Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn nói về TINA, không có lựa chọn khác ngoài Mỹ cho các quỹ đầu tư

'Chủ đề chính mà tôi nghe từ các quỹ đầu tư ở thị trường Mỹ, Hà Lan, Thụy Sỹ đến Singapore hay EU là TINA – There is no alternative, không có sự lựa chọn nào khác, phải đầu tư vào thị trường Mỹ hiện nay'.

Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc) đã nói và có những chia sẻ xung quanh vấn đề trên tại chương trình Market Talk do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt tổ chức với chủ đề “Kinh tế toàn cầu dưới thời Trump 2.0 và triển vọng tăng trưởng cho VN-Index” mới đây.

Theo ông Tuấn, thị trường đang chứng kiến thời kỳ “Trump 2.0” có sự thay đổi chiến lược chính sách ở Mỹ là câu chuyện thương chiến và giảm thuế, tự do hóa nền kinh tế Mỹ, hơn nữa là giảm đi một số quy định của một số ngành như năng lượng, ngân hàng. Điều này trước mắt sẽ tạo ra sự hưng phấn nhất định cho thị trường, nhưng lại ảnh hưởng đến nền kinh tế khác.

Cụ thể, đầu tiên, dòng vốn quốc tế sẽ chảy về Mỹ vì cảm nhận các nền kinh tế, thị trường khác gặp khó khăn. Một vài tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm, do “giảm toàn cầu hóa”. Kịch bản gần nhất của IMF dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ xấu đi trong 2025 và 2026 do chịu tác động thương chiến từ Mỹ, sau đó các nước đáp trả. Vì thương chiến kinh tế, một số nước sẽ xấu đi, toàn cầu sẽ mất tăng trưởng khoảng trên 1,5%.

Về trung và dài hạn, nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trở lại, dù mất đi một phần đáng kể so với tiềm năng hiện nay.

Sau năm 2026, chưa chắc Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất nếu Trung Quốc điều chỉnh chính sách và chiến lược của họ. IMF cũng đã dự báo, trong trường hợp đó chính Mỹ và EU bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn trong dài hạn vì thương chiến, trong khi Trung Quốc sau giai đoạn giảm mạnh sẽ bật ngược trở lại.

"Tác động về lạm phát và lãi suất, sau khi ông Trump chiến thắng, kỳ vọng lạm phát bật lên. Không hẳn do ông Trump khi mà lạm phát kỳ vọng tăng từ 1,6% lên 2,7%, mà điều đó bắt đầu từ tháng 8. Lạm phát kỳ vọng vượt xa mức 2% thì FED có lý do để trì hoãn giảm lãi suất.

Khi đó, Việt Nam khó giảm lãi suất tiếp. Việt Nam cũng không muốn giảm lãi suất quá nhiều, tạo ra chênh lệch lãi suất quốc tế dẫn đến nguồn vốn nước ngoài chảy ra, tạo áp lực lên tỷ giá”, ông Tuấn bình luận.

Tuy nhiên, tất cả kịch bản thương chiến đều là dự báo. Một số dự báo khác là nhìn nhận chính sách của Trump ảnh hưởng không đến mức như lo ngại. Nếu thương chiến xảy ra, đồng USD mạnh lên sẽ hạn chế lạm phát ở Mỹ, lãi suất sẽ cắt giảm nhanh hơn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp từ từ điều chỉnh chiến lược, đi đến một số thị trường ít bị ảnh hưởng thương chiến để đầu tư hoặc đưa về Mỹ sản xuất. Chính sách nới lỏng hạn chế ngành năng lượng làm giá giảm, giúp giảm áp lực lạm phát cộng với giảm thuế, giúp người dân Mỹ giàu lên và sẽ chi tiêu nhiều hơn, tác động nhu cầu nhập hàng.

Theo ông Tuấn, cho dù ảnh hưởng của thương chiến không tệ như mong đợi, nhưng các nhà đầu tư vẫn chọn phương án chắc chắn bằng cách chuyển tiền về Mỹ. Điều đó thể hiện khi chỉ số MSCI của Mỹ tăng, trong khi chỉ số của thị trường mới nổi giảm.

