Đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, việc nâng cao năng suất và chất lượng lao động là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa quyết định sự thành công của Thành phố Hồ Chí Minh, cho nên, công tác đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng để thành phố vươn lên phát triển.
![Đào tạo nguồn nhân lực ngành tự động hóa tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_03_14_51390447/cb0c65cc5b82b2dceb93.jpg)
Đào tạo nguồn nhân lực ngành tự động hóa tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học, cao đẳng. Đáng chú ý, thành phố tập trung vào việc đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật số, y tế và dịch vụ tài chính, vốn là những ngành mũi nhọn của thành phố. Ngoài ra, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp đã giúp học viên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực tiễn và khả năng hội nhập quốc tế. Sự đầu tư bài bản vào công tác đào tạo góp phần tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Kết quả khảo sát định kỳ hằng năm của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, giai đoạn 2020-2023, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng trở lên có xu hướng tăng qua các năm, bình quân hằng năm cần khoảng 111.820 chỗ làm việc, chiếm 41,45% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm, với tốc độ tăng bình quân đạt 9,59%/năm. Trong đó, nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm ở trình độ đại học trở lên chiếm 21,16%; cao đẳng chiếm 20,29%. Hai nhóm trình độ này thường tập trung nhu cầu chủ yếu ở các ngành, nghề: Công nghệ thông tin; giáo dục-đào tạo; kế toán, kiểm toán; nhân sự; quản lý điều hành; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng; kinh doanh quản lý tài sản-bất động sản; kinh doanh thương mại…
Tuy nhiên, nhiều lao động qua đào tạo, dù có bằng cấp nhưng kỹ năng thực tiễn và kỹ năng mềm, nhất là ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhận định, nhân lực chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng một phần, chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Mặc dù có nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, điển hình là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, sản xuất chế biến, cơ khí...
Ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Xu hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố đang diễn ra mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố không chỉ đóng vai trò đầu tàu kinh tế mà còn là nơi thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng xu thế mới, thành phố đã triển khai nhiều chính sách và chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng và trình độ của lực lượng lao động, nhất là trong các ngành công nghệ cao, kỹ thuật số, y tế, tài chính và logistics. Các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề ngày càng đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng vào đào tạo thực hành, phát triển kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho học viên. Việc hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước được đẩy mạnh để tạo điều kiện cho người học tiếp cận công nghệ, kỹ năng và môi trường làm việc quốc tế. Xu hướng chuyển đổi số đang thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có khả năng làm việc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi cung ứng thông minh và năng lượng tái tạo. Thành phố khuyến khích phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ và các nhà khởi nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như sự chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở, tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành mũi nhọn. Để khắc phục, địa phương này cần tiếp tục đẩy mạnh Quyết định số 2426/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, đồng thời cần có những chính sách đào tạo, liên kết giữa các trường học và doanh nghiệp, thu hút chuyên gia nước ngoài và tạo điều kiện cho nguồn nhân lực phát triển toàn diện. Nhìn chung, xu hướng phát triển nguồn nhân lực tại thành phố đang đi đúng hướng với những bước tiến đáng kể, nhưng cần có sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía. Việc tập trung đầu tư vào giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng sẽ là chìa khóa để thành phố giữ vững vị thế trung tâm kinh tế tri thức của cả nước trong tương lai ■