Đánh thức tinh hoa văn hóa Tràng An xưa qua 'Kinh Kỳ'
Dự án 'Kinh Kỳ' là sự giao thoa giữa văn hóa nghệ thuật dân gian Hà Thành với cách tiếp cận sáng tạo, hiện đại, tạo nên không gian trải nghiệm độc đáo.
Với mong muốn gìn giữ và tiếp nối những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, đồng thời đưa hơi thở đương đại vào kho tàng văn hóa truyền thống, dự án Kinh Kỳ thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sự kiện được tổ chức ngày 2-6/1, tại một nhà hàng Việt Nam nằm trong căn biệt thự hơn 100 năm tuổi, thuộc diện bảo tồn ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Sau 5 ngày diễn ra, Kinh Kỳ đã đón tiếp nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Bên cạnh việc thu hút Gen Z - đối tượng mục tiêu chính, dự án còn chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi khác nhau, từ gia đình nhiều thế hệ đến du khách quốc tế.
Sự kiện cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, như Hoa hậu Ngọc Hân, nhà thiết kế Vũ Việt Hà, nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà, cùng hàng loạt KOL, KOC trẻ.
Mở đầu cho chuỗi trải nghiệm là triển lãm tôn vinh nghệ thuật tranh Hàng Trống, một dòng tranh truyền thống lâu đời của người Tràng An. Khách tham quan được chiêm ngưỡng các bức tranh độc đáo từ gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên, cùng những bản khắc gỗ 100-200 năm tuổi và các tác phẩm phục dựng công phu.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người được xem là bậc thầy cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống, đã dành cả cuộc đời mình để bảo tồn và phát triển tinh hoa nghệ thuật này.
Sinh ra trong gia đình có ba đời làm nghề vẽ tranh, ông Nghiên được kế thừa tình yêu và niềm đam mê từ cha mình là cụ Lê Đình Liêu, một nghệ nhân nổi danh. Từ năm 10 tuổi, ông đã theo cha học nghề, và gắn bó với tranh Hàng Trống suốt hơn 60 năm qua, bất chấp những thăng trầm của lịch sử.
Năm 1972, ông được Bảo tàng Mỹ thuật mời về làm việc tại Trung tâm phục chế tranh dân gian, nơi ông có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các dòng tranh truyền thống, trong đó có tranh Hàng Trống.
Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, triển lãm còn mang đến cho khán giả cơ hội trực tiếp trải nghiệm kỹ thuật in mộc bản trên giấy dó - một nét đặc trưng độc đáo, khác với tranh Đông Hồ. Từng người tham gia được hướng dẫn để tự tạo nên bức tranh “độc nhất vô nhị” của riêng mình, qua đó cảm nhận sâu sắc sự kỳ công và giá trị của nghệ thuật tranh Hàng Trống.
Không chỉ là trưng bày, Kinh Kỳ còn mang nghệ thuật dân gian vào đời sống đương đại thông qua các sản phẩm sáng tạo như khăn lụa họa tiết tranh Hàng Trống, bao lì xì với thiết kế hiện đại. Những ý tưởng này không chỉ giữ gìn giá trị truyền thống mà còn khiến nghệ thuật dân gian trở nên gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật.
Một điểm nhấn khác của dự án là tác phẩm sắp đặt Xuân, Hạ, Thu, Đông, được ghép từ hàng trăm hình cắt các họa tiết đặc trưng của tranh Hàng Trống như công, chim trĩ, hoa mẫu đơn. Các mảng họa tiết xếp tầng lớp, tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng, như dẫn dắt người xem bước vào một khu rừng nghệ thuật cổ tích.
Cạnh đó là tác phẩm Rước rồng, kết hợp giữa lồng đèn Đại Long và giấy dó, giúp nghệ thuật dân gian thoát khỏi khung tranh để sống động trong không gian hiện đại.
Dự án không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản. Bằng cách kết nối giữa quá khứ và hiện tại, Kinh Kỳ đã khơi dậy niềm đam mê và tình yêu văn hóa dân gian trong thế hệ trẻ.
"Các bạn trẻ luôn trân trọng giá trị văn hóa dân tộc, nhưng để đưa những giá trị ấy hòa nhập với hơi thở của thời đại, cần có cách thể hiện phù hợp với bối cảnh hiện nay. Việc giữ vẹn nguyên tinh thần cốt lõi, đồng thời kết hợp các phương thức sáng tạo để ‘thổi hồn’ và làm tươi mới, chính là chìa khóa quan trọng", Rose Ng, người sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo Cready Creative, đồng tổ chức dự án Kinh Kỳ, chia sẻ.