"Nhà đầu tư bán vàng mua crypto, đổ tiền vào kênh có rủi ro cao hơn; nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ thị trường mới nổi, bán cổ phiếu thị trường mới nổi trong 2 tuần qua, bởi vì họ nghĩ rằng thị trường mới nổi không thể giảm lãi suất như kỳ vọng, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tăng lên", ông Tuấn liệt kê 3 chủ đề của thị trường đầu tư toàn cầu sau khi ông Trump chiến thắng.

Bên cạnh đó là xu hướng TINA (there is no alternative – không có sự lựa chọn nào khác), tức phải đầu tư vào thị trường Mỹ. Đây là xu hướng chính bắt buộc của các quỹ đầu tư hiện nay như Mỹ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Singapore…

Câu hỏi là khi nào TINA đổi chiều? Cần 2 điều kiện là triển vọng nền kinh tế khác tốt hơn kinh tế Mỹ và chính sách Mỹ sai lầm gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Nhưng theo ông Tuấn, khả năng xảy ra 2 điều kiện này rất thấp bởi cơ bản Mỹ vẫn là vùng an toàn với quỹ đầu tư.

Về việc Trump 2.0 và Trump 1.0 tác động đến Việt Nam khác nhau thế nào, theo ông Tuấn có 2 vấn đề cần quan tâm: "Thứ nhất là chúng ta hiểu chính sách của Trump nhiều hơn. Thứ hai, xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời kỳ 1.0 có còn diễn ra trong thời kỳ 2.0 hay không?".

Đối thủ của Việt Nam là Malaysia đang cho rằng họ là điểm đến an toàn cho thương chiến ở Asean chứ không phải Thái Lan. Nhiều bài báo nói Asean không phải mục tiêu của ông Trump, mà mục tiêu là Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ mới là điểm sáng. Còn vấn đề của Việt Nam là phải từ sau 2025 trở đi. Do đó, năm 2025, Việt Nam vẫn dựa vào hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ bao gồm chính sách tài khóa và cải thiện môi trường kinh doanh hơn là tác động của Trump 2.0.

Điều giới phân tích có thể chắc chắn là Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đối với chính quyền Trump, công cụ tập trung là đánh thuế bởi mô hình tăng trưởng cần một khoản tiền để bù đắp cho giảm thuế ở trong nước, đến từ hai nguồn là vay nợ hoặc đánh thuế hàng hóa các nước hoặc buộc các nước “có đi có lại” để có nguồn thu. Sau khi chính sách thuế được công bố, nhà đầu tư sẽ tìm các khu vực ít bị ảnh hưởng đánh thuế trong 2025, 2026 để đầu tư và hy vọng Asean sẽ hưởng lợi từ điều này.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng: "Asean đừng vội mừng, thương chiến Mỹ Trung sẽ chuyển thành thương chiến Asean Trung Quốc".

"Thời điểm này chỉ có thế dự báo vì các bên chưa thấy chính sách của Mỹ như thế nào để đáp trả. Khi các bên hành động mới biết xu thế tiếp theo như thế nào", ông Tuấn nhấn mạnh thêm.

Cuối tuần trước, tờ Finacial Times cũng phản ánh về TINA, There is no alternative quay trở lại. TINA giai đoạn lạm phát thấp hàm ý nhà đầu tư không có sự lựa chọn nào khác là đầu tư cổ phiếu. Bây giờ Tina đề cập đến nhận thức ngày càng tăng của các nhà quản lý quỹ, rằng không có lựa chọn thay thế nào cho Hoa Kỳ, trong bất kỳ loại tài sản nào.

Các nhà đầu tư lớn đang gặp khó khăn trong việc đưa ra một trường hợp thuyết phục để đưa nguồn vốn lớn vào hoạt động ở bất kỳ nơi nào khác.

Thu Hương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-sy-ho-quoc-tuan-noi-ve-tina-khong-co-lua-chon-khac-ngoai-my-cho-cac-quy-dau-tu-post358728.html
Zalo