Đặt cọc mua nhà đất phải lưu ý những gì?
Đặt cọc mua nhà đất là một trong những hợp đồng phổ biến được ký trước khi lập hợp đồng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng.
Thế nào là hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất?
Đặt cọc mua bán nhà đất là việc bên mua (dự định mua) chuyển cho bên bán một khoản tiền hoặc kim loại quý trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán.
Khi hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất hình thành, bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong quan hệ hợp đồng. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ thì có thể gây thiệt hại cho bên còn lại. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận đặt cọc nhằm đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ.
Pháp luật hiện không quy định cụ thể số tiền đặt cọc nên các bên tự thỏa thuận.
Những điều cần chú ý khi đặt cọc mua nhà đất
Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, khi đặt cọc mua bán nhà đất cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đảm bảo cam kết trước khi ký hợp đồng
Mặc dù việc đặt cọc chưa phải là giai đoạn kết thúc việc mua đất, song vẫn phải có những cam kết về đất cần phải đảm bảo như: đất không bị tranh chấp hay kê biên tài sản, đất không thuộc quy hoạch, đất có giấy chứng nhận hợp pháp, đất đang không thế chấp.
Công chứng
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng đặt cọc mua đất không nằm trong các loại hợp đồng công chứng. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp và hạn chế các rủi ro, bên mua và bên bán vẫn nên công chứng hoặc có người làm chứng.
Số tiền phải chịu khi hủy hợp đồng
Nếu từ chối giao kết theo hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất, mức phạt tiền như sau:
- Nếu bên đặt cọc từ chối thực hiện hợp đồng, số tiền đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.
- Nếu bên nhận đặt cọc không thực hiện theo đúng hợp đồng thì phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản cọc cho bên đặt cọc.
Nếu các bên có thỏa thuận khác như không phạt cọc hoặc phạt mức thấp hơn, cao hơn số tiền đặt cọc thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.
Kiểm tra các điều khoản
Thông tin trong hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất cần có thông tin nhân thân, địa chỉ nhà, số thửa, số tờ, bản đồ vị trí, giá mua bán, ngày giao nhà...Hợp đồng cần có chữ ký của cả vợ và chồng (nếu bên bán có vợ/chồng) để tránh rắc rối.
Bên cạnh đó, người mua cần có biên bản xác nhận giao nhận tiền hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng khi đã giao tiền cho bên bán.