Đào tạo đúng hướng, tăng cơ hội việc làm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện mới có khoảng 14% lao động dân tộc thiểu số (DTTS) được đào tạo nghề, tỷ lệ này còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Đã đến lúc việc đào tạo nghề phải được phát triển, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô…

Lớp trung cấp may Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp Thái Nguyên. Ảnh: L.H.

Lớp trung cấp may Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp Thái Nguyên. Ảnh: L.H.

Chắp cánh ước mơ vượt núi

Vừa đi thực tập, vừa có mức lương 5 triệu đồng/tháng, với em Hoàng Lý Lịch - sinh viên năm lớp 22 khoa Kế toán doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp Thái Nguyên) giống như giấc mơ.

Kể về hành trình được đi học của mình, em Lịch không giấu được sự xúc động: “Nhà em rất nghèo, quanh năm chỉ biết trông chờ vào rẫy ngô nhưng không đủ sống. Anh trai em cũng phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê. Em may mắn được các thầy, cô vận động nên đã đi học cao đẳng. Thuộc diện học sinh dân tộc nội trú nên em được miễn phí toàn bộ học phí và được hỗ trợ 80% tiền ăn. Sau 2 năm học, em được nhà trường cho đi thực tập tại doanh nghiệp. Tại đây em cũng được trả mức lương 5 triệu đồng/tháng. Số tiền có được từ kì đi thực tập, em đã gửi về quê để bố mẹ mua con giống, vật tư sản xuất. Nếu có công việc ổn định em sẽ gửi về hỗ trợ giúp gia đình thoát nghèo”.

Hoàng Lý Lịch là 1 trong số gần 1.500 em học sinh, sinh viên DTTS đang theo học tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp Thái Nguyên.

Ông Khuất Quang Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đào tạo 52 nghề, trong đó có 24 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 5 nghề trọng điểm ASEAN. Tỷ lệ học sinh, sinh viên là người DTTS chiếm hơn 70% trong tổng số học sinh, sinh viên của toàn trường… đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại trường, các em được miễn học phí, hỗ trợ ăn, ở… như học sinh, sinh viên theo học trong các trường nội trú; được giới thiệu việc làm phù hợp. Có nghề, các em ra trường có mức lương tới 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các em đã tự ý thức được con đường tối ưu để thoát nghèo bền vững cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đẩy mạnh chính sách

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên DTTS luôn được Nhà nước quan tâm. Từ năm 2018 - 2019, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2025 có khoảng 80% người DTTS trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với nguồn kinh phí tương đối lớn. Trong đó có dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Cùng với đó, 2 chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cũng đều có dự án cho đào tạo nghề.

Những chính sách trên đã góp phần nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận cơ hội phát triển sinh kế cho thanh niên DTTS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8 triệu lao động người DTTS, nhưng chỉ mới có khoảng 14% lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ này còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS đạt hiệu quả, ông Phan Chính Thức - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA của nước ngoài. Đặc biệt, chính sách đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và xóa đói, giảm nghèo; lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của lao động người DTTS…

Ở góc độ đào tạo, ông Nguyễn Chí Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp Thái Nguyên cho biết, hiện nay phần lớn các trường dạy nghề đều liên kết với doanh nghiệp, cam kết 100% học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên DTTS do đặc tính văn hóa vùng miền nên để thuyết phục các em đi học nghề là không đơn giản.

Cũng theo ông Nhân, năm 2024 để tuyển được gần 1.200 chỉ tiêu ở cấp trung cấp và cao đẳng, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với địa phương về tuyên truyền và cam kết tổ chức đưa đón các em về trường và về quê các dịp lễ, tết. Cùng với đó, cam kết đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình học, nhờ đó mới thuyết phục được bố mẹ cho con em mình đi học. Chính vì vậy, theo ông Nhân, để tăng diện bao phủ học nghề cho thanh niên DTTS rất cần sự vào cuộc từ phía địa phương, cơ sở. Chỉ khi việc tuyên truyền về ý nghĩa việc học nghề đạt hiệu quả thì công tác tuyển sinh, đào tạo cũng như tạo việc làm cho thanh niên DTTS mới đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dao-tao-dung-huong-tang-co-hoi-viec-lam-10294908.html
Zalo