Dập dìu tiếng đàn môi ẩn chứa tiếng lòng của đồng bào Mông

Chiếc đàn môi, hay còn được gọi là kèn môi của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhạc cụ dân gian độc đáo. Ở Tây Nguyên, hay ở một số tỉnh miền Trung có rất nhiều dân tộc khác như Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng, M'nông... cũng có đàn môi. Tuy nhiên, sự phong phú và độ chuẩn về bồi âm thì đàn môi của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh vùng núi, biên giới phía Bắc nằm trong tốp đầu. Khi đánh lên, âm thanh đàn môi của người Mông sẽ rền vang hơn, dập dìu hơn và da diết hơn.

Bà con người Mông thường thổi đàn môi trong những dịp lễ hội. Ảnh: Thủy Lê

Bà con người Mông thường thổi đàn môi trong những dịp lễ hội. Ảnh: Thủy Lê

Âm thanh của tình yêu đôi lứa

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một dân tộc giàu bản sắc văn hóa độc đáo. Một trong số những giá trị văn hóa dân gian truyền thống đó là nhạc cụ dân tộc Mông. Nhạc cụ dân tộc Mông tuy giản đơn, nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Nhiều loại nhạc cụ đã trở thành một thứ hàng hóa mang đặc tính riêng của vùng cao được nhiều người biết đến. Đặc biệt, đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc có rất nhiều loại nhạc cụ phong phú, có âm thanh như: trống, khèn, kèn lá, sáo Mông... Nếu như trống, khèn là loại nhạc cụ được dùng chủ yếu trong các phong tục, tín ngưỡng, thì đàn môi là loại nhạc cụ không thể thiếu được dùng để tỏ tình, giao duyên trong tiếng hát tình yêu (gầu plềnh) của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông.

Theo ông Giàng A Thống - một nghệ nhân cao niên chế tác nhạc cụ dân tộc Mông, hiện sống tại thôn Sản Chúng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, kèn môi, hay còn được gọi là đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo, có từ lâu đời của người dân tộc Mông. Kèn môi là nhạc khí tự âm vang, được làm từ một mảnh đồng mỏng, có hình dáng giống lá lúa, một đầu cuống để cầm trên tay, đầu còn lại vát nhọn để gảy. Ở chính giữa, người ta tạo một cái lưỡi gà, lúc gảy, lưỡi gà sẽ rung lên, khi ấy, khoang miệng chính là bầu cộng hưởng âm thanh phát ra tiếng to, nhỏ, trầm, bổng, luyến láy... Loại nhạc cụ này nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi người làm phải kỳ công, tỉ mỉ, có kiến thức am hiểu về nhạc cụ âm nhạc, văn hóa của người dân tộc Mông.

Đàn môi của người Mông đặc biệt bởi thường chỉ được sử dụng vào ban đêm, giữa không gian núi rừng hùng vĩ, những lời thủ thỉ, tâm tình, tự sự, giãi bày ngân lên, vang xa như một buổi hòa nhạc lớn mà sân khấu trình diễn là đầu hồi, trên mỏm đá trước nhà... Còn người thổi đàn môi chính là người nghệ sĩ đang kể câu chuyện, nỗi lòng của mình. Lời ca, câu chữ, tiếng nhạc được người Mông cất lên như để tâm tình, kể chuyện, bày tỏ nỗi lòng giấu kín không thể sẻ chia với ai. Đôi lúc là chuyện tình cảm, đôi lúc lại là nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết.

Trước đây, những đôi trai gái người Mông yêu nhau nhưng vì nề nếp, gia phong... nên họ không thể thường xuyên gặp mặt để thổ lộ tình cảm của mình. Vậy là đêm xuống, chàng trai đứng bên ngoài bức vách ngôi nhà, mượn tiếng đàn môi để bày tỏ nỗi lòng với người con gái mình yêu mến. Người con gái ở trong nhà cũng dùng tiếng đàn môi để thay cho lời nói. “Gảy đàn môi thì biết bạn tình nói gì, mình nói gì. Nhớ hay thương, yêu hay là hờn dỗi... đều có hết. Nó giống như lời tâm sự của hai người với nhau, nhưng không dùng lời nói mà dùng tiếng đàn môi. Bạn sẽ biết người yêu của mình đang buồn, đang vui hoặc đang chán nản gì đó” - ông Giàng A Thống cho biết thêm.

Với đàn môi, phải là hai người yêu nhau, có thể ngồi thổi cho nhau nghe hàng giờ, thậm chí là thâu đêm suốt sáng. Nhưng một khi đã không yêu nhau, không hiểu nhau thì chẳng bao giờ tiếng đàn môi của đôi trai gái có thể xướng họa cùng nhau. Chính vì thế, đến bản của đồng bào dân tộc Mông trong những dịp lễ hội hay Tết đến, Xuân về, mọi người sẽ bị mê hoặc bởi những âm thanh trầm bổng, rủ rỉ, tha thiết phát ra từ tiếng đàn môi của các chàng trai, cô gái Mông thổi gọi người yêu dập dìu mỗi tối.

