Đào tạo vi mạch, bán dẫn: Không chỉ cần máy móc hiện đại

Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, để xây dựng nền công nghiệp bán dẫn cần gắn đào tạo với nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm thành chu trình khép kín.

Vừa là “huyết mạch” của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn còn được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” (Đề án) ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn (tức là cần 50.000 kỹ sư thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip).

Tuy nhiên, tính khả thi của Đề án đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Với mong muốn Đề án sớm được hoàn thiện để đi vào thực hiện và đảm bảo sự thành công trên thực tế, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Nga - Việt về Đề án cũng như bài học kinh nghiệm đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Liên bang Nga và nhiều quốc gia trên thế giới.

 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Nga - Việt. (Ảnh: Nhật Lệ)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Nga - Việt. (Ảnh: Nhật Lệ)

Đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao khác với đào tạo đại trà

Phóng viên: Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” đặt mục tiêu chung là: “Đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu và làm chủ được một phần công nghệ thuộc công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn…”.

Thưa Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, để thực hiện được mục tiêu này, tiêu chí quan trọng nhất khi đào tạo nhân lực là gì? Có tiêu chí đào tạo đặc thù đối với từng vị trí kỹ sư thiết kế, sản xuất so với kỹ sư lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn không?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ngoài giáo trình, tài liệu tiêu chuẩn còn cần phải có các hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại để thí nghiệm và thực hành, thậm chí ngay trong quy trình sản xuất.

Chúng ta hãy xem một ví dụ về sản xuất chip hiện nay. Trong chu trình công nghệ này, cỗ máy quan trọng nhất là máy quang khắc. Hai hệ thống máy quang khắc hiện đại nhất hiện nay là EUV (làm việc ở bước sóng 13.5 nm, có thể sản xuất được các chip công nghệ dưới 5 nm) và DUV (làm việc ở bước sóng 193 nm, sản xuất được các chip công nghệ trên 7 nm). Lắp đặt máy quang khắc hiện đại nhất EUV có thể chỉ cần 1,5-2 tháng. Nhưng thời gian hiệu chỉnh, có thể tới 6 tháng, và cần tới những chuyên gia giỏi. Hiệu chỉnh xong mới có thể đưa vào sản xuất. Và trong quy trình sản xuất, cũng không đơn giản là kỹ sư chỉ cần làm theo các quy chuẩn là sẽ cho ra sản phẩm như nhau. Cùng một cỗ máy như thế, với những người đứng máy khác nhau, tỷ lệ thành công sẽ dao động từ 10-80%. Với những kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm, đã đứng máy nhiều năm thì tỷ lệ thành công mới đạt 80%, còn lại 20% là phế phẩm, không sử dụng được. Với những kỹ sư ở một số công ty tại Mỹ, tỷ lệ thành công cũng chỉ đạt 60-70%. Những công ty mới của Trung Quốc có khi chỉ đạt tỷ lệ thành công 30-40%, trong khi máy móc của họ cũng rất hiện đại.

Thậm chí, nhiều loại chip của các công ty lớn, sau khi đã được thử nghiệm và thương mại hóa, vẫn còn phát hiện lỗi, phải bỏ đi, rất tốn kém và ảnh hưởng tới nhiều ứng dụng khác nhau. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu ra của sản phẩm chip chứ không chỉ phụ thuộc vào máy móc hiện đại. Máy móc, trang thiết bị có thể như nhau, nhưng với đội ngũ kỹ sư, cán bộ sử dụng khác nhau, chất lượng sản phẩm đầu ra cũng khác nhau. Đây chính là điểm khác biệt của các ngành công nghệ cao. Hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào đầu tư, vào công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của nhân lực, sử dụng hiệu quả các hệ thống này.

Ngoài kiến thức nền, sinh viên nhận được trên giảng đường và trong phòng thí nghiệm ở các cơ sở đào tạo, thì kinh nghiệm thực tế đóng vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm này phải được bồi đắp theo năm tháng, qua công việc, chứ không thể truyền kiến thức như trên giảng đường được. Thường thì, sau khi học đại học, các kỹ sư còn cần phải được tiếp tục thực hành và làm việc từ 3-5 năm nữa, mới thành thạo các chu trình công nghệ bán dẫn.

Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao, vì vậy, khác xa với đào tạo đại trà. Trong đó tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải số lượng. Chất lượng đào tạo sẽ quyết định hiệu quả sử dụng nhân lực.

Trong đào tạo nhân lực chất lượng cao phải chú ý tới đào tạo các kỹ năng làm việc chuyên sâu, làm việc theo nhóm và các kiến thức tổng hợp của chu trình công nghệ. Ví dụ, nhân lực thiết kế vi mạch không chỉ được đào tạo về quy trình thiết kế vi mạch mà còn được học, thực hành, thậm chí tham gia vào các công đoạn thử nghiệm, sản xuất vi mạch. Lý do là các sản phẩm vi mạch sau thiết kế cần được thử nghiệm kỹ lưỡng, nhiều lần, kể cả trong quy trình sản xuất và ứng dụng thực tiễn, mới có thể chứng minh hiệu quả. Vì vậy, kỹ sư thiết kế phải biết cả quy trình công nghệ thử nghiệm, sản xuất các vi mạch này, mới có thể thiết kế các vi mạch hiệu suất cao, thông số kỹ thuật ổn định, giá thành cạnh trạnh.

Ngược lại, các kỹ sư thực hiện các công đoạn sản xuất, nhất là các kỹ sư thử nghiệm và chế tạo chip cũng phải biết các công đoạn cơ bản của thiết kế...Ngoài ra, dù ở vị trí kỹ sư thiết kế, sản xuất chip hay kỹ sư lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip… thì cũng phải được đào tạo cơ bản các kiến thức đại cương về vật lý chất rắn, vật liệu bán dẫn, lý thuyết mạch, quy trình thiết kế... đến các kiến thức về thử nghiệm, sản xuất, lắp ráp, kiểm thử vi mạch chuyên sâu. Nền tảng kiến thức cơ bản này mới cho phép các kỹ sư làm việc hiệu quả trong chu trình công nghệ về bán dẫn.

Phóng viên: Mục tiêu cụ thể của Đề án là “Đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó:

Theo trình độ: đào tạo được ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 thạc sĩ và 500 tiến sĩ.

Theo các công đoạn: 15.000 kỹ sư, cử nhân thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư, cử nhân trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 kỹ sư, cử nhân có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Ông đánh giá những con số mục tiêu này so với điều kiện của Việt Nam hiện nay?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Mục tiêu đào tạo “ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành công nghiệp bán dẫn” theo tôi, cần phải được xem xét cẩn thận:

Thứ nhất, hệ thống đào tạo của chúng ta khó có thể đào tạo ra số lượng lớn kỹ sư các ngành bán dẫn trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường.

Thứ hai, Việt Nam chưa có thị trường nhân lực bán dẫn, chưa có ngành công nghiệp bán dẫn. Bài toán bố trí việc làm cho 50.000 kỹ sư bán dẫn này như thế nào, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch?

Thứ ba, cũng phải tính cho kỹ, liệu nền kinh tế của chúng ta có đủ sức đầu tư, để phát triển ngành công nghiệp rất tốn kém như công nghiệp bán dẫn không? Đề án đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, dự kiến là 26.000 tỷ, chỉ tới năm 2030. Trong khi để xây dựng các nhà máy (cho các nhân lực này làm việc) thì chi phí phải gấp hàng chục lần. Chúng ta có đủ tiền xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, thử nghiệm, nghiên cứu cho các kỹ sư đó làm việc hay không. Hoặc, cho dù có đủ tài chính để xây dựng các cơ sở này thì các cơ sở đó sẽ sản xuất các sản phẩm bán dẫn gì, đủ sức cạnh tranh trên thị trường? Nếu chỉ có các nhà máy từ nguồn đầu tư nước ngoài thì liệu chúng ta có xây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta không?

