghị quyết 68, chúng ta hoàn toàn có thể làm được và làm tốt.