Nỗ lực xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố học tập toàn cầu
Ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; vinh danh các nhà giáo Thủ đô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Buổi lễ còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cùng hơn 3.500 thầy giáo, cô giáo, các em học sinh.
Tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng với đất nước, Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, thế giới; xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố học tập toàn cầu...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm về việc phát triển nền giáo dục Hà Nội hướng đến thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn; tránh xa tệ nạn; hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm. Ông nhắn nhủ, nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự, tự hào. Ngoài phẩm chất, năng lực, kỹ năng của nhà giáo, để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân mỗi nhà giáo càng cần phải tiêu biểu, thanh lịch một cách mẫu mực. Đó là đỏi hỏi rất cao nhưng cũng là kỳ vọng của ngành và Thủ đô.
Cách đây vừa tròn 70 năm, tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui giải phóng, đón đoàn quân chiến thắng trở về, đó cũng là thời khắc ra đời của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Cả thành phố lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Còn 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng gần 90% người dân chưa biết chữ. Giáo dục mầm non “non nớt” với 3 trường gồm 254 trẻ.
Trải qua những năm tháng kháng chống Mỹ, cứu nước, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm lo cho các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo Hà Nội đã tạm biệt phấn trắng, bảng đen, hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường và không ít người đã hy sinh...
Sau ngày thống nhất đất nước, Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc cải cách giáo dục, quan tâm, tăng cường đầu tư, phát triển về quy mô, tập trung vào chiều sâu, mang tính cách mạng trong mục tiêu giáo dục. Với những mục tiêu và bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, 10 năm sau ngày thống nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã phát triển thành một trung tâm giáo dục lớn, đi đầu cả nước, tạo bước chuyển căn bản, tiền đề cho sự bứt phá khi đất nước đổi mới.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, Giáo dục Thủ đô có sự hội tụ đa dạng. Dù còn nhiều khó khăn, song chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao. Hà Nội luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1990, phổ cập trung học cơ sở từ năm 1999.
Đến nay, Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, trong đó gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; có 120 trường đại học, cao đẳng phố với gần 1 triệu sinh viên. Thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng 8 trường liên cấp có quy mô từ 5ha trở lên.
Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Từ năm 2008 - 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,81%, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước…
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cho 56 nhà giáo.