Cũng có ý kiến nói rằng, Việt Nam không cần phải chi nhiều tiền để xây dựng các nhà máy, lấy chỗ làm việc cho các kỹ sư, mà cứ đào tạo nhân lực cho các tập đoàn của thế giới, cứ cho họ đi làm việc khắp nơi trên thế giới, học hỏi thêm nhiều kiến thức cho giỏi, rồi sau này về Việt Nam làm việc, xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, cũng không muộn. Tư duy thế, liệu có thực tế không, có phải là mới và khách quan không? Tôi nghĩ, phải hết sức cẩn trọng với những đề xuất như vậy.

Thứ nhất là, với chất lượng đào tạo như hiện nay của chúng ta, thì các tập đoàn bán dẫn trên thế giới liệu có tiếp nhận nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra không (dù có thể phải đào tạo thêm ngắn hạn)? Và nếu chấp nhận, thì trước mắt chúng ta cũng sẽ bị mất tiền của, công sức đào tạo, không sử dụng được nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta, bị chảy máu chất xám.

Thứ hai là, khi nào và trong điều kiện nào, mới có thể thu hút được lực lượng này trở lại làm việc cho chúng ta, giúp đất nước phát triển? Thực tế, nhiều năm nay, chúng ta gửi đi đào tạo lưu học sinh tại nước ngoài, trong số đó, có một phần các lưu học sinh ở lại làm việc và không về nước nữa, khi họ có điều kiện sống và làm việc tốt hơn tại nước sở tại. Theo thời gian, họ xây dựng gia đình, con cái sinh ra và lớn lên, học tập và gắn bó với môi trường đó. Càng làm cho việc họ trở lại làm việc và cống hiến cho Việt Nam không dễ thực hiện. Dần dần, đã hình thành cộng đồng các lưu học sinh và cựu lưu học sinh sinh sống và làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Việc thu hút, tạo điều kiện sống và làm việc ổn định, chấp nhận được cho họ và cho gia đình họ, tái định cư tại Việt Nam, là bài toán khó giải từ nhiều năm nay.

Mục tiêu của đào tạo nhân lực bán dẫn, trước hết, là để phục vụ cho đất nước ta, cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, chứ không phải đào tạo cho nước khác. Đề án cũng đề cập đến đào tạo 5.000 cán bộ để làm việc cho các tập đoàn ở nước ngoài. Theo tôi, không nên đặt nhiệm vụ này trong Đề án.

Cần chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng

Phóng viên: Nắm bắt xu thế, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam công bố mở ngành/chuyên ngành đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn từ năm 2024 nhằm cung cấp số lượng nhân lực mà Đề án nêu ra.

Ông đánh giá như thế nào về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên hiện tại của Việt Nam về lĩnh vực bán dẫn? Trước việc nhiều trường đại học ở Việt Nam ồ ạt mở ngành bán dẫn, vi mạch, liệu có thể dẫn tới rủi ro đó là đào tạo quá nhiều sinh viên, tức là mải chạy theo số lượng?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Hiện nay, mỗi năm hệ thống của chúng ta đào tạo được khoảng 1.400 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Số lượng này là quá nhỏ so với con số ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn mà Đề án đặt ra. Vấn đề chất lượng đào tạo hiện nay là vấn đề chính, cần được quan tâm của cả hệ thống đào tạo, nhất là khi tăng vọt về số lượng như mục tiêu của Đề án.

Chúng ta muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, điều đó tốt. Và cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp này. Nhưng cần cân nhắc kỹ giữa mong muốn với khả năng thực tế. Mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo đặt ra phải tương thích với khả năng của cả hệ thống, không nên đặt mục tiêu quá cao, không khả thi và cuối cùng dẫn tới lãng phí nguồn lực của đất nước, của xã hội. Lãng phí ở đây còn có cả lãng phí cơ hội. Để tận dụng được ít cơ hội đang có để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thì chúng ta phải chuẩn bị kỹ. Cơ hội càng lớn, càng phải chuẩn bị kỹ. Nóng vội, có thể dẫn tới không đạt mục tiêu, mà cơ hội cũng sẽ mất. Thực tế, một số tập đoàn bán dẫn nước ngoài đã và đang muốn vào Việt Nam đầu tư nhưng cũng đã có những tập đoàn cân nhắc lại.

