Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo sinh kế bền vững

Với mục tiêu đào tạo nghề để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho nhân dân, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề ở huyện vùng cao Võ Nhai hướng đến tạo sinh kế giúp người lao động tự tạo việc làm và khởi nghiệp. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã định hình cho kinh tế hộ gia đình hướng phát triển ổn định, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Tổ nhóm cơ khí của gia đình anh Hoàng Văn Đại (ở xã Dân Tiến, Võ Nhai) nhận được nhiều hợp đồng thi công nhà khung sắt, tạo việc làm thường chuyên cho 3 lao động địa phương.

Tổ nhóm cơ khí của gia đình anh Hoàng Văn Đại (ở xã Dân Tiến, Võ Nhai) nhận được nhiều hợp đồng thi công nhà khung sắt, tạo việc làm thường chuyên cho 3 lao động địa phương.

Sau khi được huyện hỗ trợ một phần kinh phí tham gia khóa đào tạo nghề cơ khí ngắn hạn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện năm 2023, trở về địa phương, anh Triệu Văn Liêu (ở xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn, Võ Nhai) đã trở thành “ông chủ” cơ sở hàn ráp khung sắt, kẽm phục vụ nhân dân địa phương. Công việc được anh nhận làm cơ động, đến phục vụ tại các gia đình trong và ngoài xã theo nhu cầu. Anh chia sẻ: Tùy theo từng công trình lớn hoặc nhỏ thì tôi có thể huy động thêm nhân công phụ giúp. Với công trình lớn thì huy động 3-4 người phụ, công trình nhỏ thì 2 người, bảo đảm mức thu nhập ổn định 300 nghìn đồng/ngày công.

Được biết, nhóm thợ cơ khí của anh Liêu đã duy trì hoạt động gần 1 năm qua, cho thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cũng từ phương thức hoạt động linh hoạt của nhóm, bản thân anh Liêu và một số thành viên tham gia phụ việc ngày càng vững tay nghề và yên tâm gắn bó với công việc này. Đặc biệt, trong gần 1 năm qua, gia đình anh và 2 thành viên trong nhóm đã thoát nghèo.

Anh Hoàng Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chấn, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho 250 lao động nông thôn, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số. Sau đào tạo nghề, các học viên đều đã có việc làm và tự tạo sinh kế bằng những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị. Trong đó, nhóm học viên theo nghề cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp và chăn nuôi thú y đã tự tạo nghề cho gia đình, đồng thời làm dịch vụ tại địa phương, có gần 20 nhóm hộ định hình được nghề phi nông nghiệp và dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp...

Với bà Nông Thị Lựu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, sau khi tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi thú y năm 2023 đến nay đã nhân rộng quy mô nuôi gà thương phẩm thành gia trại, với số lượng tăng từ 100 con lên 400 con/lứa. Bà Lựu phấn khởi cho biết: Sau khóa học, việc chăm sóc đàn gia cầm của gia đình tôi đã dễ dàng hơn, năng suất nâng lên, bệnh dịch được kiểm soát tốt và hạn chế rủi ro.

Sau khi được đào tạo nghề, gia đình bà Nông Thị Lựu (ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ 100 con gà/lứa lên 300-400 con, thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Sau khi được đào tạo nghề, gia đình bà Nông Thị Lựu (ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ 100 con gà/lứa lên 300-400 con, thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Được biết, gia đình bà Lựu đã áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm luôn được khách hàng chủ động tìm đến đặt mua. Sau gần 1 năm mở rộng quy mô gia trại, gia đình tích lũy được gần 100 triệu đồng và thoát khỏi diện hộ cận nghèo. Từ mô hình gia trại của bà Lựu, đến nay, người dân xóm La Mạ đã nhân rộng được gần 20 gia trại chăn nuôi gà thương phẩm và liên kết tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh ổn định, với quy mô nuôi từ 300-500 con/lứa.

Huyện Võ Nhai đã tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy hoạch vùng và đặc thù của từng địa phương. Chính vì vậy, hoạt động đào tạo nghề được triển khai đa dạng, với đa ngành nghề, không chỉ tổ chức tập trung tại huyện mà còn đưa lớp đào tạo nghề về các cụm xã, gắn với thực hành…

Theo ông Triệu Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện: Toàn huyện có khoảng 45 nghìn người trong độ tuổi lao động. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã dành nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là với bà con dân tộc thiểu số và phụ nữ, góp phần đa dạng sinh kế và giảm nghèo bền vững. Chương trình và nội dung đào tạo nghề liên tục được cập nhật theo xu hướng mới và nhu cầu xã hội, từ đó thu hút ngày càng đông người học. Nếu như năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện mới đạt trên 37%, thì năm 2022 tăng lên 42%, năm 2023 đạt trên 59%, năm 2024 dự ước sẽ tăng lên trên 60%...

Đặc biệt, nhóm lao động nữ được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm hơn trong việc học nghề ngắn hạn. Nếu như năm 2021, toàn huyện mới có hơn 30 lao động nữ được đào tạo nghề thì năm 2023 đã tăng lên trên 200 người, trong đó có hơn 100 chị em sau đào tạo nghề đã làm chủ kinh tế hộ và cũng là trụ cột giảm nghèo bền vững bằng các mô hình kinh tế hộ, gia trại và một số cơ sở dịch vụ nông, lâm nghiệp.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tao-sinh-ke-ben-vung-bc41dd2/
Zalo