Đào tạo nhân lực cho các bộ môn kịch hát dân tộc: 'Đỏ mắt' tìm người học

Những năm gần đây, các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch chuyên nghiệp cả nước không chỉ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiếp cận khán giả mà còn phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kế cận. Thực tế, tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, một số ngành đào tạo đã rơi vào tình trạng không tìm được người học...

Báo động về nguồn nhân lực kế cận

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh Đại học chính quy năm 2025. Theo thông tin tuyển sinh năm 2024, nhà trường chỉ tuyển sinh 35 chỉ tiêu cho 3 chuyên ngành đó là: Diễn viên chèo (15 chỉ tiêu), Diễn viên cải lương (10 chỉ tiêu) và Nhạc công kịch hát dân tộc (10 chỉ tiêu).

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ hàng chục năm nay Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội luôn gặp khó khăn trong việc tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc. Số lượng thí sinh đăng ký vào các chuyên ngành này mỗi năm một ít đi, thậm chí có những ngành mấy năm liền không có thí sinh nào đăng ký dự tuyển như diễn viên cải lương, diễn viên múa rối.

TS.NSƯT Bùi Như Lai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (giữa) trả lời câu hỏi của sinh viên trong Hội nghị Đối thoại giữa người học với lãnh đạo nhà trường năm 2025.

TS.NSƯT Bùi Như Lai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (giữa) trả lời câu hỏi của sinh viên trong Hội nghị Đối thoại giữa người học với lãnh đạo nhà trường năm 2025.

Trong số các ngành Kịch hát chiêu sinh, chuyên ngành Diễn viên chèo thường có đông thí sinh đăng ký dự tuyển nhất cũng không quá 30 hồ sơ, nhưng đến khi nhập học có năm đạt chỉ tiêu, có năm dưới chỉ tiêu và trong quá trình học còn tiếp tục bị rơi rụng dần, chỉ có 8 đến 10 sinh viên tốt nghiệp.

Đối với chuyên ngành Diễn viên cải lương, năm 2019 và 2020, mỗi năm chỉ có 5 diễn viên tốt nghiệp và liên tiếp trong 3 năm (2021, 2022, 2023) chuyên ngành này không có thí sinh nào dự tuyển. Đến năm 2024, sau rất nhiều nỗ lực quảng bá, khuyến khích, trường đã tuyển sinh được 8 sinh viên, đang theo học năm thứ nhất.

Tương tự, đối với chuyên ngành Múa rối, trong 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) nhà trường không tuyển được lớp diễn viên nào do không có thí sinh dự tuyển hoặc có quá ít, không đủ để mở lớp. Trước đó, năm 2015 có 6 sinh viên; các năm 2016, 2017, 2018 mỗi năm có 8 sinh viên.

Trong khi đó, thực tế biểu diễn múa rối ở các đơn vị tiêu biểu như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Hải Phòng... có hoạt động biểu diễn khá sôi nổi, thu hút đông khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Đặc biệt, như Nhà hát Múa rối Thăng Long, với vị trí địa lý thuận lợi ngay cạnh hồ Gươm, đơn vị này thường xuyên đỏ đèn đủ 365 ngày, kể cả ngày lễ, Tết (trừ thời kỳ COVID-19). Điều đó cho thấy, nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa rối đã trở thành ngành đào tạo rất “kém hấp dẫn”, gần như không có trong danh mục chọn nghề của các bạn trẻ.

Sân khấu kịch hát truyền thống của Việt Nam với các loại hình tiêu biểu như chèo, cải lương, tuồng, múa rối..., từng được khẳng định như “căn cước văn hóa” của dân tộc Việt Nam trong cuộc trình diện với văn minh của thế giới...”. Thế nhưng, tấm “căn cước văn hóa” này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó có sự báo động của khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực kế cận ngay ở khâu đào tạo.