Các đối tác nước ngoài rất cần các chuyên gia bán dẫn. Vấn đề là chúng ta có đào tạo được nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của thị trường hay không. Ví dụ, về thiết kế vi mạch, theo tôi biết, thì nhân lực thiết kế mà họ cần ở đây, là các kỹ sư có thể tham gia thiết kế các hệ thống ứng dụng công nghệ bán dẫn hiện đại như CPU, GPU, MEMS, AI,... chứ không phải là các kỹ sư mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hệ thống đào tạo đại học của chúng ta hiện nay, còn rất nhiều việc cần phải làm, để nâng cao chất lượng đào tạo, mới có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong đó, phải xem xét cả việc đào tạo và đào tạo lại hệ thống giảng viên các ngành bán dẫn. Đây cũng là việc không dễ thực hiện chỉ trong vài năm.

Phóng viên: Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là 14.000 tỷ đồng cho tổng số 50.000 nhân lực bán dẫn.

Theo ông cần có lưu ý gì để đảm bảo chi phí đầu tư này được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước? Ngoài ra, cần có thêm những chính sách như thế nào để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Cần trả lời câu hỏi, làm thế nào để nhân lực đào tạo ra tham gia được vào quá trình vận hành của thị trường, từ đó mới có kinh phí để tái đầu tư cho đào tạo. Đề án chưa lưu tâm đúng mức vai trò của các doanh nghiệp, chưa làm rõ phần chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi (mà chủ yếu mới dùng ngân sách nhà nước). Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, Việt Nam nên tìm, chọn và hợp tác với một số đối tác lớn có kinh nghiệm để đi cùng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu, khi ta chưa có kinh nghiệm và chưa đủ uy tín trên thương trường. Mặt khác, cần nghiên cứu cách đi riêng thích hợp và hiệu quả, để sớm có vị thế trên thị trường.

Giả sử 50.000 kỹ sư, cử nhân đào tạo xong, không đáp ứng được yêu cầu thị trường về chất lượng, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Điều này rất dễ dẫn đến tiêu cực trong tổ chức thực hiện. Và tiêu cực này sẽ có thể ở tất cả các công đoạn, không chỉ ở mua bán trang thiết bị, lắp đặt, mà còn cả ở đào tạo, nghiệm thu chất lượng đầu ra, bố trí công ăn việc làm cho nhân lực được đào tạo. Đề án còn đặt mục tiêu đào tạo 7.500 thạc sĩ và 500 tiến sĩ, trong thời gian ngắn tới năm 2030. Vấn đề bố trí việc làm cho đội ngũ nghiên cứu này như thế nào. Còn nếu các doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận kỹ sư vào làm việc thì 7500 thạc sĩ và 500 tiến sĩ sẽ đi đâu? Để tháo gỡ những nút thắt đó, tôi cho rằng, Đề án cần bổ sung nhiều giải pháp trong đó có các giải pháp thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để họ tham gia vào quá trình này. Cần xã hội hóa đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Phóng viên: Một nội dung được đề cập đến trong Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” là: “Trong thời gian đầu, ưu tiên đào tạo giảng viên và đào tạo chuyển đổi từ các ngành gần để đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường”.

Việc chuyển sinh viên năm nhất, năm hai các ngành gần sang học về bán dẫn liệu có đảm bảo chất lượng “chuẩn”? Nhiều ý kiến cho rằng như vậy sẽ “đốt cháy giai đoạn” và khó đáp ứng được yêu cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyên bố sẽ chuyển sinh viên các ngành gần sang đào tạo bán dẫn là cách tiếp cận không mới. Tuy nhiên, năng lực của các trường đào tạo không chỉ với các ngành gần mà với các ngành về bán dẫn còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, phải cân nhắc kỹ khi thực hiện, vì Đề án đề cập đến việc đào tạo lại các ngành gần chỉ trong thời gian từ 6 tháng - 1 năm. Thời gian đào tạo ngắn như vậy thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả với người học chính quy về bán dẫn, khi ra trường, vẫn cần học thêm những khóa ngắn hạn kéo dài từ 6 tháng - 1 năm, chứ chưa nói đến sinh viên các ngành gần.

