'Đánh thức' thư viện trường học

Hình thành và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Đồng (Yên Mô) say sưa trong tiết học thư viện.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Đồng (Yên Mô) say sưa trong tiết học thư viện.

Trước đây, việc học sinh tìm đến thư viện ở Trường Tiểu học Yên Đồng (huyện Yên Mô) khá hiếm hoi. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất còn hạn chế, đầu sách nghèo nàn, đơn điệu. Nhưng nay, vẫn là một ngôi trường còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều kinh phí để bổ sung đầu sách thường xuyên, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ… nhưng lượng học sinh tìm đến sách ngày một tăng.

Chia sẻ về cách làm, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Đồng cho biết, những năm qua, Trường Tiểu học Yên Đồng đã xây dựng được mô hình thư viện thân thiện ở cả hai điểm trường, tạo không gian đọc cho thầy và trò. Cùng với các giờ học trên lớp, học sinh có các giờ học tại thư viện với những hình thức tổ chức dạy học tích cực, thân thiện, giúp học sinh được tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất.

Đặc biệt, bước vào năm học 2024-2025, Nhà trường đã thực hiện tiết đọc thư viện theo dự án của Room to Read. Tiết đọc thư viện bao gồm: Tiết đọc to và Tiết mượn sách. Ở tiết đọc to, giáo viên đọc truyện cho học sinh nghe. Trong quá trình đọc, giáo viên sử dụng giọng đọc, điệu bộ, cử chỉ tương tác với học sinh để học sinh quan sát tranh, dự đoán tình tiết tiếp theo, nhận xét về nhân vật..., từ đó, tăng sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý của học sinh đối với câu chuyện.

Sau phần đọc to, học sinh ghép cặp thảo luận về những câu hỏi liên quan đến quyển sách giáo viên vừa đọc. Các em được chia sẻ suy nghĩ kết quả thảo luận của mình trước lớp để qua đó phản hồi tương tác về quyển sách. Tùy thuộc vào thời gian, nội dung câu chuyện, giáo viên còn sử dụng "hoạt động mở rộng" sau phần ghép cặp thảo luận để học sinh hiểu và tham gia sâu hơn về quyển sách như tương tác chủ động, làm thẻ đánh dấu trang, sáng tạo thông điệp sách, mở rộng vốn từ, bình chọn cuốn sách em yêu thích...

Đối với tiết mượn sách, để giúp học sinh tăng cường tính tự chủ, các em tăng cơ hội được đọc sách theo sở thích riêng. Qua đó, phát triển thêm kỹ năng đọc và xây dựng được cộng đồng cùng đọc vì khi các em mang sách về nhà có thể đọc cùng với người thân trong gia đình, đọc cùng bạn.

“Qua quá trình trao đổi, chia sẻ thảo luận sau khi đọc sách, các em còn hào hứng thể hiện suy nghĩ của mình, liên tưởng từ kinh nghiệm thực tế bằng cách tham gia các hoạt động mở rộng. Các em cũng rất chờ đón được mượn những cuốn sách trên thư viện về nhà. Từ đấy, các em càng thêm yêu sách và thích đọc, phát huy thêm khả năng về sử dụng ngôn ngữ mở rộng phong phú vốn từ, để làm văn, viết bài gửi báo”- cô giáo Nguyễn Thị Hạnh phấn khởi chia sẻ.

Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh) cũng là một trong những trường áp dụng khá thành công mô hình thư viện thân thiện Room To Read. Cô giáo Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua một thời gian triển khai mô hình cho thấy, mô hình này có nhiều ưu điểm hơn so với thư viện truyền thống. Thay vì sách vở được sắp xếp trên kệ thì lại gợi mở, sắp xếp theo lứa tuổi của học sinh.

Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ, các em đến có thể tiếp cận với sách một cách dễ dàng, chủ động và độc lập mà không cần phải có sự trợ giúp của thủ thư. Ở phòng thư viện có góc tra cứu, góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc các loại sách khác nhau. Sau khi đọc xong, các em thể hiện sự hiểu biết về cuốn sách thông qua vẽ, hoạt cảnh hoặc viết cảm nhận…

Đặc biệt, mỗi tuần các lớp sẽ được bố trí 1 tiết học thư viện. Trong tiết học này, cô giáo sẽ lựa chọn để giới thiệu và đọc một cuốn sách. Tiết học có thể lựa chọn 1 trong 4 cách đọc: đọc to, nghe chung; cùng đọc; đọc đôi và đọc cá nhân. Trong quá trình đọc, có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, qua đó gợi mở sự sáng tạo, hấp dẫn và háo hức cho trẻ.

Tiết đọc thư viện của học sinh Trường Tiểu học Khánh Nhạc A (Yên Khánh). Ảnh: Lý Nhân

Tiết đọc thư viện của học sinh Trường Tiểu học Khánh Nhạc A (Yên Khánh). Ảnh: Lý Nhân

Đánh giá cao tầm quan trọng của thư viện trường học trong việc thúc đẩy văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, tỉnh ta là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động đăng ký thực hiện mô hình thư viện thân thiện Room to Read do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức phi chính phủ Room To Read của Mỹ triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.

Với những hiệu quả thiết thực của Room To Read, đến nay, toàn tỉnh đã có 90 trường học thực hiện mô hình trường học Room To Read. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi hiện tại đã có nhiều trường đăng ký thực hiện mô hình. Đặc biệt, trong năm học 2024-2025, đã có 6 trường đang thí điểm tiết học thư viện với nhiều sự hấp dẫn nhằm “kéo” trẻ đến với sách.

Đồng chí Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nuôi dưỡng văn hóa đọc trong học đường, trước hết cần khơi gợi niềm đam mê, yêu thích đọc sách trong học sinh. Để thực hiện được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ của phụ huynh thì vai trò của nhà trường và giáo viên hết sức quan trọng. Các thầy, cô giáo chính là tấm gương, là người truyền cảm hứng và định hướng cho các em lựa chọn sách, hướng dẫn các em đọc sách hiệu quả.

Bên cạnh đó, để thư viện của nhà trường thực sự là điểm đến hấp dẫn của học sinh, mỗi thư viện trường học cần có kế hoạch thường xuyên bổ sung số lượng sách, nguồn sách phong phú, nhân viên thư viện có trình độ chuyên sâu để hỗ trợ giáo viên, học sinh và nhà trường trong quá trình dạy đọc và mượn sách, đặc biệt là hoạt động giới thiệu sách và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách cho học sinh toàn trường. Qua đó khơi dậy đam mê, hứng thú tìm hiểu, đọc sách cho các em học sinh, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thu Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/danh-thuc-thu-vien-truong-hoc-079725.htm
Zalo