Đặt cược vào học thêm?
Trong những ý kiến trái chiều về dạy thêm học thêm, có lẽ không ít người đã đặt cược tất cả vào học thêm.
Thật ra, trong thành công học tập của con thì phần lớn là nội lực của con, bố mẹ và thầy cô chỉ trợ giúp về đường hướng và khích lệ.
Cung - cầu về học thêm
Có cầu thì có cung, đó là quy luật của cuộc sống. Theo Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã đăng tải ngày 22/8/2024, lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024), quy định về dạy thêm sẽ tạo điều kiện cho nhà giáo và học sinh hướng đến mục tiêu của mình và phù hợp thực tế điều kiện trường lớp thiếu và mục tiêu phân luồng đào tạo của nền giáo dục nước ta và thế giới hiện nay.
Nhiều ý kiến, trong và ngoài ngành Giáo dục, đồng tình và không đồng tình về dạy thêm và học thêm. Dạy học gần 40 năm, tôi thấy Chương trình 2006 và đặc biệt Chương trình mới 2018 có thể không khó với học trò nhưng do khách quan, nhu cầu thực tế học và thi, và do chủ quan, nhà trường chưa có phương pháp giảng dạy và cách tổ chức học sinh thích hợp dẫn đến trào lưu học thêm dạy thêm tràn lan, không thể kiểm soát.
Không phải thầy cô dạy không hiểu bài, không hết bài mà phải đi học thêm. Mặt khác, không phải tiền lương chưa đủ sống mà nhà giáo vất vả dạy thêm. Học thêm là nhu cầu của học sinh và dạy thêm là nhu cầu của giáo viên vừa kiếm thu nhập vừa nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Suy nghĩ của dân ta, thị thành đến nông thôn, vẫn khá bảo thủ và không theo kịp sự phát triển khoa học và nhu cầu lao động. Học thêm mới thi đỗ, cứ phải đủ bằng cấp mới nhàn thân. Nhiều phụ huynh “gửi thầy cô trông giữ giùm” cả ngày, cả tối “cả lớp học nhà cô”… Hoặc do chưa hiểu Chương trình 2018, “trăm sự nhờ thầy”, đẩy con đi học thêm, không khuyến khích con tự học ở nhà buổi tối… Những suy nghĩ đó rất cần thay đổi.
Xét cho cùng, học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh mong muốn để thay đổi và phát triển tốt nhất. Dạy thêm là một nghề làm ngoài có điều kiện sẽ tạo điều kiện tốt và bảo vệ danh dự cho nhà giáo yên tâm cống hiến năng lực cho xã hội học tập và nâng cao dân trí. Với sự cho phép của Bộ Giáo dục, người dân dần dần hiểu và chấp nhận, từ đó sẽ ứng xử việc học của con phù hợp.
Để dạy thêm, học thêm hữu ích
Vài năm gần đây, học sinh không học thêm điểm thi vẫn cao hơn học sinh cả tuần học thêm. Do xét tuyển sinh đại học, nhiều học sinh trường chất lượng cao và chuyên đã đỗ đại học sớm, nên việc học thêm của nhóm học sinh này không còn áp lực gì nữa. Tư duy con nhà người ta giỏi, con nhà mình kém và phải học thêm chỉ là bao biện. Thử nghĩ, các con học thêm từ lớp 1, tuần 2 buổi/môn sao vẫn rỗng kiến thức cơ bản? Học nhiều thầy giỏi sao con vẫn thiếu hiểu biết? Nhiều học sinh không học thêm đâu sao vẫn tốt?
Dường như cái vòng luẩn quẩn như sợi dây buộc chặt tư duy phụ huynh và học sinh. Học sinh học thêm tiết lộ với người viết: “Lớp thầy cô ‘nổi tiếng’ bao giờ cũng đông và đủ loại học lực, chúng em đến chép bài là chính, mong ‘nhặt được nhiều chữ’ thì hay.
