Đắk Nông: Ngang nhiên khai thác trái phép cả quả đồi để bán đất san lấp

Theo phản ánh của người dân xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), tại địa phương ngang nhiên tồn tại một 'mỏ đất' trái phép, hoạt động khai thác để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng trong một thời gian nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý (?)

"Mỏ đất" này nằm trên đường liên huyện DH 21 (thuộc địa phận thôn Đức Lệ B, xã Đức Mạnh) là một quả đồi lớn có diện tích cả héc-ta, chiều cao lên đến cả chục mét, diện tích nói trên là đất do cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng. Theo một người dân sống gần đó cho biết, "mỏ đất" trái phép này là do hộ dân kết hợp với các "chủ thầu" có xe múc, xe ben khai thác để bán lại cho người dân có nhu cầu san lấp của các xã Đức Mạnh, Đức Minh, Đắk Sắk và một số khu vực lận cận của huyện.

Có mặt tại hiện trường "mỏ đất", PV ghi nhận có một xe múc (xe cuốc) đang hoạt động hết công suất để phục vụ cho đoàn xe càng, xe ben độ chế đang tấp nập ra vào chở đất. Cạnh đó, một chiếc xe múc khác đang nằm chờ, không hoạt động. Chỉ hai gàu của xe múc là đầy một chuyến xe càng nên tiến độ múc và chuyển chở rất nhanh chóng, thậm chí các xe các còn gây ách tắc tại các đoạn đường nhỏ trong khu vực.

Cận cảnh "mỏ đất" trái phép

Cận cảnh "mỏ đất" trái phép

Quan sát trong 30 phút, PV ghi nhận chiếc xe múc cỡ lớn liên tục múc sâu vào đồi đất, tạo thành một bức tường có độ cao cả chục mét (so với nền đường DH 21). Khối lượng đất này được chất lên các xe càng, xe ben gồm khoảng 7 chiếc. Đoàn xe có thể chở được từ 20 - 25 chuyến xe đất đến khu vực cần san lấp cách đó không xa trong 30 phút.

Theo chân đoàn xe càng chở đất, PV ghi nhận nơi san lấp là khu vườn của một người dân cách "mỏ đất" khoảng 2 km. Điều đáng nói, những chiếc xe này chất tràn lên cả thành thùng xe khiến đất rơi vãi xuống đường mỗi khi xe rung lắc. Theo một người dân cho biết, những chiếc xe này đều được độ chế bởi các cơ sở gara tư nhân, không có đăng kiểm cũng như biển số và không được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Thế nhưng, đoàn xe vẫn lưu thông với tốc độ khá cao ngay cả khi vào khu dân cư đông đúc và giờ tan học của học sinh. Nhiều xe càng còn không che chắn khiến đất rơi xuống mặt đường trong quá trình di chuyển.

Việc khai thác đất diễn ra liên tục trong thời gian dài

Việc khai thác đất diễn ra liên tục trong thời gian dài

Trở lại "mỏ đất" trái phép, theo một người dân từng kinh doanh trong nghề san lấp cho biết, hiện nay nhu cầu san lấp của người dân là rất lớn, đó là chưa kể công trình đường, cầu cống do Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay mỏ đất được cấp phép rất hiếm, thậm chí là không có nên từ đó kéo theo giá đất để san lấp tăng đột biến. Nếu so với năm ngoài, giá đất san lấp tăng gấp đôi. Cụ thể, một xe càng ben có khối lượng từ 1,5 - 2m3 có giá từ 150.000 - 180.000 đồng (tùy theo khoảng cách từ "mỏ” đến nơi san lấp). Từ việc đất hiếm, giá cao nên nhiều người dân có đất đồi đã "bắt tay" với các chủ thầu để khai thác "trộm".

Xe chở đất từ "mỏ" đưa đi san lấp các nơi

Xe chở đất từ "mỏ" đưa đi san lấp các nơi

Anh Nguyễn Minh H (sống gần "mỏ đất" nói trên) thắc mắc: "Nhiều năm nay, Nhà nước đã nghiêm cấm các hoạt động san lấp, múc đất trái phép nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoảng sản cũng như đảm bảo an toàn các khu dân cư trước các sự cố sạt lở do múc đất gây ra; nhưng không hiểu sao "mỏ đất" tại đây vẫn hoạt động nhộn nhịp, không bị kiểm tra, xử lý. Thắc mắc này cũng có cơ sở khi chúng tôi tiếp cận, quan sát hoạt động khai thác đất cũng như việc di chuyển của đoàn xe độ chế thì không thấy bất kỳ lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương có mặt. Liệu cơ quan chức năng không biết hay thờ ơ trước hoạt động trái phép này?

Song Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/ngang-nhien-khai-thac-trai-phep-ca-qua-doi-de-ban-dat-san-lap_169548.html
Zalo