Đề án liệt kê nhiều ngành gần, thậm chí có cả những ngành như: Toán, Vật lý, Cơ khí,... Toán, Vật lý hay Cơ khí chỉ là các ngành cơ bản, mà khi đào tạo, tất cả các lĩnh vực kỹ thuật đều phải học qua. Những ngành “gần” đó, nếu chuyển sang học về vi mạch, bán dẫn, gần như phải đào tạo lại từ đầu.

Tất nhiên sinh viên các ngành kỹ thuật năm thứ nhất và năm thứ hai có thể chuyển sang học về bán dẫn, do các môn học đại cương cơ bản giống nhau. Nhưng cũng không tiết kiệm được nhiều thời gian, so với cả quá trình đào tạo. Nhất là khi, thường phải thêm các khóa đào tạo chuyên sâu, thực hành tại doanh nghiệp (cho sinh viên đã tốt nghiệp), mới có thể làm việc hiệu quả.

 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ giới thiệu về các máy móc tại Viện Công nghệ VinIT. (Ảnh: Nhật Lệ)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ giới thiệu về các máy móc tại Viện Công nghệ VinIT. (Ảnh: Nhật Lệ)

Bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới

Phóng viên: Từ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo vi mạch, bán dẫn ở Nga thì đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài, chính sách đãi ngộ… diễn ra như thế nào, thưa ông?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Trước đây, hệ thống đào tạo của Liên Xô cũ tách riêng với hệ thống nghiên cứu, hệ thống sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Hệ thống đào tạo hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa và nhà nước bao cấp, chi phối toàn bộ. Các hệ thống này bị ngăn cách và không liên quan trực tiếp với nhau, mà chủ yếu thông qua Ủy ban kế hoạch nhà nước và không hoạt động theo cơ chế thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân mà ngành công nghiệp bán dẫn của Liên Xô đã thất bại. Đó là trước đây.

Hiện nay, Liên bang Nga đã thay đổi theo hướng tích hợp hệ thống đào tạo bán dẫn với hệ thống nghiên cứu và sản xuất, kết hợp với đầu ra của thị trường. Đó là một chuỗi liên kết mật thiết với nhau. Các cơ sở nghiên cứu thường sử dụng luôn nguồn lực cán bộ khoa học cho giảng dạy, thậm chí có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất.

Ở góc độ quản lý, Nga đã xây dựng các hệ thống liên thông giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất. Sinh viên nhiều ngành công nghệ cao, không chỉ thực hành trong các phòng thí nghiệm của trường, mà còn được thực hành luôn trong quy trình công nghệ của nhà máy, viện nghiên cứu. Các trường đại học không thể đầu tư những phòng thí nghiệm bán dẫn đắt tiền và có thể sử dụng chung hệ thống máy móc, dây truyền công nghệ hiện đại của các cơ sở sản xuất và nghiên cứu cho mục tiêu đào tạo. Điều quan trọng nhất là phải gắn đào tạo, nghiên cứu với sản xuất, điều mà Nga đang cố gắng thực hiện với các cơ sở của mình.

Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm của Nga và các nước trên thế giới để triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: Từ bài học kinh nghiệm của thế giới có thể chia các nước có nền công nghiệp bán dẫn thành ba nhóm gồm:

Nhóm thứ nhất, nhóm các nước phát triển, dẫn đầu công nghiệp bán dẫn, có kinh nghiệm nhiều trong đào tạo như Mỹ (đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn), Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Nhóm thứ hai, các nước đang phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là Ấn độ và Trung Quốc (đang tiệm cận nhóm đầu về bán dẫn). Mặc dù họ đã từng đi sau rất xa các nước phát triển, nhưng lại có các bước tiến rất nhanh, phát triển vượt bậc, cùng một loạt các ông lớn khác ở châu Âu trong công nghiệp bán dẫn như Hà Lan, Đức, Pháp…

