Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của Toyota Hilux 2024

Toyota Hilux 2.4E 4x2 AT phiên bản nâng cấp có giá bán niêm yết 706 triệu đồng, sở hữu những ưu điểm, nhược điểm gì để cạnh với các đối thủ cùng phân khúc như Ford Ranger XLS 2.0 4x2 AT, Mitsubishi Triton GLX.

Toyota Hilux 2.4E 4x2 AT là phiên bản chủ lực của dòng bán tải này tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với Ford Ranger XLS 2.0 4x2 AT và Mitsubishi Triton GLX. Là một bản nâng cấp giữa vòng đời, Hilux không có những thay đổi lớn về thiết kế ngoại thất, nội thất và tiện ích công nghệ như các đối thủ.

Tuy nhiên, mẫu xe bán tải này vẫn ghi điểm trong mắt khách hàng nhờ giữ nguyên những bản sắc đặc trưng: đó là tính thực dụng, khả năng vận hành mạnh mẽ, bền bỉ, tiết kiệm và động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 thân thiện với môi trường.

Giá bán

Hiện tại, Toyota Việt Nam đang phân phối Hilux với tổng cộng 3 phiên bản bao gồm:

Nếu như Ford Ranger XLS được lắp ráp trong nước, thì Toyota Hilux lại được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, tương tự Mitsubishi Triton GLX. Hiện tại, giá niêm yết của Ranger XLS 2.0 4x2 AT là 707 triệu đồng, trong khi Mitsubishi Triton GLX có mức giá cạnh tranh hơn, chỉ 655 triệu đồng.

Ngoại thất

Phần đầu xe Toyota Hilux 2.4E nổi bật với lưới tản nhiệt lớn dạng tổ ong sơn đen, tạo ấn tượng mạnh mẽ và khỏe khoắn. Cụm đèn pha LED Projector tích hợp dải đèn LED ban ngày không chỉ tăng khả năng nhận diện mà còn cải thiện cường độ chiếu sáng vào ban đêm, đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Cản trước được thiết kế chắc chắn, khuếch tán gió bên dưới sử dụng hai tông màu bạc và đen, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa hỗ trợ cải thiện khí động học, góp phần nâng cao hiệu suất vận hành của xe.

Xe sở hữu, kích thước tổng thể DxRxC lần lượt là 5.325 x 1.855 x 1.815 mm, chiều dài trục cơ sở đạt 3.085 mm, những con số này vẫn được giữ nguyên so với phiên bản trước đó.

Với trọng lượng bản thân 1.915 kg và trọng lượng toàn tải 2.810 kg, Toyota Hilux thể hiện khả năng chuyên chở hàng hóa vượt trội, là lựa chọn lý tưởng cho những khách hàng cần một chiếc bán tải mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt trong công việc.

Một trong những yếu tố khiến Hilux được nhiều khách hàng yêu thích là tỷ lệ cân đối giữa kích thước cabin và thùng xe. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa không gian cho cả hành khách và hàng hóa mà còn mang lại sự thoải mái, tiện nghi cho cả người ngồi và khối lượng hàng hóa khi vận hành. Chính sự kết hợp này khiến Hilux trở thành chiếc xe bán tải thực dụng và đa dụng, đáp ứng tốt mọi nhu cầu sử dụng trong cả công việc lẫn di chuyển hàng ngày.

Trên phiên bản 2.4E, Toyota Hilux được trang bị gương chiếu hậu chỉnh mặt gương điện, có tính năng sấy điện và tích hợp đèn xi nhan báo rẽ.

Mâm xe sử dụng hợp kim nhôm có thiết kế đa chấu sơn đen, kích thước 17 inch, đi kèm với bản lốp 265/65 Dueler của thương hiệu Bridgestone. tạo cảm giác mạnh mẽ và thể thao. Chi tiết này được phối màu đồng bộ với ốp gáo gương và lưới tản nhiệt, giúp tổng thể ngoại thất thêm phần hài hòa và nổi bật.

