Đào tạo du lịch cần chú trọng thực hành để bắt kịp yêu cầu phát triển

Chiều 12.4, tại Hà Nội, Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị 'Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay'.

Toàn cảnh Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”

Toàn cảnh Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”

Năm trong khuôn khổ Hội chợ VITM 2025, Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Nhân lực du lịch đang thiếu cả về lượng và chất

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, “Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng”.

Dù ngành Du lịch đang tăng trưởng trở lại sau đại dịch, với gần 6 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa chỉ trong quý I.2025, thì lực lượng lao động vẫn là “nút thắt” cản trở sự phát triển bền vững.

Cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch, bao gồm 65 trường đại học, 55 trường cao đẳng, 71 trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra còn có 2 đơn vị đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Tuy nhiên, toàn hệ thống này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu lao động ngành du lịch mỗi năm, trong khi thực tế cần tới 400.000 lao động/năm.

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Trong số đó, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%, và chỉ khoảng 43% tổng số lao động đang làm việc trong ngành từng được đào tạo bài bản về chuyên môn du lịch. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải “đào tạo lại” người lao động dù họ vừa tốt nghiệp.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam chia sẻ: “Du lịch Việt Nam không thiếu lao động phổ thông, thậm chí có thể đang thừa, nhưng lại thiếu nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao, quản lý giỏi, am hiểu công nghệ và có ngoại ngữ tốt”.

Một điểm yếu lớn khác là khả năng thích ứng công nghệ. Theo bà Xoan, nhiều khách sạn 3 sao trở xuống gần như không thể triển khai chuyển đổi số do thiếu đội ngũ am hiểu phần mềm, thiết bị thông minh. Chuyển đổi số sẽ thất bại nếu không có nhân lực phù hợp.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Thực hành là chìa khóa then chốt

Tại Hội nghị, đa số đại biểu đồng thuận rằng, với đặc thù là ngành dịch vụ, đào tạo thực hành là yếu tố cốt lõi giúp sinh viên ngành Du lịch vững tay nghề, làm được việc ngay sau tốt nghiệp.

“Chúng ta đào tạo nghề, thì không thể bỏ qua kỹ năng nghề. Mà kỹ năng không thể có nếu chỉ học lý thuyết”, GS. Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, nhiều mô hình mới đã và đang được triển khai như “trường học trong khách sạn” hay “vườn ươm tài năng du lịch” giúp sinh viên tiếp xúc sớm với môi trường làm việc thực tế.

Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo cũng là một hướng đi được nhiều trường áp dụng, giúp tối ưu hóa việc giảng dạy ngoại ngữ, xây dựng mô hình thực hành ảo và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.

Ông Phạm Ngọc Hiếu, Giám đốc kinh doanh VietED cho biết, “AI không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học, mà còn hỗ trợ đánh giá kỹ năng và phản hồi theo thời gian thực. Đây là xu hướng không thể thiếu trong đào tạo hiện đại”.

Tại Hội nghị, đại diện Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial chia sẻ mô hình đào tạo theo chuẩn Anh quốc, nơi sinh viên sau khi tốt nghiệp nhận đồng thời bằng thực hành nghề nghiệp và bằng quốc tế.

Chương trình quy định rõ 70% thời lượng dành cho thực hành, 30% là lý thuyết, nhưng tất cả đều gắn chặt với thực tiễn. Giảng viên 100% là chuyên gia quốc tế, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên có thể làm việc ngay trong môi trường quốc tế mà không cần đào tạo lại.

Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, chương trình đào tạo đang được tái cấu trúc theo hướng tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp.

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Kỹ năng là trọng tâm, xuất phát từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Không thể “đào tạo chay” rồi đẩy sinh viên ra thị trường”.

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo của Nhà trường đang được tái cấu trúc theo hướng tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo của Nhà trường đang được tái cấu trúc theo hướng tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp

Nhiều cơ sở cũng đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp để gửi sinh viên đi thực tập thường xuyên, đồng thời đầu tư công nghệ để mô phỏng các tình huống thực tế, tạo cơ hội luyện kỹ năng mềm, ngoại ngữ và xử lý tình huống thực tiễn.

TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tếtrường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, “Sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch không lo thất nghiệp, nhưng vấn đề là họ có thể làm ở đâu và phát triển đến đâu trong 5-10 năm. Muốn vậy, các em cần năng lực ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ, tư duy hội nhập”.

Việc phân bổ lại thời lượng đào tạo, tăng thời gian thực hành, đồng thời phối hợp giữa đại học và cao đẳng để liên thông chương trình cũng được nhiều đại biểu đề xuất.

Bên cạnh đó, yếu tố đầu ra cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn và có thể làm việc được ngay, không phải học lại từ đầu tại doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hướng tới nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế

Trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, chất lượng nhân lực sẽ là yếu tố quyết định khả năng bứt phá. Việc chú trọng đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ và quốc tế hóa chương trình là những hướng đi tất yếu.

Từ mô hình “school-in-hotel” đến việc đưa sinh viên đi thực tập nước ngoài, ngành giáo dục nghề nghiệp du lịch đang nỗ lực bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có chính sách vĩ mô rõ ràng hơn, thúc đẩy hợp tác công - tư trong đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, và đặc biệt là cam kết về chất lượng đầu ra của mỗi cơ sở.

Bà Đỗ Hồng Xoan nhấn mạnh, “Chúng ta cần đào tạo để ra nghề, chứ không phải chỉ ra trường. Phải xác định rõ, đầu tư cho giáo dục du lịch là đầu tư cho ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Ngành Du lịch Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng để thực sự vươn ra thế giới và duy trì sự phát triển bền vững, đầu tư vào con người - những người trực tiếp làm nên sự thành công của Ngành.

ĐỖ ĐỨC; ảnh KIỀU LIÊN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/dao-tao-du-lich-can-chu-trong-thuc-hanh-de-bat-kip-yeu-cau-phat-trien-127598.html
Zalo