Nhóm thứ ba, các nước bắt đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia,… Các nước này thấy được tiềm năng và tác động to lớn của ngành công nghiệp bán dẫn tới nền kinh tế, lan tỏa tới nhiều lĩnh vực quan trọng về kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp, mong muốn xây dựng nền công nghiệp bán dẫn của mình, tích hợp và đi cùng với các nước khác trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới để đảm bảo đào tạo nhân lực gắn với thực tế. (Ảnh: Nhật Lệ)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới để đảm bảo đào tạo nhân lực gắn với thực tế. (Ảnh: Nhật Lệ)

Nếu nói về học tập thì có lẽ chúng ta phải học tập kinh nghiệm từ cả ba nhóm này. Ngay cả nhóm thứ ba cũng có rất nhiều bài học bổ ích cho chúng ta. Ví dụ, với Malaysia, chúng ta cần đặt câu hỏi, tại sao họ lại thu hút được các tập đoàn bán dẫn lớn tới đầu tư. Thậm chí, có tập đoàn đầu tư đã sang Việt Nam rồi, nhưng cuối cùng lại tới Malaysia.

Tất nhiên với nhóm thứ nhất và thứ hai chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm rất nhiều, vì họ đã đi qua chặng đường xây dựng và phát triển bán dẫn. Họ có rất nhiều kinh nghiệm và bài học quý. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều là, chặng đường họ đi qua thường theo hướng phát triển công nghiệp lớn, khi toàn cầu hóa bán dẫn chưa sâu sắc như hiện nay. Ví dụ như, Nhật Bản những năm 70 đã thống lĩnh thị trường điện tử dân dụng của thế giới. Việt Nam là nước đi sau, nên tiếp thu những điều phù hợp và tích cực, đồng thời tránh những sai lầm của những nước đi trước, trong đó có đầu tư dàn trải và những sai lầm về định hướng sản phẩm bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi đầu tư lớn, bài bản và phải chuyên môn hóa sâu. Khác với nhiều ngành khác, ngành công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu rất cao. Chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện nay, là minh chứng rõ nét cho tính toàn cầu của ngành bán dẫn. Các nước thuộc nhóm thứ nhất và thứ hai, đã chiếm lĩnh được những vị trí nhất định trên thị trường, trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Các nước mới tham gia, muốn chen chân vào, cũng không dễ, và đều phải chấp nhận cạnh tranh rất khốc liệt từ cả “người” cũ và mới.

Để xây dựng nền công nghiệp bán dẫn, tất nhiên, cần phải có nhân lực và phải bắt tay vào đào tạo nhân lực. Nhưng khi xây dựng các Đề án đào tạo nguồn nhân lực, cần tính đến đầu ra của thị trường, tới chất lượng, cơ sở vật chất của hệ thống đào tạo, hệ thống giảng viên … Tất cả những yếu tố này đều liên quan đến nhau, đồng bộ trong hệ sinh thái về bán dẫn, từ đào tạo, nghiên cứu, sản xuất đến thị trường.

Về lâu dài, nhà nước không thể chi những khoản tiền lớn, hàng tỷ USD từ ngân sách cho đào tạo nhân lực bán dẫn, mà phải gắn đào tạo với thị trường để có thể tái đầu tư và phát triển bền vững. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải đứng được vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Không chỉ sản phẩm đào tạo, mà cả sản phẩm cuối của ngành công nghiệp bán dẫn cũng phải được đưa vào thị trường toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng. Hệ sinh thái ở đây không chỉ là hệ sinh thái của riêng đào tạo mà là hệ sinh thái của toàn bộ nền công nghiệp bán dẫn. Chỉ như vậy mới có thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng thành công ngành công nghiệp bán dẫn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thùy Linh - Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-vi-mach-ban-dan-khong-chi-can-may-moc-hien-dai-post244786.gd
Zalo