Chuyển đổi năng lượng xanh - Bài 2: Giảm phát thải ở Nhiệt điện Uông Bí

Cũng như các nhà máy nhiệt điện than khác, nhiều năm qua, Nhiệt điện Uông Bí đã chủ động thực hiện các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh.

Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (có hiệu lực từ 01/02/2025) nhấn mạnh việc “Khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp... ; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Công nhân Công ty Nhiệt điện Uông Bí sửa chữa, tiểu tu máy móc, thiết bị

Công nhân Công ty Nhiệt điện Uông Bí sửa chữa, tiểu tu máy móc, thiết bị

Cùng với đó, Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) đã xác định “thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu”. Điều này cũng nhằm thực hiện lộ trình đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, trước khi có những quy định, lộ trình cụ thể nhiều doanh nghiệp đã chủ động những giải pháp nhằm “xanh hóa” sản xuất điện, kiểm soát nguồn thải trong quá trình sản xuất.

Để tìm hiểu rõ hơn quá trình thực hiện các quy định về môi trường và chuẩn bị cho chuyển đổi xanh, phóng viên Báo Công Thương đã có dịp đến tìm hiểu tại một số nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc mà điểm dừng chân đầu tiên là Quảng Ninh- địa phương được coi là Trung tâm Nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc với 7 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất 5.640 MW.

Chủ động “xanh hóa” sản xuất

Là một trong những cái nôi của ngành điện Việt Nam được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ XX, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí do Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) quản lý và vận hành với tổng công suất là 630 MW. Đây là nhà máy lớn, có vai trò quan trọng đối với EVNGENCO1 nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: Thu Hường

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: Thu Hường

Từ khi đưa vào vận hành, nhà máy hoạt động tương đối ổn định, với tổng sản lượng điện lũy kế đến nay (hết năm 2024) đạt trên 42 tỷ kWh điện, hàng năm đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Ninh hơn 120 tỷ đồng, lũy kế đến nay nộp ngân sách tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng và quan trọng hơn cả là góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những năm qua, công ty liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện được giao, đảm bảo vận hành an toàn, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo ông Vũ Quang Chiến – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1): Những năm gần đây tình hình cung ứng than nội địa trữ lượng suy giảm cấp cho các nhà máy, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đưa ra loại than phối trộn giữa than nhập khẩu và than nội địa để cấp cho các nhà máy.

Theo thiết kế, chúng tôi đốt than 5a3 – đây là loại than đặc trưng của vùng mỏ Vàng Danh phối trộn với than của Hòn Gai. Hiện chúng tôi đang đốt than 5b10 - than pha trộn giữa than nội địa và than nhập khẩu”- ông Chiến chia sẻ.

Theo nguyên tắc các lò hơi sẽ được thiết kế căn cứ vào chủng loại than, máy phát và tua-bin thiết kế theo lò hơi, giờ chủng loại than thay đổi dẫn đến nhiệt trị thay đổi, độ tro trong nhiên liệu thay đổi,… Điều này là nguyên nhân dẫn đến quá tải nhiệt và bục ống sinh hơi tại các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời cũng gây ra nguy cơ mất an toàn trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng tới suất tiêu hao nhiệt/kW, ảnh hưởng đến kinh tế, kỹ thuật.

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã phải tổ chức lại quá trình cháy, hiệu chỉnh lại các lò hơi và các vòi đốt sao cho phù hợp với loại than hiện nay”- ông Chiến cho hay.

Trước thực trạng trên cùng với yêu cầu chuyển đổi xanh theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Nhà máy nhiệt điện Uông Bí sẽ tối ưu hóa những hệ thống, đặc biệt thiết bị xử lý khí, khói thải hiện hữu.

Ông Vũ Quang Chiến - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí

Ông Vũ Quang Chiến - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí

Cụ thể, theo ông Vũ Quang Chiến, nhà máy sẽ nâng cao hiệu suất của lò hơi, qua đó sẽ giảm được lượng nhiên liệu cấp vào lò, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và đốt than giảm, nhờ đó giảm phát thải, giảm được lượng điện tiêu dùng và nước phải bổ sung cho sản xuất hơi, hiệu suất của tổ máy tăng lên.

Các giải pháp này được thực hiện qua các chu kỳ sửa chữa, tiểu tu hàng năm. Mỗi năm có 20 ngày tập trung sửa chữa, tiểu tu và 5 năm thì có 60 ngày đại tu, sửa chữa”- ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chiến, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, công ty cũng đã củng cố hệ thống khói thải, hiện nay các tổ máy được lắp 2 hệ thống. Đối với xử lý khói thải, hiện nhà máy được trang bị hệ thống khử lưu huỳnh và tăng cường trồng cây xanh.

Trong tương lai khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn quốc gia thay thế QCVN 22:2009/BTNMT khí thải công nghiệp nhiệt điện thì các nhà máy nhiệt điện trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí sẽ phải nâng cấp toàn bộ hệ thống khói thải hiện hữu và lắp thêm hệ thống khử lốc để đáp ứng được quy chuẩn quốc gia mới về khí thải công nghiệp.

Chuyển đổi xanh - băn khoăn giá điện

Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành khảo sát các đơn vị để đề xuất một lộ trình đồng đốt phát điện xanh như: Biomac, hydro, amoniac... EVN đã mời các đơn vị tư vấn tham gia (Nhật, Hàn Quốc…), các chuyên gia có định hướng sẽ đồng đốt giữa than với sinh khối với hydro và amoniac.

