Đạo diễn 'ngoại' làm mới sân khấu 'nội': Nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ

Chiều 22/9, Viện Pháp tại Việt Nam cùng Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH sẽ giới thiệu đến độc giả Hà Nội vở kịch 'Ngày xưa' do các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam thực hiện. Vở diễn là một tác phẩm sân khấu Pháp - Việt, được chuyển thể từ những sự tích và truyền thuyết dân gian lâu đời tại Việt Nam do đạo diễn Pháp Quentin Delorme và một số nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng.

Thời gian qua, sự tham gia của một số đạo diễn nước ngoài là những nét chấm phá mới mẻ đối với lĩnh vực sân khấu biểu diễn trong nước.

Đạo diễn Pháp tái hiện truyện dân gian Việt Nam

Vở diễn "Ngày xưa" lấy cảm hứng chủ yếu từ 3 truyện dân gian Việt Nam được chuyển thể thành kịch, đó là "Thần trụ trời", "Con rồng cháu tiên" và "Sự tích trầu cau". 3 câu chuyện kết hợp lại tạo nên một vở diễn đầy màu sắc về thiên nhiên, xã hội, con người cộng hưởng lại. Được trích từ cuốn "Đầm Nhất Dạ và các truyền thuyết khác của Việt Nam'' của nhà văn Trần Huy Minh, 3 sự tích đậm chất thần thoại này vẫn được lưu truyền rõ nét trong đời sống tinh thần người Việt cho đến nay.

Một tạo hình trong vở diễn "Ngày xưa" do đạo diễn người Pháp Quentin Delorme và các nghệ sĩ Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH biểu diễn.

Một tạo hình trong vở diễn "Ngày xưa" do đạo diễn người Pháp Quentin Delorme và các nghệ sĩ Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH biểu diễn.

Quentin Delorme là đạo diễn, diễn viên kiêm giáo viên kịch người Pháp. Ông tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu tại trường kịch nghệ nổi tiếng của Pháp Cours Florent (Paris) năm 2006. Từ năm 2003 đến 2010, ông là giám đốc một đoàn kịch nghệ và làm việc tại nhiều quốc gia như Pháp, Việt Nam, Maroc, Ý và Bỉ. Là quán quân giải thưởng "Tài năng trẻ Paris" năm 2008, ông cũng tham gia vào việc thành lập và quản lý Trung tâm văn hóa Le Sans Plomb ở Ivry sur Seine (Pháp).

Năm 2010, cùng với Marianne Seguin, ông thành lập Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH tại Việt Nam, nhấn mạnh vào việc phát triển bản thân thông qua nghệ thuật biểu diễn. Từ năm 2020, ATH sản xuất các chương trình chuyên nghiệp, bao gồm "Những mảnh của Pessoa" và "Làm hoa cho người ta hái" - một dự án diễn đàn tại các nhà máy, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về quấy rối tình dục.

Từ lâu, đạo diễn Quentin Delorme bị thôi thúc bởi ý tưởng về một sân khấu kịch đại chúng và nhân văn nên các sáng tạo của anh là hành trình tìm kiếm các hình thức biểu đạt nghệ thuật mới đồng thời mang đến một nhãn quan khác về bản chất của con người và thế giới xung quanh. Vì thế, qua vở diễn "Ngày xưa", đạo diễn Quentin Delorme mong muốn đưa khán giả vào một cuộc du hành ảo diệu, kỳ thú nhờ vào các hình thức biểu đạt đa dạng, mới mẻ, độc đáo mà vẫn dễ tiếp cận với biểu tượng của rồng, của những vị thần, của yêu quái, linh hồn và ác quỷ. Vở kịch còn gây chú ý bởi nó sử dụng những quy chuẩn văn hóa toàn cầu trong một vở diễn sân khấu nhưng vẫn chưa phổ quát ở Việt Nam, đó là sự kết hợp của âm nhạc, trình chiếu video, truyện tranh, nghệ thuật múa rối, bi kịch Hy Lạp...

Dự án sáng tạo này được kỳ vọng là sẽ đem lại một vở diễn hấp dẫn và phù hợp với mọi đối tượng công chúng. Đạo diễn Quentin Delorme cho biết: "Thông qua việc tái hiện truyền thuyết về Âu Cơ, về quá trình hình thành hồ Tây hay đỉnh núi Thạch Môn... tôi khao khát đưa khán giả trở về với cội nguồn của một nền văn hóa phong phú hơn, mang tính cộng đồng và nhân văn hơn. Thông qua việc tái hiện lại 3 sự tích mang tính nền tảng của văn hóa Việt Nam, tôi cũng muốn nêu bật những điểm tương đồng vô cùng rõ nét giữa nền văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác trên thế giới. Sự tích là một chất liệu có khả năng gắn kết, mang tính phổ quát và trường tồn với thời gian. Tôi tin rằng đây là những vũ khí sử thi, đầy yếu tố kỳ ảo và tuyệt vời, cho phép tạo ra một nền văn hóa phổ quát hơn, một nền văn hóa đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân...".