So với các đối thủ trong phân khúc, Toyota Hilux nổi bật với khoảng sáng gầm lên đến 286mm, cho phép xe dễ dàng vượt qua các địa hình off-road có nhiều sống trâu. Con số này lớn hơn hẳn so với Ford Ranger XLS (230mm) và Mitsubishi Triton GLX (228mm). Không chỉ vậy, Hilux còn sở hữu góc thoát phía trước lên tới khoảng 29 độ và góc thoát phía sau là 26 độ, cũng vượt trội hơn so với các đối thủ.

Nếu chỉ thiết kế để di chuyển trong phố, một chiếc bán tải không nhất thiết phải có khoảng sáng gầm lớn như vậy. Tuy nhiên, việc Toyota vẫn giữ nguyên những đặc điểm này trên Hilux chứng tỏ hãng xe Nhật Bản vẫn muốn duy trì bản sắc của một chiếc bán tải thực dụng.

Hilux không chỉ vận hành tốt trong môi trường đô thị mà còn thể hiện khả năng vượt qua các địa hình khó khăn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chở hàng hóa và di chuyển trên những con đường xấu. Điều này giúp xe giữ được sự linh hoạt và đa dụng, làm nổi bật tính chất off-road của một chiếc bán tải, nhưng không làm giảm đi khả năng sử dụng hàng ngày.

Phần đuôi của Toyota Hilux 2.4E được thiết kế đơn giản nhưng vẫn rất hiện đại và tinh tế. Đặc biệt, sợi quang nằm bên trong cụm đèn hậu được thiết kế hình số 3, giúp tăng khả năng nhận diện cho xe phía sau. Cản ba đờ sốc tích hợp bệ bước chân, tạo sự thuận tiện khi lên xuống thùng xe. Đặc biệt, trên nắp thùng xe có đèn phanh trên cao dạng LED, tăng cường an toàn khi di chuyển vào ban đêm, trong khi tay nắm cốp được ốp mạ crom, mang lại cảm giác sang trọng và lịch sự cho phần đuôi xe.

Nội thất

So với phiên bản trước, nội thất của Toyota Hilux 2.4E 4x2 AT không có nhiều thay đổi đáng kể, ngoại trừ màn hình cảm ứng 9 inch mới. Màn hình này có giao diện tiếng Việt dễ sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.

Trang bị này, có khả năng phản hồi nhanh chóng, hình ảnh sắc nét và hỗ trợ kết nối qua USB, Bluetooth, cũng như kết nối với điện thoại thông minh thông qua ứng dụng CarPlay và Android Auto.

Cấu trúc và thiết kế tổng thể khu vực taplo và tapli xe của Toyota Hilux vẫn được giữ nguyên, với việc sử dụng vật liệu nhựa cứng và nỉ cho phần lớn các chi tiết. Mặc dù vậy, đây là chất liệu mà hầu hết các đối thủ trong phân khúc cũng đang áp dụng, nhằm tiết kiệm chi phí những vẫn đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ cao.

Hệ thống điều hòa trên phiên bản 2.4E của Toyota Hilux sử dụng nút xoay cơ học, mang đến sự đơn giản và thuận tiện trong việc điều chỉnh nhiệt độ. Mặc dù không phải là hệ thống điều hòa tự động, hàng ghế thứ 2 cũng chưa được trang bị cửa gió điều hòa, nhưng thiết kế này vẫn đảm bảo hiệu quả làm mát nhanh chóng cho toàn bộ cabin xe với 3 chế độ gió linh hoạt.

Đặc biệt, khả năng làm mát sâu và tức thì của hệ thống điều hòa Toyota Hilux đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ người sử dụng từ các phiên bản trước, giúp duy trì không gian trong xe thoải mái nhất ngay cả trong những ngày hè nóng nực.

