Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trải qua hơn 67 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế (ĐHH) trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. ĐHH cũng là một phần không thể thiếu của văn hóa Huế, của vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng.

Trường Đại học Y - Dược ứng dụng công nghệ đào tạo nhân lực y khoa
Giỏi nghề
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có được cuộc gặp, trao đổi với PGS.TS.BS. Lê Trọng Bỉnh, Giảng viên cao cấp Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường Đại học Y - Dược, ĐHH, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế. Bác sĩ Bỉnh đã kể cho tôi về một ca bệnh nặng lớn tuổi trong tình trạng “thập tử nhất sinh” được can thiệp nội mạch cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán với nhiều bệnh lý, bị tổn thương dị dạng mạch máu ruột non nên chảy máu tiêu hóa nặng, sau đó được cấp cứu thành công từ sự kết hợp với nhiều biện pháp nghiệp vụ, thiết bị hỗ trợ của hệ thống DSA hiện đại. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được tiến hành phẫu thuật và điều trị, chăm sóc tích cực và ổn định xuất viện.
PGS. Bỉnh không chỉ được đồng nghiệp, sinh viên y khoa biết đến là một bác sĩ giỏi mà còn là người thầy đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Ông là một trong số các bác sĩ của Trường Đại học Y - Dược được đánh giá có chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và quốc tế, đặc biệt được học tập, nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh can thiệp trong thời gian dài 5 năm tại Hàn Quốc.
Trường Đại học Y - Dược, ĐHH và Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế đang được xây dựng và phát triển theo mô hình “Trường - Viện”, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Nhà trường và bệnh viện kết hợp nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật cao kết hợp đào tạo chuyên sâu, đào tạo y khoa liên tục để cung cấp nguồn nhân lực giỏi, đáp ứng chuyên môn cho cả nước. Trong tiến trình đào tạo nguồn nhân lực và điều trị bệnh nhân, nhà trường cùng với bệnh viện tiếp đón nhiều đoàn chuyên gia quốc tế đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ y học tiên tiến, hiện đại. Uy tín của nhà trường và bệnh viện còn được thể hiện khi ngày càng có nhiều đoàn sinh viên quốc tế chọn là nơi thực tập.
Đến thăm Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, ĐHH, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước đầy đủ thiết bị học tập hiện đại được trang bị cho sinh viên, như: máy quay phim, máy ảnh, phòng quay, dựng video clip… Cựu sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, ĐHH Trần Thị Mỹ Hảo nói: “Qua các môn học và những giờ thực hành, ngay khi còn là sinh viên, chúng em đã có thể viết được các bài báo hoàn chỉnh, thực hiện được các kỹ năng quay phim, dựng clip trên cả máy tính và điện thoại, có thể tổ chức hoàn chỉnh một số tác phẩm báo chí đa phương tiện”.
TS. Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, ĐHH khẳng định, với đội ngũ giảng viên phần lớn là tiến sĩ, thạc sĩ và trang thiết bị công nghệ hiện đại, đơn vị đảm bảo hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Các đợt khảo sát cho thấy, thế hệ sinh viên ngay sau khi ra trường trong những năm gần đây của Khoa đều có việc làm; một bộ phận tiếp tục theo học sau đại học, được giữ lại trường, khoa phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực kế tiếp.
Nguồn lực tỏa đi khắp nước
TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách ĐHH trao đổi, ĐHH tiền thân là Viện ĐHH được thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP, ngày 4/4/1994 của Chính phủ. ĐHH là một trong ba đại học vùng của quốc gia, cơ sở giáo dục đại học công lập gồm các trường thành viên, viện thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc.
“Qua hơn 67 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, ĐHH đã đào tạo và cấp bằng cho hàng trăm ngàn bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân và hàng chục ngàn thạc sĩ, khoảng 700 tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên và học viên của ĐHH thành đạt, nắm giữ các vị trí quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực và cả nước. Trong đó, có một số cựu sinh viên, học viên thành đạt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao của các bộ, ban ngành trung ương và đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp”, TS. Bùi Văn Lợi tự hào.
Hơn 5 năm qua, ĐHH mở 15 ngành trình độ đại học, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai; 10 ngành trình độ thạc sĩ, 5 ngành trình độ tiến sĩ. Hiện ĐHH có 18 ngành đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ liên quan đến công nghiệp chip bán dẫn.
Trong tiến trình từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, ĐHH triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cấp quốc gia, quốc tế theo tiêu chuẩn khu vực (AUN-QA) và các tổ chức kiểm định quốc tế. Đến nay, ĐHH có 20% chương trình đào tạo đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và AUN-QA. ĐHH thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo theo hướng tích hợp dựa trên năng lực, triển khai xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive-Design-Implement Operate), gắn liền với việc chuẩn hóa đầu ra.
Đến nay, ĐHH đang hoàn thiện nội dung chương trình, đảm bảo không gian làm việc kỹ thuật CDIO để tăng cường phương pháp học chủ động, học tích cực, học trải nghiệm, tăng cường thời gian thực hành và tự học của sinh viên. Các hoạt động đào tạo kết hợp với doanh nghiệp được chú trọng với thời gian từ 6 - 9 tháng để sinh viên nắm bắt tốt các kỹ năng thực hành, ứng dụng vào thực tiễn và ra trường được tuyển dụng sớm. Qua khảo sát, đánh giá, tỷ lệ sinh viên sau một năm tốt nghiệp có việc làm tương đối cao, trên 80%, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, ĐHH tạo điều kiện thúc đẩy, triển khai và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Theo đó, đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, đầu tư hình thành không gian làm việc chung (Co-working space), tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. ĐHH tham gia nhiều đề án, chương trình của các cấp bộ, ngành, thành phố Huế về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để từng bước hoàn thiện các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đơn vị.
“Với những thành quả đạt được, tầm nhìn của ĐHH đến năm 2045 sẽ trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới”, TS. Bùi Văn Lợi kỳ vọng.