Đạo diễn "ngoại" góp phần làm mới sân khấu Việt

Đầu năm 2024, vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (kịch bản Lưu Quang Vũ) do đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng - Nguyễn Hoàng Điệp làm nhà sản xuất đã ra mắt công chúng Thủ đô tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Chia sẻ với báo chí nhân dịp ra mắt vở diễn, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết, bản thân ông khi dựng lại một tác phẩm kinh điển của Việt Nam cũng gặp nhiều áp lực bởi đây là một vở diễn đã quá nổi tiếng mà ông lại muốn mang đến màu sắc mới.

Khi công diễn, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" phiên bản mới đã thu hút sự quan tâm của khán giả và người làm nghề, không chỉ bởi đây là một vở kịch đã được đông đảo khán giả yêu thích trong quá khứ, mà "yếu tố ngoại" với tên tuổi đạo diễn trẻ tài năng Tsuyoshi Sugiyama hứa hẹn những điều mới mẻ, độc đáo. Có lẽ, đây chính là cách thổi một "luồng gió mới" cho những vở kịch đã in dấu ấn trong lòng khán giả.

Cảnh trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (kịch bản Lưu Quang Vũ) do đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng.

Cảnh trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (kịch bản Lưu Quang Vũ) do đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng.

Có một điều thú vị là, từ tháng 10/2022, đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama đã nhận lời mời của Nhà hát Tuổi trẻ với vai trò là đạo diễn sân khấu - cố vấn nghệ thuật. Trước đó, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama từng được khán giả biết đến với vở "Chim hải âu" của Nhà hát Không giới hạn (Nhật Bản) - đoạt giải thưởng xuất sắc khi tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III vào năm 2016 tại Việt Nam. Sau đó, dự án hợp tác của Nhà hát Tuổi trẻ với Nhà hát Không giới hạn dàn dựng và biểu diễn thành công vở kịch "Uncle Vanya" (Cậu Vanya) trong các năm 2018-2019 ở cả Việt Nam và Nhật Bản (tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019 tổ chức tại Hà Nội, vở diễn "Cậu Vanya" đoạt Huy chương Vàng).

Trước đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, một đạo diễn người nước ngoài khác từng gắn bó khá "sâu nặng" với sân khấu Việt Nam, đó là Tiến sĩ Chua Soo Pong - đạo diễn nổi tiếng người Singapore rất có ảnh hưởng trong khu vực châu Á. Có "mối duyên" với sân khấu Việt Nam từ nhiều năm trước, đạo diễn Chua Soo Pong là một trong số hiếm hoi những đạo diễn người nước ngoài có sự hiểu biết một cách khá toàn diện và sâu sắc về các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam từ tuồng, chèo, cải lương cho đến kịch truyền thống.

Nhờ mối duyên và sự gắn bó ấy, trong nhiều năm liền, mỗi năm ông đều có một dự án gắn với sân khấu Việt và tìm cách đưa các tiết mục này ra sân khấu thế giới với các vở diễn mang đậm màu sắc dân gian dành cho thiếu nhi như "Con gà trống", "Đám cưới chuột", "Tấm Cám" hợp tác với Sân khấu Lệ Ngọc. Các vở diễn này đều từng tham gia các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế và giành được nhiều giải thưởng. Ngoài ra, với các vở "Hồng Lâu Mộng" hợp tác với Nhà hát Kịch Việt Nam và "Dưới bóng đa huyền thoại" hợp tác với Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khiến đạo diễn - Tiến sĩ Chua Soo Pong tạo được dấu ấn hợp tác sâu sắc, bền bỉ, vững chắc đối với sân khấu Việt Nam.

Có lẽ đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ chính là đơn vị đi tiên phong trong việc đưa yếu tố đạo diễn ngoại đến với các vở kịch được dàn dựng và biểu diễn ở Việt Nam. Từ năm 2011, nhà hát đã có vở diễn "Tất cả đều là con tôi" (kịch bản Athur Miller, đạo diễn Neil Simon Fleckman), là một dự án hợp tác với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Đến năm 2014, với vở "Vòng phấn Kavkaz" (kịch bản Bertolt Brecht, đạo diễn: Dominik Gunther) hợp tác với Viện Goethe Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp đối với khán giả.

Những năm sau đó có "Con chim xanh" (kịch bản Maurice Maeterlinck, đạo diễn: Xavier Lukovski và NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến) là kết quả sự hợp tác với Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam; phiên bản "Romeo và Juliet" 2019 được dàn dựng bởi bàn tay của đạo diễn Beverly Blankenship - nữ đạo diễn người Áo đã nổi danh ở châu Âu trong nhiều năm qua; tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du do Viện Goethe tại Hà Nội khởi xướng có sự tham gia nữ đạo diễn Amélie Niermayer - một đạo diễn nổi tiếng của nhiều tác phẩm opera ở Đức và nước ngoài.

Những sự hợp tác đa dạng này đã mang đến sự mới mẻ cần thiết cho Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và sân khấu Việt nói chung. Thông qua các dự án này, nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới từ sân khấu thế giới và cũng là giúp sân khấu Việt tiệm cận hơn với đời sống sân khấu thế giới trong một thế giới phẳng như hôm nay.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dao-dien-ngoai-lam-moi-san-khau-noi-no-luc-tim-kiem-su-moi-me-i744400/
Zalo