Đảo thiên đường đối mặt với khủng hoảng năng lượng

Tại quốc đảo Samoa ở Thái Bình Dương, người dân đang chịu đựng tình trạng mất điện luân phiên suốt nhiều tuần khiến làng mạc chìm trong bóng tối, gây gián đoạn cho doanh nghiệp lẫn cuộc sống thường nhật.

Đảo Upolu đông dân nhất Samoa thu hút khách du lịch với bãi biển cát trắng. Nhưng người sống trên đảo phải dùng đèn dầu vào ban đêm và tìm cách giữ lạnh thực phẩm giữa cảnh không có điện trong vài giờ mỗi ngày. Cư dân Shelley Burich cho biết nhà mình mất điện 1 - 2 đêm/tuần nên thường xuyên sử dụng đèn pin năng lượng mặt trời, đèn lồng cùng nến.

Giữ lạnh thực phẩm trở thành thách thức. Bà chia sẻ: “Chúng tôi mất khá nhiều thực phẩm và phải vứt bỏ bớt. Bây giờ chúng tôi đã học được cách thích ứng. Chỉ cần ăn tối sớm và đi ngủ sớm là được”.

Đầu tuần qua, Thủ tướng Samoa Fiamē Naomi Mata'afa ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày, thừa nhận khó khăn đáng kể mà khủng hoảng đem lại cho cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, dịch vụ thiết yếu.

Mất điện chẳng phải chuyện bất thường gì với đảo quốc 215.000 dân, họ thường xuyên chịu tình trạng như vậy lúc bão lốc Thái Bình Dương ập đến. Tuy nhiên hiếm khi nào mất điện lại tái diễn thời gian dài như vài tuần gần đây. Giới chức Samoa đưa ra vô vàn lý do như hỏng hóc tại một nhà máy điện, cáp ngầm gặp sự cố, thiệt hại do một cơn bão gây ra, nhu cầu điện 2 năm qua tăng đột biến.

Theo Thủ tướng Mata'afa, tổng công ty điện lực phải áp dụng cơ chế cắt điện luân phiên với Upolu kể từ ngày 16.3 cho 3 máy phát điện chính bị hỏng. Công nhân điện lực đang chạy đua sửa cáp, dự kiến đến ngày 5.4 có 5 máy phát điện lớn được gửi đến như giải pháp tạm thời. Máy phát điện cố định dự kiến đến vào tháng 8.

Công nhân điện lực sửa cáp sau một cơn bão vào tháng 3 - Ảnh: Electric Power Corporation, Samoa

Công nhân điện lực sửa cáp sau một cơn bão vào tháng 3 - Ảnh: Electric Power Corporation, Samoa

Thảm họa kinh tế

Thủ tướng Mata'afa cảnh báo khủng hoảng năng lượng có thể làm GDP năm nay mất đến 16%. Chủ tịch Phòng Thương mại Samoa Fa'aso'otauloa Sam Saili nhận định tình hình hiện tại là thảm họa với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ giảm năng suất mà còn chịu hư hại về thiết bị, có thể khiến họ ngừng hoạt động lâu do chờ sửa chữa hoặc thay thế máy móc.

“84% thành viên của chúng tôi xem đây là vấn đề lớn”, theo chủ tịch Saili. Giới doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp để tăng hỗ trợ kinh tế, giảm bớt thủ tục hành chính lẫn thuế quan với thiết bị quan trọng.

Kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Sản phẩm từ dừa, lâm nghiệp, thủy sản thuộc nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.

Người quản lý nhà hàng Gary sống tại thủ đô Apia chia sẻ: “Mọi người đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi từng từ chối phục vụ khách không chỉ một lần. Kể từ khi mất điện chúng tôi đã đóng cửa 3 lần”. Nhà hàng may mắn sở hữu máy phát điện riêng, nhưng chi phí vận hành tăng gấp đôi cộng thêm các đơn vị cung cấp tăng giá.

Bộ trưởng Tài chính Samoa Lautimuia Uelese Vaaio thông báo tình trạng khẩn cấp vừa ban bố cho phép các đối tác phát triển của đảo quốc triển khai hỗ trợ. Chính phủ cũng có quyền thực thi loạt biện pháp quản lý nguồn cung năng lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng lẫn duy trì dịch vụ thiết yếu, theo Thủ tướng Mata'afa.

Một máy phát điện tạm thời chuẩn bị được triển khai - Ảnh: Electric Power Corporation, Samoa

Một máy phát điện tạm thời chuẩn bị được triển khai - Ảnh: Electric Power Corporation, Samoa

Học cách thích ứng

Mất điện ảnh hưởng tất cả, từ dân thường, doanh nghiệp, trường học đến dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Bất chấp nỗi thất vọng ngày càng tăng, mọi người dần học được cách thích ứng.

Leilani Fruean - người quản lý tiệm kem tên Scoops ở Apia - thừa nhận vài tuần đầu mất điện luân phiên khá khó khăn. Tiệm mua tủ đông sâu để duy trì phục vụ kem ốc quế. Vào ngày có điện họ chuyển kem vào tủ đông sâu, giữ cho kem cứng đủ lâu để bán lúc không có điện. May mắn Scoops nằm trong khu vực bến tàu nơi được ưu tiên cung cấp điện nên giờ đây nguồn năng lượng đã ổn định.

Hãng thông tấn Samoan Observer ghi nhận tình trạng tăng giá nến, đèn bàn, đèn pin tại vài khu vực do người dân mua tích trữ. Giá nến tăng vọt lên 25 Samoan Tālā (8 USD) - hơn một nửa tiền lương một ngày của lao động nhận mức lương tối thiểu. Cửa hàng bách hóa Indoors cho biết họ bán hết mọi thiết bị chiếu sáng chạy bằng pin. Đại diện cửa hàng Neci Lemo nói rằng đảo quốc ít dân như Samoa quen với cảnh mất điện, mọi người dễ dàng thích ứng bằng cách dùng lại dầu hỏa kiểu cũ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dao-thien-duong-doi-mat-voi-khung-hoang-nang-luong-231210.html
Zalo