'Đánh thức' các di tích thành những không gian sáng tạo hấp dẫn

Cùng với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, từ ngày 9/11, rất nhiều công trình kiến trúc đặc biệt có tuổi đời hàng trăm năm tại Thủ đô được 'đánh thức', thu hút đông đảo người dân là du khách.

"Thánh đường tri thức" thành "thánh đường triển lãm"

Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng chiều 9/11, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội vẫn tấp nập nhưng không phải là sinh viên của nhà trường mà là rất nhiều người dân, du khách ở trong và ngoài nước. Lý do của "hiện tượng lạ" này tại công trình kiến trúc cả trăm năm tuổi là công trình nghệ thuật "Những cảm thức Đông Dương" được các nghệ sĩ "trình làng" - hoạt động điểm nhấn trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024. Tọa lạc tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, trường Đại học Khoa học Tự nhiên vốn là Viện Đại học Đông Dương, hiện là một di tích văn hóa có giá trị kiến trúc trường học thuộc loại quý hiếm trong kho tàng kiến trúc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam.

22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng được thể hiện tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh VTV

22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng được thể hiện tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh VTV

Được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của "thánh đường tri thức" này, 18 nghệ sĩ đã biến không gian của tòa nhà thành một "thánh đường triển lãm" mang tên "Cảm thức Đông Dương", với 22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng. Tại đây, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cùng với các nghệ sĩ Triệu Minh Hải, Ngô Hương, Trần Hậu Yên Thế, Phạm Ngọc Trâm, Lâm Na... cùng nhau trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương bằng thẩm mỹ nghệ thuật đương đại, tạo thành một điểm nhấn đầy rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh.

Ngắm kỹ từng tác phẩm, hiện vật trưng bày và nhiệt tình hướng dẫn du khách, Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm thứ 3 của Học viện Ngoại giao cho biết, đây là lần đầu tiên Thảo được vào thưởng lãm nghệ thuật tại tòa nhà này. Bởi lẽ, nhiều khu vực trước đây chỉ dành cho sinh viên của nhà trường học tập, nghiên cứu. Các kiến trúc như mái vòm của tòa nhà rất đẹp nhưng ngày thường sẽ khó có ai được tiếp cận gần. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 là cơ hội hiếm để Thảo và các bạn chiêm ngưỡng công trình này gần nhất.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 lấy cảm hứng từ các di sản là các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, nhắc nhớ về phong cách kiến trúc đỉnh cao, xác lập yếu tố bản địa của kiến trúc Việt Nam, đó là kiến trúc Đông Dương. "Cảm thức Đông Dương" nói về một thời kỳ cụ thể, vừa là một ẩn dụ của phong cách nghệ thuật đặc biệt, đề cao các giá trị văn hóa. Ở đó, trung tâm là bức họa khổng lồ của họa sĩ Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm này thể hiện khát vọng hòa bình, các dân tộc bình đẳng, cùng tạo dựng nền văn minh của mình.

Với "Cảm thức Đông Dương" các nghệ sĩ tôn vinh công trình kiến trúc, các trang trí kiến trúc tại tòa nhà bằng nhiều hình thức nghệ thuật, vừa hiện đại vừa không đánh mất giá trị kiến trúc, triết lý được gửi gắm qua công trình: Video art, 3Dmapping chiếu lên bề mặt mái vòm, nghệ thuật sắp đặt…

Sáng tạo, khám phá, đối thoại trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng

Thực tế, tại Lễ hội năm nay còn có nhiều công trình kiến trúc khác được "đánh thức", trong đó có Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Cung Thiếu nhi Hà Nội… Lễ hội thu hút trên 500 kiến trúc sư, nghệ sĩ, chuyên gia, các nhóm sáng tạo, các nhà tổ chức, các nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, hay đơn giản là những người yêu hoạt động sáng tạo. Tất cả đều mang nhiệt tâm đóng góp cho Lễ hội, cùng nhau thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà sáng tạo đều cho hay, họ hào hứng đến với Lễ hội với mong muốn tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, mang đến những sáng tạo thú vị, mới mẻ nhất để phục vụ cộng đồng, vì cộng đồng.

Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, các giám tuyển Vân Đỗ, Lê Thuận Uyên, Phạm Minh Hiếu cùng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo đã biến không gian của Cung thành tổ hợp triển lãm, hoạt đồng cộng đồng mang tên "Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai" với 41 hoạt động từ sắp đặt công trình kiến trúc, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật đến trải nghiệm sáng tạo và vui chơi cộng đồng.

Các công trình kiến trúc biểu tượng (pavilion) "Hành lang thơ ngây" tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, "Dòng" ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, "Rồng rắn lên mây" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với sự góp sức của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hà Thắng và nhiều KTS khác… tạo ra cuộc đối thoại giữa công trình biểu tượng với di sản, kết nối giữa truyền thống và hiện tại, làm đường dẫn, khơi gợi, làm gia tăng sức hấp dẫn của di sản, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng đến check in, trải nghiệm.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo" cam kết tiếp tục thúc đẩy cho quá trình phát triển mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo. Với chủ đề "Giao lộ sáng tạo", lễ hội chính thiết kế dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo. Dịp này, Ban tổ chức cũng kêu gọi rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân (các cửa hàng, cơ quan, đơn vị, nhà dân) nằm trên tuyến trải nghiệm "Giao lộ sáng tạo" cùng hưởng ứng bằng các hoạt động đa dạng như trưng bày, sắp đặt, trang trí… vừa tạo sự phong phú cho hoạt động lễ hội, vừa lan tỏa tinh thần sáng tạo tới cộng đồng, thu hút cộng đồng tham gia và khám phá, đối thoại trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng cùng Lễ hội.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc (đơn vị đồng tổ chức Lễ hội) cho biết, ngoài việc khơi gợi các giá trị di sản đã quen thuộc với người dân Hà Nội, Lễ hội năm nay còn mong muốn đánh thức tinh thần sáng tạo của cộng đồng. Lễ hội không chỉ dành cho nghệ sĩ, mà là của tất cả mọi người dân Hà Nội, hãy cùng chung tay và tạo nên lễ hội của chính mình. Điều thú vị là Lễ hội đã tạo được sự cộng hưởng trong cộng đồng, không chỉ thu hút những người làm thiết kế sáng tạo mà còn thu hút những cá nhân và tổ chức đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Đây chính là một điểm khác biệt nổi bật của Lễ hội. Tất cả các hoạt động Lễ hội đều hướng tới cộng đồng và mở cửa cho tất cả mọi người, ở các quy mô khác nhau, diễn ra đến ngày 17/11.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/danh-thuc-cac-di-tich-thanh-nhung-khong-gian-sang-tao-hap-dan-i749840/
Zalo