Đánh giá kỹ tác động đến hệ sinh thái khi làm đường nối Bình Phước với Đồng Nai

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý hai tỉnh đánh giá kỹ tác động khi xây tuyến đường nối Bình Phước với Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao UBND tỉnh Bình Phước và Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng để thực hiện nghiên cứu đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà theo quy định.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học, lâm nghiệp, di sản văn hóa, điều ước quốc tế... khi làm tuyến trên.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính hướng dẫn, phối hợp với hai tỉnh trong quá trình triển khai, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

 Dự kiến đường nối Bình Phước và Đồng Nai sẽ đi qua một góc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ảnh: V.HỘI

Dự kiến đường nối Bình Phước và Đồng Nai sẽ đi qua một góc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ảnh: V.HỘI

Đầu tháng 2, tỉnh Bình Phước đề xuất trung ương cho phép xây dựng tuyến đường kết nối với tỉnh Đồng Nai theo hướng: Từ TP Đồng Xoài đi theo đường đường tỉnh (ĐT) 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai, rồi theo các đường địa phương đến đường Vành đai 4 đoạn qua TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài tuyến 76km.

Địa phương này khẳng định đây là phương án tuyến ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước đến tỉnh Đồng Nai đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Tuyến sau khi kết nối sẽ khôi phục cung đường phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của hai tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cũng như khu vực Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, địa phương đã khảo sát và thực tế chỉ có khoảng 2 km rừng tự nhiên, 29km còn lại là rừng trồng chủ yếu là cây keo lai.

Ngoài ra, chính quyền Bình Phước cho rằng có thể nghiên cứu các phương án làm đường trên cao, cầu cạn, rào chắn chống ồn, hầm lộ thiên tương tự đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Cúc Phương để giảm thiểu tối đa các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Với phương án này, Bình Phước dự tính tổng mức đầu tư tuyến khoảng 5.130 tỉ đồng.

Góp ý đề xuất trên, Bộ Xây dựng cho rằng kết nối tỉnh Bình Phước với TP.HCM hay Đồng Nai, đều phải thông qua tỉnh Bình Dương, nên việc có một tuyến đường kết nối trên là cần thiết. Tuy nhiên, địa phương cần nghiên cứu quy mô đầu tư thích hợp để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch khu vực.

Về vốn, Bộ Xây dựng nói đây là các tuyến đường do địa phương quản lý và đầu tư, theo quy định các tỉnh chủ động bố trí nguồn vốn hợp pháp để đầu tư dự án.

Trong trường hợp có khó khăn, địa phương làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư dự án.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/danh-gia-ky-tac-dong-den-he-sinh-thai-khi-lam-duong-noi-binh-phuoc-voi-dong-nai-post848373.html
Zalo