Theo ông Chiến, mặc dù trên thế giới công nghệ đồng đốt phát điện vẫn đang trong quá trình thí nghiệm, tuy nhiên tại Việt Nam, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình đã thực hiện đồng đốt 20% sinh khối với lò trung áp và thành công. Qua đốt kết quả hiệu suất của lò hơi có chiều hướng tăng, tuy nhiên thách thức đó là phải có khu vực chuẩn bị nhiên liệu lớn và chế biến từ phụ phẩm trong nông nghiệp. Như vậy, chúng ta phải có vùng nguyên liệu nếu quyết định chuyển sang đốt sinh khối.

Sửa chữa bảo dưỡng tổ máy tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: HV

Sửa chữa bảo dưỡng tổ máy tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: HV

Còn nếu muốn đốt hydro hoặc amoniac thì chúng ta phải nhập khẩu. Giá 1kW mặc dù vẫn đang nghiên cứu nhưng dự báo mức thấp nhất cũng gấp 2 lần giá điện đốt than.

Hiện giá điện sản xuất từ nhiên liệu hydro hoặc amoniac là chưa có, nhưng theo các chuyên gia tư vấn có thể sản xuất từ năng lượng tái tạo ngoài khơi đưa vào bình nén khí hoặc lắp đường ống dẫn khí. Theo tính toán, chi phí tương đương đầu tư hệ thống đường dây truyền tải điện.

Đối với Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, hiện EVNGENCO1 cũng đang thuê đơn vị tư vấn để khảo sát nhằm nâng cao hiệu suất của các thiết bị để giảm phát thải, tiếp theo nâng cao hệ thống xử lý khói thải để đáp ứng tiêu chí môi trường, song song đó tiền hành chuyển đổi nhiên liệu.

Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Uông Bí khẳng định, để chuyển đổi sang chuyển đổi nhiên liệu, thực hiện “phát điện xanh”, công ty luôn tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên chuyển đổi xanh sẽ phải thực hiện có lộ trình, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bởi để nâng cao hiệu suất các thiết bị hiện có phải có đầu tư lớn, phải nâng cấp đồng bộ do đa phần các nhà máy đã vận hành 20 năm.

Tiếp theo, khi dự thảo Quy chuẩn quốc gia mới thay thế QCVN 22:2009/BTNMT được ban hành thì các nhà máy phải căn cứ vào quy chuẩn này mới có thể thiết kế nâng cấp hệ thống xử lý môi trường, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn về bụi, khí thải… và cũng cần nguồn kinh phí rất lớn.

Khi các tiêu chuẩn đáp ứng rồi thì các đơn vị mới tiến hành chuyển đổi xanh nghĩa là chế độ đồng đốt mới sử dụng được”- ông Chiến nhấn mạnh và cho biết thêm: “Tôi tin rằng tất cả các nhà máy đều có thể chuyển đổi sang chế độ đồng đốt, để thực hiện được điều đó các nhà máy phải thay đổi kết cấu cứng của lò hơi, các vòi đốt, chế độ đốt phải thay đổi. Khẳng định về mặt nguyên lý có thể đốt được, còn tỷ lệ được như thế nào thì phải căn cứ vào thực tiễn”.

 Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: Thu Hường

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Ảnh: Thu Hường

Một vấn đề cũng được các nhà máy quan tâm đó là cơ chế và giá thành. Hiện 1kg than có giá khoảng 8.000 đồng, nếu đốt hết sản xuất được 2kW điện, về lý thuyết 1 lít dầu DO phát được 4kW điện, do vậy việc chuyển đổi xanh cần có cơ chế hỗ trợ.

Hiện các nước như: Hàn Quốc, Pháp , Đức… đều có cơ chế hỗ trợ. Tôi lấy đơn cử, nếu mua nông sản sạch sẽ được nhà nước hỗ trợ về giá, tương tự như vậy điện xanh dứt khoát phải đắt hơn điện truyền thống, có nghĩa phải có chính sách hỗ trợ.

Hiện nay, giá bán điện xấp xỉ 1.500 đồng/kW, nếu đốt sinh khối có thể lên đến 3.000 đồng/kW . “Sau khi chúng ta giải bài toán này thì cuộc cách mạng chuyển đổi sang năng lượng xanh đối với các nhà máy nhiệt điện là thực hiện được”- ông Chiến khẳng định.

Để triển khai thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 cũng như lộ trình chuyển đổi năng lượng được nêu trong Quy hoạch Điện VIII, trước đó vào tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, 3 Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 cùng các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Hiện EVN đã và đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và có kế hoạch chuyển đổi với một số tổ máy của nhà máy như: Uông Bí mở rộng (tổ máy S7), Quảng Ninh (S1,S2) với loại nhiên liệu dự kiến sinh khối/ammoniac... Tuy nhiên, hiện các nhà máy còn nhiều băn khoăn khi chuyển đổi nhiên liệu đó là: Giá thành, công nghệ và nguồn nhiên liệu để thay thế.

Còn tiếp...

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-nang-luong-xanh-bai-2-giam-phat-thai-o-nhiet-dien-uong-bi-372807.html
Zalo