Đào tạo nhân lực bán dẫn cần cẩn trọng, tránh phát triển nóng nhưng không bền

Việt Nam có cơ hội lớn vươn tầm ngành bán dẫn, nhưng cần chiến lược bài bản, dài hạn để phát triển bền vững, tránh rủi ro trong tương lai.

Phát triển công nghiệp bán dẫn được nước ta xác định là chiến lược ưu tiên hàng đầu, hướng tới hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường.

Bắt kịp xu hướng đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng đã nhanh chóng đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực. Tuy vậy, nhìn vào nguồn lực của nhiều trường hiện nay, mối lo ngại về “phát triển nóng nhưng không bền” vẫn là nỗi trăn trở đối với nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục.

Cơ hội lớn từ công nghiệp bán dẫn

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn là rất lớn.

Công nghệ bán dẫn là một chuỗi công nghệ, công nghiệp liên ngành trình độ công nghệ cao, trụ cột chính trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, tốc độ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tăng nhanh, nhiều nhà máy lĩnh vực bán dẫn được mở rộng quy mô và xây mới cả Việt Nam và trên thế giới, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn ngày càng lớn. Cơ hội từ sự tăng trưởng này là động lực để đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp bán dẫn, trong đó Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao với lợi thế "dân số vàng" và đội ngũ lao động nhanh nhạy với công nghệ. Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, đây là cơ hội vàng để khẳng định vị thế của Việt Nam và cũng là lúc phát huy nguồn lực từ các trường đại học trong nước.

Bên cạnh những cơ hội lớn để phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cũng chỉ ra những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Công nghiệp bán dẫn là công nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn, quyết tâm chính trị cao, các chính sách phù hợp và kế hoạch dài hạn. Do đó, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ. Bên cạnh đó, rất cần cơ chế hỗ trợ về tài chính và chính sách thúc đẩy các cơ sở giáo dục Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn, bao gồm cả phát triển các nghiên cứu về công nghệ lõi và đào tạo nguồn nhân lực. Với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và quyết liệt từ Chính phủ.

Trước mối lo ngại về tình trạng “phát triển nóng nhưng không bền vững”, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh đây là một nguy cơ luôn hiện hữu, luôn là bài học cảnh bảo nguy cơ và đòi hỏi các giải pháp phòng tránh rủi ro trong quá trình phát triển nói chung.

Đề cập đến những thách thức trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, từ góc nhìn phía công nghiệp và hoạch định chính sách. Ở Việt Nam hiện nay có rất ít công ty sản xuất trong ngành bán dẫn, vi mạch. Cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này. Từ đó cần có tính toán, dự báo về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu nhân lực thực sự là một bài toán cần thực hiện cẩn trọng, tránh làm theo phong trào hoặc dự báo thiếu chính xác.

Thứ hai, từ góc nhìn phía các cơ sở đào tạo đại học. Đào tạo luôn cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ hiện đại, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Nếu không có sự chuẩn bị khoa học và cẩn trọng, thiếu chiều sâu chuẩn bị cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nguồn lực giảng viên, xin mở ngành ồ ạt, sẽ dẫn đến những hệ lụy cho cả người học, cơ sở đào tạo và cho cả ngành bán dẫn.

Thứ ba, từ góc nhìn phía học sinh và phụ huynh. Ngành công nghiệp bán dẫn là rất hấp dẫn, có nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong thời gian tới, nhưng cũng là ngành học “kén người học”. Các em học sinh cần cân nhắc đam mê của bản thân, năng lực bản thân, kiến thức nền thực sự có phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn hay không. Tránh chọn ngành theo phong trào, dẫn tới sự không phù hợp, sau đó bỏ hoặc chuyển ngành hoặc bỏ nghề, dẫn tới sự lãng phí về công sức, thời gian và cả tài chính.

Đại học Việt Nam đứng trước thách thức đào tạo nhân lực bán dẫn

 Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Đại học Bách khoa Hà Nội được biết đến là một trong những cơ sở giáo dục uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ về kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Huỳnh Quyết Thắng cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt ra mục tiêu trước mắt là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gồm 2 nội dung:

Thứ nhất, phát triển đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình đào tạo nâng cao trình độ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp uy tín trên thế giới về công nghệ bán dẫn.

Thứ hai, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, thích ứng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như chương trình kỹ thuật vi điện và công nghệ nano, đồng thời đang triển khai xây dựng chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù về thiết kế vi mạch bên cạnh các chương trình chuẩn liên quan đến thiết kế và đóng gói.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, trong dài hạn, nhà trường nhìn nhận cơ hội từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn là động lực để đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu theo các chiến lược của Đảng, Chính phủ. Hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

 Học sinh lớp 12 đến tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Học sinh lớp 12 đến tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024) đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt theo công thức: C =SET+1.

Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ rất tâm đắc với chữ “T” và số “+1”. Chữ T là talent - nhân lực, nhân tài. Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược. Số 1 trong công thức là vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi theo cách X +1.

“Vì vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội thúc đẩy đào tạo nhân tài, tạo điều kiện cho người thầy của Nhà trường trong lĩnh vực này được tỏa sáng, được phát huy năng lực sáng tạo để xây dựng và chuyển giao tri thức, công nghệ. Nhà trường tạo điều kiện cho các sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội được nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo công nghệ, có thể khởi nghiệp, tạo điều kiện để các em thành công. Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp theo tinh thần +1 để xây dựng các trung tâm đào tạo xuất sắc và nghiên cứu công nghệ cao về công nghệ bán dẫn”, Giám đốc Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá mối lo ngại về phát triển nóng nhưng không bền đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta hiện nay là vấn đề đáng lưu tâm.

Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực thuộc công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, là vấn đề quan trọng và cấp thiết; đặc biệt trong thời gian gần đây, khi thiết kế vi mạch liên tục nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo. Trước những yêu cầu mang tính đặc thù của ngành này, việc đào tạo nhân lực đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có cả năng lực và tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy và mạng lưới hợp tác…

Cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những ngôi trường kỹ thuật uy tín hàng đầu ở nước ta. Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc cho hay, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm nay. Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 03 ngành trình độ đại học gồm Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông; Kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp); Hệ thống mạch - Phần cứng (Chương trình tiên tiến) và 01 ngành trình độ Sau đại học là Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông. Tất cả đều thuộc khoa Điện - Điện tử.

 Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch cũng như trên cơ sở tận dụng lợi thế đã có suốt hơn 20 năm ở lĩnh vực này, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển 02 ngành đào tạo: ngành Thiết kế vi mạch (bậc đại học) và ngành Vi mạch bán dẫn (bậc sau đại học) với mã ngành mới.

Theo Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc, các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều đã được kiểm định chất lượng quốc tế, cam kết chất lượng với người học.

Bên cạnh đó, các giảng viên giảng dạy các chương trình đào tạo về vi mạch đều tốt nghiệp tiến sĩ từ các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tiên tiến như: Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc.

Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, Nhà trường xác định trong mạng lưới phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài và các doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu, đào tạo của cả đôi bên. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới, cũng như các tổ chức và doanh nghiệp lớn.

 Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nghiên cứu sinh thực hiện các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần (RFICs Lab), tháng 10. Ảnh: HCMUT

Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nghiên cứu sinh thực hiện các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần (RFICs Lab), tháng 10. Ảnh: HCMUT

Kiểm soát chất lượng đào tạo ngành bán dẫn: Yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển nóng

Để kiểm soát chất lượng đào tạo trong bối cảnh mở rộng nhanh chóng, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, các đơn vị đào tạo cần cam kết kiểm định chất lượng theo một lộ trình rõ ràng. Kiểm định chất lượng không chỉ là công cụ bắt buộc để các cơ sở giáo dục đại học liên tục cải tiến mà còn đảm bảo hiệu quả đào tạo, thể hiện trách nhiệm với người học và xây dựng uy tín cho nhà trường.

Đồng quan điểm, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc kiểm soát chất lượng đào tạo ngành công nghệ bán dẫn là cần thiết, trong đó Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh ba vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, kiểm soát về cơ sở vật chất. Đào tạo ngành bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư ban đầu lớn, đồng thời sự thay đổi rất nhanh về công nghệ dẫn đến chi phí vận hành đào tạo lớn. Đào tạo ngành bán dẫn đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại như Lab vi mạch, phòng sạch dành cho chế tạo, thiết bị kiểm tra và phần mềm chuyên dụng.

Thứ hai, kiểm soát về chương trình đào tạo và năng lực giảng viên. Ngành bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi chương trình đào tạo phải được xây dựng bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn. Các giảng viên cần có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tế và khả năng giảng dạy các kiến thức phức tạp.

Thứ ba, kiểm soát về hợp tác doanh nghiệp và thực hành thực tập doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học cần hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn để đảm bảo sinh viên có môi trường thực tập, kiến tập, để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngay từ khi ra trường.

Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo không chỉ giúp ngành bán dẫn phát triển theo hướng bền vững mà còn đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gia nhập chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức sau:

C = SET + 1

Trong đó:

C: Chip (Chip bán dẫn);

S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng);

E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử);

T: Talent (Nhân tài, Nhân lực);

+ 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).

Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-nhan-luc-ban-dan-can-can-trong-tranh-phat-trien-nong-nhung-khong-ben-post249002.gd
Zalo