'Đánh thức' di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo: Bảo vệ, phát huy giá trị một tài nguyên nhân văn

Các thực thể kiến trúc trong lòng thành phố Hà Nội, từ khu phố cổ, khu phố Pháp đến các công trình được xây dựng sau 1954... tồn tại một cách 'biện chứng'. Và, nếu nhận thức cho đúng thì Thủ đô cần bảo vệ những thành phần ấy của tài nguyên đô thị Hà Nội như một tài nguyên nhân văn.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính:
Bảo tồn một cách cứng nhắc thì phố cổ không còn là phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị sống động, đòi hỏi vừa có sự giữ gìn, bảo lưu, bảo tồn đồng thời cần phát triển tiếp nối hoàn toàn tự nhiên. Nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, đặc thù và cũng rất khó khăn là bảo tồn trong sự phát triển “không thể cưỡng lại được”. Tài nguyên kiến trúc, tài nguyên vật chất của khu phố cổ Hà Nội khá "mảnh dẻ", còn rất ít những ngôi nhà cổ mà chỉ còn lại cấu trúc đường phố là một điển hình rất đặc trưng, là một phần giá trị của di sản kiến trúc phố cổ.

Đáng chú ý nhất là Hà Nội còn bảo lưu được gần 100 công trình tôn giáo, tín ngưỡng rất đặc thù trong di sản kiến trúc phố cổ Hà Nội. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang trùng tu, khôi phục những kiến trúc tín ngưỡng, tâm linh ấy. Phố cổ Hà Nội có hàng trăm di tích được xếp hạng, nhưng nếu bảo tồn một cách cứng nhắc thì phố cổ không còn là nó nữa, đặc biệt là khi ở khu phố cổ Hà Nội đã hình thành nếp sống, văn hóa phố phường đặc thù. Nó là thành phần quan trọng trong văn hóa đô thị. Làm sao gìn giữ, bảo lưu được nếp sống của người Hà Nội cũ thì rất khó làm, nhưng ở đâu đó trong sâu lắng thì văn hóa nếp sống, văn hóa thị thành vẫn còn. Đừng tính để Hà Nội trở thành Paris hay London! Hà Nội chỉ là nó khi kết hợp trong mình những thành phần cấu thành từ lịch sử, những thành phần còn bảo lưu đến ngày hôm nay và những thành phần đòi hỏi phải nhận ra và nâng niu, để cho những thành phần ấy hòa nhập với đô thị hiện đại hóa rất nhanh ngày nay.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Tìm hướng khai thác hiệu quả các công trình kiến trúc có giá trị

Vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc tại Hà Nội đã được đặt ra cách đây khoảng 30 năm, nhưng với thói quen cũng như sự nhận diện các di sản thì gần đây chúng ta mới có những đánh giá, nhận định xác đáng. Khi được giao trùng tu công trình, lúc đầu, chúng tôi chỉ tiếp cận bằng việc trả lại không gian ban đầu của các công trình tín ngưỡng, khôi phục lại các hoạt động lễ hội. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài việc tổ chức lễ hội, các không gian này có rất nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mà cha ông đã để lại nhưng lại chưa được nhiều người tiếp cận. Chúng tôi đã cùng với các nhóm văn nghệ sĩ tìm ra nội dung sáng tạo cho từng công trình mà không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Gần đây nhất, chúng tôi làm cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Từ một không gian không đảm bảo an toàn, thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nay cây cầu ấy đã có diện mạo mới nhờ sự hiện diện của nghệ thuật công cộng. Ngoài ra, các dự án nghệ thuật tại phố đi bộ Phùng Hưng, Phúc Tân... cũng góp phần làm cho ý thức cộng đồng tốt hơn.

Thông qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ, chúng tôi muốn gửi gắm những thông điệp mới để mọi người trân trọng hơn giá trị di sản mà cha ông để lại. Những công trình tiêu biểu như Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm... trở thành điểm đến kết nối du khách. Sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tìm ra những nội dung mới liên quan đến khai thác, sử dụng tài sản công nói chung và các công trình kiến trúc có giá trị nói riêng.

TS.KTS Đặng Hoàng Vũ:
Nhìn nhận đúng giá trị công trình kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986

Có lẽ một phần do khoảng thời gian chưa đủ dài để chúng ta nhìn lại giá trị của những công trình kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986, để rồi có thể đang coi nhẹ, thậm chí có một số suy nghĩ khá tiêu cực, hoài nghi. Để đánh giá những công trình giai đoạn này, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh thời bấy giờ, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Đồng thời, cần đặt mình vào vị trí của các KTS mặc dù rất cố gắng, rất mong muốn sáng tạo nhưng với điều kiện khó khăn trong khoảng thời gian đó thì khả năng và cơ hội không có quá nhiều.

Số lượng công trình kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 bị phá hủy do chiến tranh hay thiên tai rất ít, thay vào đó, chúng chủ yếu chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, cũng như bởi những lợi ích khác biệt về kinh tế hoặc do nhận thức xã hội có phần tiêu cực về kiến trúc miền Bắc giai đoạn 1954 - 1986 nói chung, ở Hà Nội nói riêng. Chúng ta cần khảo sát, phân chia, chọn lọc những công trình với những giá trị khác nhau, từ đó lựa chọn những công trình tiêu biểu, đưa vào danh sách bảo tồn. Một thành phố trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các giai đoạn đều có sự chồng lấn về mặt kiến trúc, từ đó tạo ra lịch sử phong phú cho một đô thị, nếu bỏ qua hoặc phá đi thì có lẽ chúng ta sẽ bị mất một lớp văn hóa. Trong giai đoạn 1954 - 1986, có những công trình kể cả khi chưa được đưa vào danh sách bảo tồn thì cũng không thể thay thế được, như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Khách sạn Thắng Lợi, Đại học Bách Khoa... Những công trình này không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị về quy hoạch, nằm ở những vị trí quan trọng của đô thị Hà Nội.

Đặc biệt là những khu tập thể ở Hà Nội, chúng ta đã thử áp dụng một số phương pháp cải tạo như đập bỏ và xây dựng mới, tái định cư tại chỗ (với công trình nhà A6, B6 Giảng Võ, C1 Thành Công); xây nối, áp nối tăng diện tích như khu tập thể Kim Liên. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ di sản kiến trúc, cả hai giải pháp này đều mang tính tình thế, tạm thời, gây cảm giác lộn xộn giữa cũ và mới. Theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể giữ lại một phần nào đó để lưu giữ, bảo tồn, chuyển đổi sang mục đích khác nhưng vẫn giữ được hình ảnh về khu tập thể cũng như tiêu chí của cuộc sống xã hội chủ nghĩa giai đoạn bấy giờ.

Thúy Đinh ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/danh-thuc-di-san-kien-truc-trong-thanh-pho-sang-tao-bao-ve-phat-huy-gia-tri-mot-tai-nguyen-nhan-van-685382.html
Zalo