Xe được trang bị cần số kiểu zigzag đặc trưng, mang lại sự thuận tiện dễ thao tác, đồng thời đi kèm chế độ số tay hỗ trợ linh hoạt trong quá trình vận hành. Đặc biệt, xe còn được tích hợp hai chế độ lái: ECO (tiết kiệm nhiên liệu) và PWR (tăng cường sức mạnh), giúp người lái dễ dàng điều chỉnh phù hợp với các tình huống vận hành khác nhau, từ việc di chuyển trên đường địa hình đến chở tải nặng.

Vô lăng của xe được bọc Urethane có kích thước lớn, giúp người lái dễ dàng thao tác, đặc biệt trong những tình huống cần vần lái liên tục. Trên bề mặt vô lăng được tích hợp các nút bấm vật lý tiện dụng, bao gồm: điều chỉnh âm lượng, đàm thoại rảnh tay và cài đặt ga tự động (Cruise Control).

Phía sau vô lăng là cụm đồng hồ analog kết hợp màn hình điện tử, giữ nguyên thiết kế quen thuộc từ phiên bản trước. Với phong cách đơn giản và trực quan, cụm đồng hồ này giúp người lái dễ dàng nắm bắt các thông số vận hành quan trọng. Đây chính là điểm nhấn mà Toyota hướng tới, đảm bảo tính thân thiện và phù hợp với nhu cầu sử dụng của một mẫu bán tải phổ thông.

Tuy nhiên, toàn bộ ghế trên xe vẫn được bọc bằng chất liệu nỉ, điều này có thể gây cảm giác nóng bức trong thời tiết mùa hè và khó vệ sinh khi sử dụng lâu dài. Để khắc phục nhược điểm này, khách hàng có thể lựa chọn bọc thêm ghế da, không chỉ mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn mà còn giúp việc vệ sinh và bảo dưỡng nội thất trở nên thuận tiện.

Không gian

Sau quãng thời gian trải nghiệm khoảng 300 km với mẫu xe này, thông qua nhiều điều kiện địa hình khác nhau. Chúng tôi cho rằng, không gian nội thất của xe rộng rãi và tầm nhìn bao quát tốt, thông thoáng, chính là yếu tố đem tới sự thoải mái và an nhàn cho người lái.

Với Hilux, cột chữ A được thiết kế gọn gàng và có xu hướng dựng thẳng, tối ưu hóa tầm nhìn hai bên, đặc biệt hữu ích khi di chuyển trong các con ngõ hẹp hoặc đường cua gấp. Bên cạnh đó, phần taplo được thiết kế thẳng đứng, tạo thêm không gian để người lái dễ dàng co duỗi đầu gối thoải mái hơn. Ngoài ra, bệ tì tay bên phải và khu vực lái được bố trí hợp lý, mang lại điểm tựa vững chắc cho khuỷu tay, giúp giảm mệt mỏi trong những hành trình dài.

Tuy nhiên, một điểm cần cải thiện là hàng ghế thứ hai. Hiện tại, phần lưng ghế khá dựng, khiến người ngồi lâu dễ cảm thấy mỏi. Hy vọng ở thế hệ tiếp theo, Toyota sẽ thiết kế lưng ghế có khả năng ngả thêm vài độ để tăng sự thoải mái cho hành khách. Đây không chỉ là nhược điểm của Hilux mà còn là điểm hạn chế chung của nhiều mẫu xe trong phân khúc.

Vận hành

Trên phiên bản mới, Toyota Hilux được trang bị hai tùy chọn động cơ 2.4L và 2.8L, cả hai đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và sử dụng dầu Diesel tiêu chuẩn 0001S.

Nhờ những nâng cấp này, khối động cơ không chỉ đem lại cảm giác mượt mà, tiếng ồn từ động cơ cũng giảm đáng kể, mang lại trải nghiệm lái xe êm ái. Đồng thời, khả năng tăng tốc cũng được cải thiện rõ rệt, giúp Hilux trở nên linh hoạt và mạnh mẽ hơn trong nhiều điều kiện khác nhau.

