Đất đấu giá tỉnh lẻ có giá trúng cao hơn các huyện ở Hà Nội, vì sao?

Đất đấu giá một số tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình có giá trúng cao nhất ở mức 153 triệu hay 158 triệu đồng/m2, cao hơn giá trúng cao nhất một số huyện Hà Nội. Vì sao lại như vậy?

Lý do đất đấu giá tỉnh có giá trúng cao hơn huyện Hà Nội

Thời gian gần đây, nhiều phiên đấu giá đất tại các tỉnh ghi nhận mức trúng giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông.

Đơn cử, tại phiên đấu giá 273 lô đất tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) ngày 9/2, giá trúng đấu giá cao nhất là 120 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 36 triệu đồng/m2.

Cũng tại Hưng Yên, phiên đấu giá 41 lô đất tại thôn Dân Tiến, huyện Khoái Châu ngày 5/3 gây chú ý khi lô đất diện tích 103m2 có giá trúng đấu giá cao nhất tới gần 158,2 triệu đồng/m2 và giá trúng thấp nhất 66,8 triệu đồng/m2.

Hay tại Thái Bình, phiên đấu giá 23 lô đất tại thị trấn Tiền Hải ngày 27/3 cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi lô đất có diện tích 150,4m2 có giá trúng cao nhất là 23 tỷ đồng, tương đương gần 153 triệu đồng/m2.

Các mức giá trúng đấu giá tại Hưng Yên, Thái Bình cao hơn cả một số khu vực ở Hà Nội như Quốc Oai, Sóc Sơn, Chương Mỹ...

Cụ thể, tại Chương Mỹ, phiên đấu giá 19 thửa đất tại thị trấn Chúc Sơn ngày 19/4, thửa đất có giá trúng cao nhất hơn 115 triệu đồng/m2.

Tại huyện Quốc Oai, phiên đấu giá 35 thửa đất tại xã Ngọc Mỹ ngày 6/4 ghi nhận thửa đất có giá trúng cao nhất là 119,3 triệu đồng/m2.

Hay tại Sóc Sơn, kết quả phiên đấu giá 33 lô đất tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân ngày 29/3 cho thấy, lô đất có giá trúng cao nhất là 120,6 triệu đồng/m2.

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes, cho hay, từ đầu năm nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường tỉnh, trong đó có Hưng Yên.

Theo ông Chung, Hưng Yên nằm ở phía đông Hà Nội, rất gần Thủ đô. Trong 5 năm gần đây, nhiều chủ đầu tư lớn đã đổ về địa phương này. Từ đó, Hưng Yên đã tạo lập một thị trường có nền giá cao, đặc biệt ở huyện Như Quỳnh hay Văn Lâm, Văn Giang.

“Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, như quốc lộ 5A, 5B, 39A, đường vành đai 3.5, vành đai 4... đặc biệt, với định hướng phát triển trở thành thủ phủ công nghiệp vào năm 2030 nên Hưng Yên đã thu hút nhiều tập đoàn lớn. Xét về nội lực kinh tế, bất động sản Hưng Yên vẫn rất hấp dẫn”, ông Chung phân tích.

Ông Chung cho rằng, mức giá trúng đấu giá tại Hưng Yên nhìn chung tương đối cao, nhưng chỉ có một số lô góc mới ghi nhận mức giá đột biến. Theo khảo sát, đó là những vị trí người mua có nhu cầu thực nên trả giá rất cao, chẳng hạn như ở Ân Thi hay xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu.

Phiên đấu giá đất ở Hưng Yên thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: TTXVN

Phiên đấu giá đất ở Hưng Yên thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: TTXVN

Vậy, lý do nào khiến đất đấu giá tại tỉnh có giá trúng cao hơn huyện Hà Nội?

Theo ông Chung, một số khu vực đất đấu giá tại các huyện ở Hà Nội ít gắn với sản xuất, khu công nghiệp. Những khu vực như Quốc Oai, Đan Phượng, Thanh Oai... giá trúng đấu giá quanh mức 100 triệu đồng đều là những lô đất nằm ở bên trong, không phải mặt đường.

Trong khi đó, Khoái Châu, Hưng Yên là vùng đất mới nổi với nhiều khu công nghiệp nên được các nhà đầu tư săn đón. Vì thế, khu vực trung tâm huyện có giá trúng đấu giá lên tới 158 triệu đồng/m2.

Hay thôn Dân Tiến, Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ cũng nằm ở thủ phủ của các khu công nghiệp, lại có mặt đường 3m nên giá trúng đấu giá cao.

Còn tại Thái Bình, tỉnh này có đường quy hoạch bao biển, cũng phát triển về khu công nghiệp nhưng chưa rõ nét. Vừa qua, giá đất Thái Bình tăng chủ yếu do các thông tin liên quan đến sáp nhập tỉnh.

Tuy nhiên, ông Chung nhận xét, điểm mạnh nhất của đất đấu giá là pháp lý, có sổ đỏ và được tự xây. Còn điểm yếu là cơ sở hạ tầng và tiện ích nghèo nàn. Tỷ lệ tăng giá, hiệu quả đầu tư của đất đấu giá không cao bằng các dự án được đầu tư bài bản về tiện ích, cây xanh, cảnh quan,... Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh chạy theo tâm lý đám đông.

Rủi ro ‘lướt cọc’ đất đấu giá

Lý giải về việc đất trúng đấu giá với giá cao ngất ngưởng, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, cho rằng có nhiều lý do.

Trong đó, đất đấu giá nằm ở vị trí đắc địa tại địa phương, số lượng ít. Người dân địa phương mong muốn đấu trúng vị trí đó nên trả giá cao. Tuy nhiên, mức giá này không đại diện cho toàn bộ thị trường, mà chỉ là cục bộ tại một khu vực.

Hơn nữa, có thể người tham gia đấu giá có nhiều mảnh đất ở gần khu vực đất đấu giá. Họ tham gia đấu nhằm đẩy giá đất tại đây lên mặt bằng giá mới. Khi mặt bằng đất xung quanh tăng cao, chính người đó được hưởng lợi. Đó là một hình thức “thổi giá” thông qua đấu giá.

“Nhiều cuộc đấu giá đều có đội nhóm đầu cơ vào 'thổi giá'. Họ kỳ vọng sẽ đấu trúng để lướt cọc và sẵn sàng bỏ cọc khi không có người mua. Đến nay, chưa hết hạn nộp tiền đặt cọc (theo quy định là 120 ngày kể từ ngày công nhận kết quả trúng đấu giá), nên với các lô đất ở tỉnh trúng với giá cao chưa biết có trúng thật hay không, cần phải chờ thêm”, ông Toản nói.

Theo Tổng giám đốc EZ Property, giá trúng đấu giá đất ở Hưng Yên, Thái Bình,... cao hơn một số khu vực ở Hà Nội xét về khía cạnh thị trường là bất thường.

“Cả về ngắn hạn và lâu dài, đất tại tỉnh lẻ khó có hiệu quả về đầu tư. Bởi, khách hàng cuối cùng chỉ là những người dân tại địa phương đó. Lướt cọc, lướt sóng đất đấu giá ở những vùng quê rất khó, nhất là khi thị trường không sốt nóng”, ông Toản lưu ý.

Bên cạnh đó, việc giá đất trúng đấu giá cao sẽ giúp địa phương đạt mục tiêu thu ngân sách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại rất đau đầu trước một mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến sức hút đầu tư vào địa phương.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dat-dau-gia-tinh-le-co-gia-trung-cao-hon-cac-huyen-o-ha-noi-vi-sao-2396440.html
Zalo