Đánh thức tiềm năng sông nước Đà Nẵng
Đà Nẵng đặt mục tiêu đưa du lịch đường thủy nội địa trở thành sản phẩm chiến lược, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để khai thác trọn vẹn tiềm năng sông nước.
Tiềm năng dồi dào nhưng vẫn “ngủ quên”
Nổi tiếng với bãi biển Mỹ Khê, Bà Nà Hills hay những cây cầu lung linh, Đà Nẵng còn có một kho báu chưa được khai thác hết: hệ thống sông ngòi phong phú, trải dài qua trung tâm thành phố.
Theo thống kê, Đà Nẵng sở hữu gần 64 km sông, bao gồm sông Hàn, Cẩm Lệ, Túy Loan, Cu Đê, Cổ Cò… Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch đường thủy nội địa - loại hình du lịch đã thành công ở nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới.
Thực tế, thành phố đã có những bước đi cụ thể. Từ Kế hoạch số 95/KH-UBND (giai đoạn 2024–2025), đến Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xác định sẽ xây dựng hệ thống cảng, bến đạt chuẩn, bổ sung tàu cao tốc, du thuyền, tàu lưu trú, và phát triển dịch vụ gắn với sông nước.
Năm 2024, lượng khách du lịch đường thủy đã đạt gần một triệu lượt, tăng gần 14% so với năm 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, con số này vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng thực sự.

Theo thống kê, hiện nay có 20 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đường thủy nội địa, với tổng số 28 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 16-250 chỗ
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, nhận định: “Trong hệ sinh thái sản phẩm du lịch của Đà Nẵng, du lịch đường sông chưa nhiều và chưa phong phú, dù nhu cầu của khách hàng rất lớn”.
Hiện nay, các tour đường thủy chủ yếu tập trung quanh sông Hàn - từ Novotel đến Cầu Rồng, một hành trình kéo dài 45 phút đến 1 giờ.
Trong khi đó, những tuyến có tiềm năng lớn khác như sông ra biển từ cảng Sông Hàn ra vịnh Đà Nẵng, hay tuyến Cảng Sông Thu (cũ) đi Chùa Quán Thế Âm – Bến Ngự, lại gặp nhiều trở ngại: thủ tục biên phòng phức tạp, quy định quốc phòng, vùng nước chồng lấn với Thừa Thiên Huế, hay đơn giản là…lòng sông quá nông, chưa nạo vét.

Đà Nẵng sở hữu gần 64 km sông, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch đường thủy nội địa
Ông Dũng phân tích thêm: Để khai thác triệt để, ngoài tháo gỡ thủ tục, cần quy hoạch đồng bộ: Bến bãi phải rõ ràng, lòng sông đủ sâu để tàu chạy, các điểm dừng nghỉ phải kết nối được với làng nghề, chùa chiền, thắng cảnh.
“Nếu khơi thông sông Cổ Cò, kết nối Đà Nẵng – Hội An, hay phát triển tuyến sông Túy Loan, Cu Đê, thì chúng ta sẽ có cả hệ sinh thái đường thủy, không chỉ để đi chơi ngắm cảnh, mà còn để khai thác du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa – tâm linh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tầm nhìn này cũng phù hợp với định hướng chung của Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, khách du lịch đường thủy sẽ chiếm khoảng 15-20% tổng lượng khách lưu trú, và đến 2045 nâng lên 20-25%.
Để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần các kế hoạch lớn mà còn đòi hỏi sự kiên quyết trong tháo gỡ nút thắt và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Du khách đi tàu du lịch ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước
Doanh nghiệp cần cơ hội để vào cuộc
Góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt AnGroup, cho biết sau chuyến khảo sát tuyến sông Cẩm Lệ, ông càng tin rằng tiềm năng phát triển du lịch đường sông tại Đà Nẵng là vô cùng lớn.
Ông Tâm đề xuất 3 nhóm giải pháp then chốt. Thứ nhất, xã hội hóa đầu tư hạ tầng: Không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, mà phải khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia xây dựng bến thủy nội địa, các bến dừng chân đạt chuẩn, đặc biệt trên những tuyến như sông Hàn, Cẩm Lệ, Túy Loan. Khi hạ tầng sẵn sàng, tour tuyến mới có cơ hội khai thác đa dạng.
Thứ hai, tái hiện không gian văn hóa ven sông: Không chỉ đi tàu ngắm cảnh, mà du khách cần được trải nghiệm các làng nghề truyền thống, các buổi biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa bản địa hai bên bờ. Đây là cách tạo điểm nhấn, giữ chân du khách, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa địa phương.
Thứ ba, khơi thông sông Cổ Cò: Việc kết nối tuyến thủy từ Đà Nẵng xuống Hội An, hình thành tuyến du lịch văn hóa – sinh thái liên vùng, sẽ là đòn bẩy đột phá. Tuyến này không chỉ phục vụ khách trong nước, mà còn thu hút lượng lớn khách quốc tế vốn đã quen thuộc với thương hiệu Hội An.

Một số doanh nghiệp khảo sát tuyến sông Cẩm Lệ để chuẩn bị đầu tư sản phẩm mới
Theo Đề án nói trên, cùng với các tuyến chính như sông Hàn – cầu Trần Thị Lý, sông Hàn đi vịnh Đà Nẵng, sông Cu Đê – Trường Định…, thành phố Đà Nẵng sẽ mở rộng thêm các tuyến vận tải thủy ra đảo, phát triển hệ thống dịch vụ tại bến, bổ sung phương tiện cao cấp, siêu sang.
Đặc biệt, cảng Sông Hàn sẽ được đầu tư thành cảng chính đạt chuẩn quốc tế, với đầy đủ tiện ích như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí gắn liền.
Dù vậy, ông Cao Trí Dũng lưu ý, thành phố cần đi nhanh hơn nữa, tránh để các đề án chỉ nằm trên giấy. “Phải gỡ nút thắt cơ chế, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Bởi một hệ sinh thái du lịch đường thủy không thể chỉ dựa vào tour 1 giờ ngắm sông Hàn, mà phải có cả hệ thống dịch vụ đồng bộ, từ river taxi, nhà hàng nổi, đến làng nghề, bến nghỉ, điểm check-in, mua sắm…”, ông Dũng nói.
Khi dòng sông thức giấc, Đà Nẵng không chỉ là thành phố của những cây cầu rực rỡ, mà sẽ trở thành đô thị sông nước đích thực – nơi du khách được hòa mình vào thiên nhiên, văn hóa, và hành trình nối dài ra biển lớn.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại khu vực biển ven bờ và khu vực sông Hàn, triển khai từ năm 2025 đến năm 2030. Phương án nhằm phát huy các lợi thế về tài nguyên biển và sông Hàn để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Thông qua đó, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng thu hút du khách trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.