Ngay cả học gia sư/nhóm nhỏ, hiệu quả cũng không khá hơn do không phân loại học lực phù hợp với chọn thầy, cô giáo. Ý tưởng học thêm - điểm cao (vì đúng bài cô mới dạy) hoặc lo sợ vẩn vơ “cô dạy sao không đi học nhà cô” làm cho việc học thêm càng gian nan và hiệu quả thấp. Học sinh gặp đề lạ, không đúng dạng quen thuộc là không thể làm được đúng yêu cầu.
Vừa qua, Dự thảo Thông tư về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Bộ GD&ĐT vừa công bố ngày 28/8/2024), dùng 50% điểm học bạ và trúng tuyển đại học sớm đã tác động đến nhu cầu học thêm.
Chương trình mới 2018 đề cao tự học, đề thi và câu hỏi tăng tính thực tiễn nên chưa hiểu câu hỏi và thiếu tư duy, thiếu kiến thức nền tảng sẽ không làm đúng. Sự lệ thuộc dạng bài mẫu, tài liệu hay dạng bài tất cả các môn không giúp học sinh làm tốt bài tập.
Với trải nghiệm cá nhân, tôi đề xuất:
Một: Phụ huynh và học sinh không nên đặt cược “trăm sự nhờ thầy cô”. Thành công, con bạn là chủ yếu và quyết định, bố mẹ và thầy cô, bạn bè trợ giúp đắc lực.
Hai: Học trò các cấp đẩy mạnh tự học, học ở thầy, học ở bạn và học trong sách và cuộc sống. Học trò hãy tự học bài rồi đem đến lớp học thêm những câu hỏi và đề nghị thầy cô giảng giải. Đừng đến lớp học thêm để học lại bài, chép bài.
Ba: Nên và rất cần học thêm khi học sinh cần bổ trợ những phần kiến thức còn yếu, phát triển những tố chất và năng lực riêng của bản thân. Nếu học để hiểu biết thêm, học để trưởng thành thêm, sẽ là điều luôn cần thiết với mỗi người! Học thêm theo nhóm học lực là hiệu quả nhất.
Bốn: Thầy cô trọng danh dự, uy tín và trách nhiệm sẽ chuẩn bị bài dạy thêm chu đáo, phân loại học lực, đầu tư dạy kĩ năng và kiến thức, không dạy trước chương trình, không “lộ” bài kiểm tra và cho điểm công bằng.
Năm: Phương thức thi, đánh giá và sử dụng điểm, kiểm tra, đánh giá cần thay đổi để từng bước loại bỏ tư duy học thuộc, nhớ dai theo dạng đề mẫu. Từ năm 2024, các cấp học đã chuyển sang định dạng đề thi mới học hiểu nhưng cơ chế điểm thi, xếp hạng, tuyển sinh, học bạ vẫn chưa thay đổi kịp.
Khâu kiểm tra đánh giá trong nhà trường, không nên ra đề khó, đánh đố, cho điểm chặt, gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh. Người làm đề và duyệt đề cần bám sát vào đề minh họa của Bộ/sở. Người chấm và chữa bài khách quan và khích lệ hợp lí học sinh.
Sáu: Chất lượng thật phải được thực hiện trước tiên. Nếu chúng ta quy định và chấp nhận tỷ lệ xếp loại (như thời bao cấp nước ta, ví dụ: Tốt - 20, Khá - 40, Trung bình - 35, Yếu - 5) thì sẽ không lạm phát các con số đẹp. Người nào muốn “nhẹ tay” cũng không còn cơ hội.
Trước đây, học trò chỉ học thêm ôn thi đại học và thi học sinh giỏi, bây giờ học thêm quanh năm, bằng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hy vọng, các phụ huynh và học sinh sẽ nhìn nhận đúng nhu cầu học thêm và lựa chọn thầy cô và lớp phù hợp năng lực và mục đích.