Cần thêm hơi thở đương đại
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 - cuộc tranh tài của 12 đơn vị nghệ thuật với 12 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối… đã được các nhà hát, đoàn nghệ thuật đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu với nhiều sáng tạo, chất lượng nghệ thuật cao.
“Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, đề cao tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện đa màu sắc. Các vở diễn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng Thủ đô nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung” - ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh tại lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng, tối 9/11.
Theo ông Tài, sự tham gia nhiệt tình của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực. Còn nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thì bày tỏ sự vui mừng thấy ở Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng là đội ngũ nghệ sĩ gạo cội vẫn còn đó, yêu nghề, sống chết với nghề và có sự kế tiếp là các nghệ sĩ trẻ tài năng.
“Chúng ta thấy những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới từ mỹ thuật sân khấu đến lối trình diễn nhưng không xa lạ mà được công chúng đón nhận, hòa đồng” - ông Cẩn chia sẻ.
Có thể nói, 9 ngày qua, khán giả đã có cơ hội được thưởng thức những vở diễn đỉnh cao trên nhiều sân khấu lớn của Thủ đô. Như Nhà hát Chèo Quân đội với vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; Nhà hát Kịch Hà Nội là “Khoảng trống”; vở “Hoàng đế cờ lau” của Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát Tuổi trẻ với vở “Ông không phải là bố tôi” hay Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở “Thiếu phụ Nam Xương”… Đúng như chia sẻ của ông Hà Đình Cẩn thì những vở diễn đó sẽ còn sống lâu dài với khán giả.
Mặc dù các vở diễn được đầu tư chất lượng, đạo diễn cũng khéo léo lồng ghép âm thanh, ánh sáng, trang phục… Tuy nhiên nhìn vào danh sách này thì giới mộ điệu sân khấu truyền thống vẫn còn đôi chút băn khoăn bởi sự thiếu vắng những đề tài đương đại, phản ánh sát thực hơi thở của cuộc sống - những đề tài hút được khán giả, nhất là người trẻ tìm đến với sân khấu truyền thống.
Vẫn biết, trước nay những tác phẩm kinh điển sẽ luôn được lựa chọn để khai thác, dựng lại bởi nó luôn tạo cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật, vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt trong cuộc sống hôm nay và đặc biệt nhất là an toàn. Tuy nhiên, nếu các đơn vị nghệ thuật chỉ đầu tư, khai thác trên mảnh đất đó mà không có sự bứt phá, không mang đến cho khán giả những món ăn mới, những câu chuyện của cuộc sống hôm nay lên khấu thì e rằng khó lòng hút được khán giả.
Bởi nói như NSƯT Quang Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ), các vấn đề “hot” như tình bạn, tình yêu, gia đình... khi được tái hiện trên sàn diễn sẽ giúp người xem thấy được hình ảnh của chính mình, dẫn dắt họ đến với những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Đổi mới đề tài và cách khai thác không chỉ là cách làm phong phú thêm nghệ thuật mà còn là cách để sân khấu chạm đến trái tim khán giả.
Tại Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương vàng cho các vở diễn: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nhà hát Chèo Quân đội); “Khoảng trống” (Nhà hát Kịch Hà Nội); “Hoàng Đế cờ lau” (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Cùng với đó là 4 Huy chương bạc cho các vở diễn; và 27 Huy chương vàng cá nhân, 35 Huy chương bạc cá nhân cho các diễn viên xuất sắc.