Nhiều ưu đãi, vẫn hiếm người học

Theo thông tin từ Thạc sĩ Cao Thị Phương Dung - giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, riêng đối với ngành đào tạo Kịch hát dân tộc, nhà trường dành cho sinh viên khá nhiều ưu đãi ngoài việc sinh viên được giảm 70% theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: được cấp tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập (1 bộ mùa đông, 1 bộ mùa hè), giày tập, tất tập... và học bổng cho sinh viên xuất sắc.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Tuy nhiên, nhìn vào những con số tuyển sinh đã nói ở trên, có thể thấy, trong những năm tới, “cái nôi” đào tạo diễn viên kịch hát chuyên nghiệp ở trình độ cao này sẽ tiếp tục phải đối mặt với việc “khủng hoảng thiếu sinh viên” để đào tạo, mặc dù một số giải pháp để khắc phục tình trạng này đã được nhà trường áp dụng triệt để. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhà trường không đào tạo hệ đại học đối với chuyên ngành Diễn viên tuồng mà chỉ thực hiện việc liên kết đào tạo với các nhà hát hoặc thực hiện dự án đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thực hiện "Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020", từ năm 2016-2018, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát đào tạo diễn viên và nhạc công tuồng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Quảng Trị...

Hầu hết các sinh viên đến từ các tỉnh, thành được cấp toàn bộ kinh phí ăn, ở, học, được thực tập tại đơn vị nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp được nhận về các nhà hát làm việc. Nhờ thế, đề án với nhiều ưu đãi này cũng đã góp phần đáng kể trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ tại các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương.

Ngày 6/3 vừa qua, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia có tên “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”.

Tại hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc, phản ánh trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc, nghệ thuật truyền thống luôn có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, không tách khỏi sự nghiệp “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

PGS.TS Tạ Quang Đông cũng chỉ ra rằng: “Thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập, trong đó có vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận có chất lượng...”. Bởi thế, việc hiện thực hóa đường lối, cơ chế, chính sách để đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế cận của các bộ môn nghệ thuật truyền thống cần tiếp tục được đặc biệt quan tâm, chú trọng thì mới khắc phục được vấn đề thực tế cấp thiết này.

TS.NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam:

Bồi dưỡng và đào tạo nghệ sĩ sân khấu là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nền nghệ thuật sân khấu nước nhà đang đứng trước thách thức lớn. Về lĩnh vực giảng dạy sân khấu truyền thống, hiện nay đội ngũ thầy giỏi không có nhiều, hay nói cho đúng là thiếu nghiêm trọng.

Các nghệ sĩ bậc thầy có lý luận, thực tiễn tay nghề cao có thể giảng dạy được thì ngày càng ít dần do nhiều người đã mất hay sức khỏe cũng đã yếu, không đứng lớp được. Trong khi đó, số nghệ sĩ trẻ còn thiếu kinh nghiệm và thực tiễn, chưa có sự trải nghiệm, vừa ra trường, chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy nghệ thuật.

Bên cạnh đó, việc tuyển sinh cho các ngành sân khấu ngày càng khó khăn, do việc bồi dưỡng diễn viên sân khấu có tính đặc thù nên khâu tuyển sinh các em học sinh ngay từ khi tốt nghiệp cấp 2 hầu như không có.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thực hiện đào tạo diễn viên và nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn với đối tượng tuyển là các em học sinh lớp 8, 9, 10 nhưng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không có mã ngành đào tạo trung cấp.

Chưa nói đến là nhiều em sau khi trở về các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chèo, có diễn viên phải làm các công việc sự vụ khác, có diễn viên phải mất hàng chục năm mới có vai diễn chính. Nhiều sinh viên xuất sắc sau khi ra trường phải đối mặt với các vấn đề nảy sinh như: ít có cơ hội biểu diễn, ít có cơ hội cọ xát tại các cuộc thi, dẫn đến việc diễn viên càng mất đi năng lực cạnh tranh, không nâng cao được trình độ nghề nghiệp, dần mất đi ý thức danh dự nghề nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần loại bỏ tư duy đào tạo để kiếm “miếng cơm manh áo”, mà phải hướng tới đào tạo để trở thành nghệ sĩ biểu diễn chân chính, xuất sắc.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dao-tao-nhan-luc-cho-cac-bo-mon-kich-hat-dan-toc-do-mat-tim-nguoi-hoc-i764717/
Zalo