Âm sắc độc, lạ

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 quốc gia cũng có nhạc cụ đàn môi. Tùy theo truyền thống và bản sắc từng dân tộc mà đàn môi ở mỗi nước có độ dài ngắn khác nhau với tên gọi rất đa dạng. Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các DTTS rất ưa chuộng. Đàn môi của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung được làm bằng thanh tre, lưỡi gà bằng sắt hoặc làm hoàn toàn bằng tre, vì thế, âm thanh rất khác so với đàn môi của người Mông ở miền núi phía Bắc.

Đàn môi được cất giữ, bảo quản cẩn thận trong những ống trúc. Ảnh: Thủy Lê

Đàn môi được cất giữ, bảo quản cẩn thận trong những ống trúc. Ảnh: Thủy Lê

Nghệ nhân Giàng A Thống cho biết, đàn môi của người Mông có 3 phần chính, gồm: lưỡi đồng nhỏ, ống tre và lưỡi gà bằng đồng. Trong cấu tạo của đàn môi, miếng đồng chính là phần chính. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, tán mỏng, dài khoảng 5-7cm. Miếng đồng sau khi tán nhỏ được chia thành 2 phần, có đường rãnh phân định, phần giữa lá đồng là nơi đặt lưỡi gà nên phải được làm tỉ mỉ, cẩn thận. Phần giữa được chế tạo thật mỏng, đều, độ mỏng vừa đủ, không quá dày khiến âm thanh phát ra không chuẩn, trong và không mỏng quá sẽ khiến kèn dễ gãy.

Tiếp đó là lưỡi gà, lưỡi gà được gắn trên miếng đồng là bộ phận quan trọng nhất của chiếc kèn môi, âm sắc có đạt chuẩn hay không là dựa vào độ đàn hồi của lưỡi gà. Lưỡi gà hay thanh đồng nhỏ, dài khoảng 5cm, trông hình dáng giống với chiếc kim khâu lớn, được căn chỉnh từng cm cắt sao cho thật khít với miếng đồng, nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh. Khi ghép lưỡi gà vào miếng đồng, chiếc kèn môi sẽ có hình dáng trông giống chiếc kim băng. Phần còn lại của chiếc kèn môi chính là ống trúc (hoặc ống tre, nứa...). Ống trúc này dài hơn chiếc đàn môi từ 1-2cm, nhỏ gọn, một đầu ống lớn, đựng vừa đủ chiếc kèn, đầu còn lại thon nhỏ, vừa đủ để luồn sợi dây qua. Ống trúc và phần cuối miếng đồng được kết nối với nhau bởi nhiều sợi chỉ màu sắc bện thành một sợi dây dài.

Không quá cầu kỳ, nhưng thổi đàn môi cũng có những kỹ thuật riêng của nó mà người chơi cần phải nắm vững. Đó là, khi thổi, tay trái của người chơi phải giữ gốc kèn môi cố định, đặt đàn cách môi một khoảng vừa đủ để không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải người chơi gảy vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Bí quyết để có thể chơi được đàn môi, đó là phải biết cách giữ hơi thật lâu trong lồng ngực để thể tích không khí lọt ra ngoài không quá lớn, nhờ đó, cột hơi được giữ vững, âm thanh phát ra sẽ có những cao độ khác nhau, tạo nên những âm điệu đặc trưng của đàn môi.

“Dù có là nghệ nhân thổi đàn môi lâu năm, nhưng không phải ai cũng biết cách phân biệt thanh âm của đàn. Bởi đàn môi vang lên với âm điệu tỏ tình khác với đàn môi vang lên để tự sự, giãi bày. Khi tỏ tình, người thổi đàn không thổi quá to, cũng không thổi quá nhỏ, âm thanh chỉ vừa đủ để cả hai người cùng nghe thấy, bởi vì đàn môi thường sử dụng vào ban đêm nên âm thanh sẽ rất vang xa. Còn thổi đàn môi để tâm tình, tự sự thì âm thanh phải to, rõ ràng, khi thổi vang xa để nhiều người cùng nghe, cùng đồng cảm và sẽ cùng nhau chơi đàn để hòa vang. Âm sắc của đàn môi thường được mô phỏng theo các làn điệu dân ca của người Mông, tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, là lời tâm tình, thủ thỉ, yêu thương, trìu mến mà chỉ hai người yêu nhau mới có thể cảm nhận được nội dung của bài đàn” - nghệ nhân Giàng A Thống chia sẻ.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dap-diu-tieng-dan-moi-an-chua-tieng-long-cua-dong-bao-mong-post488233.html
Zalo