Trong điều kiện đường đô thị với tốc độ dưới 50 km/h, nơi thường xuyên phải tăng giảm tốc đột ngột và dừng đỗ liên tục, khối động cơ 2.4L của Toyota Hilux với công suất 148 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm tại 3.400 vòng/phút cho thấy hiệu suất vận hành dư dả. Khi sử dụng chế độ ECO (Tiết kiệm), mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ khoảng 8L/100km, đây là con số khá tiết kiệm.

Trên đường trường hoặc cao tốc, khi duy trì tốc độ ổn định từ 60-80-100 km/h, xe đạt mức tiêu thụ nhiên liệu lý tưởng, chỉ khoảng 7L/100km. Đây là con số ấn tượng đối với một mẫu bán tải phổ thông, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cần tối ưu hóa chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng.

Về hiệu suất vận hành, khi di chuyển trên đường cao tốc ở chế độ ECO, động cơ 2.4L của Toyota Hilux phiên bản 2.4E kết hợp với hộp số tự động 6 cấp mang lại sức kéo ổn định. Tuy nhiên, khi tăng tốc đột ngột, xe có độ trễ khoảng 1 giây và phát ra tiếng ồn đặc trưng của động cơ dầu xuất phát từ khoang động cơ. Đây là điểm thường gặp ở các dòng xe sử dụng nhiên liệu Diesel.

Khi chuyển sang chế độ PWR (Power), vòng tua máy được đẩy cao hơn, giúp khả năng tăng tốc trở nên mạnh mẽ và nhanh nhạy hơn, đặc biệt ở dải tốc độ trên 80 km/h, hiện tượng độ trễ gần như không còn nếu duy trì ga đều. Chế độ này rất hữu ích trong những tình huống cần sức mạnh lớn hơn, chẳng hạn như chở hàng nặng hoặc vượt qua các địa hình off-road khó khăn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng lên so với chế độ ECO, phù hợp với các tình huống cần ưu tiên hiệu suất hơn tính kinh tế.

Vô lăng của Toyota Hilux sử dụng trợ lực dầu biến thiên theo tốc độ, mang lại cảm giác chân thật khi vận hành ở tốc độ cao, bền bỉ theo năm tháng. Tuy nhiên, đối với những người đã quen với sự nhẹ nhàng của vô lăng trợ lực điện, sẽ cảm thấy vô lăng xe khá nặng, đặc biệt khi lấy lái tại chỗ hoặc di chuyển chậm trong nội đô và các khu vực chật hẹp như ngõ ngách.

Hệ thống treo của Toyota Hilux vẫn giữ nguyên kết cấu truyền thống, phù hợp với định hướng là một mẫu bán tải thực dụng, khác biệt so với xu hướng "đô thị hóa" của một số đối thủ trong cùng phân khúc. Xe sử dụng hệ thống treo nhíp lá phía sau và treo độc lập phía trước, mang lại khả năng ổn định tốt khi di chuyển ở tốc độ cao, đặc biệt trên những địa hình gồ ghề hay đất đá, như khu vực Đồng Mô.

Tuy nhiên, do thiết kế ưu tiên tải trọng, khi thùng sau không chở hàng, hệ thống treo có thể mang lại cảm giác hơi cứng và sóc khi đi qua những cung đường xấu.

Về khả năng cách âm, Toyota Hilux thể hiện sự cải thiện đáng kể khi di chuyển ở tốc độ cao trên đường cao tốc. Xe hạn chế tốt tiếng ồn từ môi trường bên ngoài, mang lại không gian cabin yên tĩnh. Tuy nhiên, âm thanh đặc trưng từ động cơ dầu vẫn có thể cảm nhận được khi tăng tốc đột ngột, đây cũng là điểm đặc trưng vốn có của xe sử dụng động cơ dầu.

An toàn

Toyota Hilux 2.4E 4x2 AT sở hữu những công nghệ an toàn như sau:

Hà Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/danh-gia-uu-diem-nhuoc-diem-cua-toyota-hilux-2024-post1142512.vov
Zalo