Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đảm bảo thực chất, hiệu quả

Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Trường Trung cấp nghề Giao thông- Vận tải (GTVT), phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) là đơn vị chuyên đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô hạng A1, A2, B1, B2, C, D, E. Hiện nhà trường có 2 cơ sở đào tạo (TP Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc) và 2 trung tâm sát hạch xe ô tô (loại 1 và loại 3), 9 địa điểm sát hạch mô tô hạng A1 (trong đó có 4 địa điểm lắp thiết bị chấm điểm tự động).

Ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa cho biết: Hàng năm, nhà trường tuyển sinh trên 20 nghìn học viên tham gia học lái xe mô tô, ô tô, riêng lái xe ô tô thời gian cao điểm có thể lên đến 8 nghìn học viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, ngoài đầu tư mua thêm 15 xe tập lái hạng B, 3 cabin điện tử, nhà trường còn lắp đặt bổ sung 2 phòng máy vi tính với 50 máy tại cơ sở 1 TP Thanh Hóa và cơ sở 2 huyện Ngọc Lặc. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng đào tạo, sát hạch của nhà trường luôn đảm bảo, với kết quả sát hạch lái xe ô tô các hạng đạt tỷ lệ trên 65%, mô tô hạng A1 đạt tỷ lệ trên 70%.

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet là cơ sở chuyên đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô các hạng B1, B2, C và xe mô tô hạng A1, A2. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh được 20.985 học viên (4.248 học cấp GPLX ô tô, 16.767 học cấp GPLX mô tô). Ông Lê Hải Bình, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, nhà trường thường xuyên bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như có kế hoạch nâng cấp, thay đổi các xe. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhờ đó, tỷ lệ sát hạch, được cấp GPLX ô tô, mô tô các hạng đạt tỷ lệ từ 60 - 65%. Những học viên sau khi có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, góp phần vào mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 phương diện của tỉnh đặt ra.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo tinh thần Thông tư 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cấp, sử dụng GPLX quốc tế, đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa và ông Lê Hải Bình, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet cho biết: "Ngoài xây dựng, biên soạn giáo trình đào tạo lái xe các hạng đưa vào giảng dạy từ ngày 1/1/2025 như thông tư quy định, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đầu tư bổ sung thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là xe tập lái để điều chỉnh, bổ sung các hạng xe theo quy định mới là hạng C1 và C (đối với Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ Vicet); xe C1, D1 (đối với Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa). Đồng thời, luôn bảo trì, nâng cấp thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống, thực hiện công tác lưu trữ đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, tổ chức dự giờ, thao giảng nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy... Tuy nhiên, do việc chuyển giao quản lý công tác sát hạch, cấp đổi GPLX giữa 2 ngành GTVT và công an hiện chưa thực hiện xong nên nhà trường chưa thực hiện đầu tư mua sắm".

Thanh Hóa hiện có 16 cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô, mô tô, 19 đơn vị liên kết đào tạo lái xe mô tô và 9 trung tâm sát hạch. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, các cơ sở đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học, đồng thời góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dao-tao-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-dam-bao-thuc-chat-hieu-qua-240747.htm
Zalo