Bình Định: Mở lối tương lai bằng hướng nghiệp và đào tạo nghề
Với nhiều chương trình tư vấn nghề nghiệp, kết nối thị trường việc làm, Bình Định đang mở lối tương lai cho nhiều người lao động tại địa phương.
Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể, ưu tiên triển khai đào tạo nghề gắn với tạo việc làm bền vững.
Theo đó, Bình Định đã lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh trong công tác này như: miễn 100% học phí, hỗ trợ ăn trưa, chi phí đi lại cho người học thuộc đối tượng yếu thế; Tư vấn, giới thiệu việc làm tại chỗ hoặc liên kết với các doanh nghiệp may mặc, chế biến nông sản, xây dựng; Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, nhóm sản xuất sau học nghề.
Đối với nôi dung tư vấn, hướng nghiệp nghề, kết nối việc làm tại địa phương này cũng có những chuyển biến tích cực.
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định, năm 2024, đơn vị đã tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề về hướng nghiệp – học nghề và việc làm tại các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão và Tây Sơn với hàng nghìn người tham gia, trong đó chủ yếu là học sinh và thanh niên dân tộc thiểu số. Đây là một phần trong chuỗi chương trình được triển khai trên toàn tỉnh nhằm giúp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin nghề nghiệp, định hướng tương lai từ sớm.
“Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và cả các đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi không chỉ giới thiệu nghề, mà còn kể những câu chuyện thành công để truyền cảm hứng” – Ông Phan Thanh Trị, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định chia sẻ.
Tại hội nghị, nhiều mô hình khởi nghiệp địa phương đã được giới thiệu như: sản xuất bún khô, may mặc dân dụng, đan lục bình, chế biến nông sản…qua đó giúp các em hiểu rằng học nghề không nhất thiết phải xa quê, mà có thể phát triển ngay trên chính mảnh đất mình lớn lên.
Không chỉ dừng lại ở giới thiệu, chương trình còn trực tiếp tư vấn xuất khẩu lao động, học bổng nghề, hỗ trợ chi phí học nghề, vay vốn khởi nghiệp. Nhờ đó giúp người dân bớt e ngại, mạnh dạn hơn trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Một buổi tư vấn hướng nghiệp tại cho học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT An Lão (Ảnh: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định)
Đào tạo gắn liền việc làm
Bên cạnh các hoạt động tư vấn, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã tiến xa hơn khi tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện miền núi trong năm 2024 – đạt 100% kế hoạch, thu hút 1.087 người tham gia và 48 lượt doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng.
“Sau các phiên giao dịch, đã có 112 người được giới thiệu việc làm trong tỉnh, và 5 lao động đăng ký đi làm ở nước ngoài” – ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định cho biết.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa Trung tâm với Công ty CP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Vilexim đã mang lại kết quả bước đầu ấn tượng như: 4 lao động dân tộc thiểu số trúng tuyển phỏng vấn đi Nhật; 34 lao động ở các huyện vùng cao được hỗ trợ kết nối việc làm ngay tại địa phương.
Đặc biệt, tại huyện An Lão, trong năm 2024 có 36 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, trong đó 19 người là người dân tộc thiểu số.
Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền đã có hơn 1.000 thanh niên được tư vấn định hướng; gần 50 doanh nghiệp trực tiếp kết nối tuyển dụng; và hàng chục lao động dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động thành công.
Có thể nói, từ vùng núi heo hút của An Lão đến bản làng xa xôi Vân Canh, những lớp học nghề, buổi tư vấn hướng nghiệp và phiên giao dịch việc làm đang mở ra cơ hội mới cho hàng ngàn thanh niên dân tộc thiểu số Bình Định. Đó không chỉ là sự chuyển động của thị trường lao động, mà còn là minh chứng sinh động cho chính sách “không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.
Đánh giá về công tác hướng nghiệp và kết nối thị trường, bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Dân tộc & Tôn giáo huyện An Lão cho biết, kết quả này chứng minh rằng lao động vùng cao hoàn toàn có khả năng hòa nhập thị trường lao động toàn cầu. Vấn đề chỉ là giúp họ vượt qua tâm lý rụt rè, thiếu tự tin.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bình Định đang đi đúng hướng trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Nó không đơn giản chỉ là hướng nghiệp, giới thiệu nghề mà là còn trao cơ hội đổi đời cho nhiều người dân vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.
Mặc dù, hành trình tư vấn, dạy nghề, kết nối việc làm cho học sinh, người lao động vùng sâu, vùng xa của Bình Định vẫn còn nhiều thử thách. Nhưng những thành quả đạt được sẽ động lực mới cho chiến lược giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương này.