Đảng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

'Khởi điểm mới', 'kỷ nguyên mới', 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'- thông điệp này cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những thành công và thắng lợi thì phải có những đột phá mang tính chiến lược. Đột phá trước tiên là sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hơn bao giờ hết, hiện nay, “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”, như yêu cầu của Tổng Bí thư càng đòi hỏi Đảng ta về tầm nhìn mới, trước sứ mệnh mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược lãnh đạo, cầm quyền phù hợp với thời kỳ mới, trong tầm nhìn 2030 và 2045.

Bảo đảm nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có tầm nhìn

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhận định, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.

 Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Ảnh: T.L

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Ảnh: T.L

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc thống nhất xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm cả nước hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế nâng lên rõ rệt; dư địa và không gian phát triển của Việt Nam còn nhiều lợi thế và sức mạnh đó là: Vị trí địa chính trị, địa kinh tế; Dân số 105 triệu người đang là dân số vàng; Nền văn hóa đặc sắc, hòa hiếu, bao dung độ lượng; Chúng ta có Đảng lãnh đạo cầm quyền, đất nước ổn định; Khát vọng, ý chí, có bản lĩnh, trí tuệ, đồng thuận triệu người như một; Lợi thế đi sau, đi tắt đón đầu, tránh sai lầm…

“Đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tạo vận hội để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, vươn lên, vươn nhanh”, ông Lại Xuân Môn khẳng định.

Đặc biệt, về việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, ông Lại Xuân Môn nêu rõ: Bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên bứt phá, tăng tốc đang đặt ra cấp thiết, cần thực hiện một số giải pháp chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng: Thống nhất nhận thức, thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.

 Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: T.L

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: T.L

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, bảo đảm nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, xác định đúng, trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.

Xây dựng kịp thời và sáng tỏ tầm nhìn mới - tầm nhìn của một quốc gia vươn mình trong thế giới đang thay đổi

Nhìn nhận về một kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc Việt Nam, PGS. Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở thời điểm này là rất logic, khách quan, là kết quả tất yếu của những bước đi thành công trước đây.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tức là những chuyển động tầm cỡ thời đại, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, theo PGS Nguyễn Viết Thảo, để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những thành công và thắng lợi thì phải có những đột phá mang tính chiến lược. Đột phá trước tiên là sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, phải xây dựng kịp thời và sáng tỏ tầm nhìn mới - tầm nhìn của một quốc gia vươn mình trong thế giới đang thay đổi.

“Tầm nhìn này cực kỳ quan trọng. Đại hội XIII mới vạch ra những phác thảo về Việt Nam đến giữa thế kỷ 21. Đó là phác thảo và cần phải cụ thể hóa hơn để toàn Đảng, toàn dân dốc sức thực hiện”, ông Thảo nhấn mạnh.

 PGS. Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L

PGS. Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L

“Đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tạo vận hội để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, vươn lên, vươn nhanh”, ông Lại Xuân Môn khẳng định.

Đột phá thứ hai là phải có những tư duy chiến lược, được thực hiện bằng những chiến lược quốc gia. Theo PGS Nguyễn Viết Thảo, tư duy chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhất thiết phải kịp thời, sáng tỏ, đúng đắn, phù hợp, khả thi.

Cụ thể, trước hết là chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Trong tư duy chiến lược, dứt khoát phải tìm ra con đường, mô hình công nghiệp hóa phù hợp. Việt Nam có thể tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, của Trung Quốc, mô hình của các nước Mỹ La tinh, các nước Đông Á.

Thứ hai là chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. PGS Nguyễn Viết Thảo cho biết, trước kia, Đảng đã xác định đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Ngày nay, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất thiết phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

“Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Tập trung vào một số mũi nhọn gì cụ thể? Đây là vấn đề cơ bản nhất, cần nghiên cứu thận trọng nhưng phải xác định kịp thời”, ông Thảo nêu rõ.

 Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.L

Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.L

Thứ ba là chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Theo PGS Nguyễn Viết Thảo, phát triển nhanh đòi hỏi tốc độ cao trong tăng trưởng kinh tế, gia tăng sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, phát triển bền vững đòi hỏi hiệu quả và năng suất lao động cao, không tăng đầu tư, nguyên nhiên vật liệu, lao động… nhưng vẫn tăng nhanh sản lượng, chất lượng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế.

Đổi mới và thực thi nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ

Theo TS. Nhà báo Nhị Lê – Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, một nội dung quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền đó là đổi mới và thực thi nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc căn bản quán xuyến toàn bộ việc hoạch định và xác quyết đường lối chính trị lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

 Nhà báo Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: T.L

Nhà báo Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: T.L

TS. Nhà báo Nhị Lê cho biết, Đảng ta thực thi chế độ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là thiết chế hoạt động, là nguồn gốc và bảo đảm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Thiết chế đó bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của tập thể cấp ủy, trên cơ sở dân chủ thảo luận, tranh luận và ra quyết nghị, nhưng đồng thời hoàn toàn cho phép và bảo đảm dân chủ rộng rãi tối đa trong việc tìm tòi biện pháp thực thi nghị quyết một cách chủ động và độc lập.

Đặc biệt, tính chủ động, độc lập và chịu trách nhiệm cao nhất và trước hết của người đứng đầu cấp ủy. Người chủ trì công việc của cấp ủy phải khuyến khích và bảo vệ quyền dân chủ thảo luận, tự do tranh luận, biết chờ đợi, trân trọng và lắng nghe, nhất là các ý kiến khác nhau của đảng viên trong thảo luận, xây dựng các quyết sách của cấp ủy. Đó là con đường ngắn nhất dẫn dắt tập thể cấp ủy đi tới chân lý và tổ chức hiệu quả thực tiễn nghị quyết; là sự khẳng định và đo lường về trách nhiệm trước hết theo quyền trong thực thi nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy. Nghị quyết của cấp ủy là pháp lệnh tối cao đối với mọi đảng viên.

 Công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa đất nước phát triển là mục tiêu chiến lược. Ảnh: T.L

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa đất nước phát triển là mục tiêu chiến lược. Ảnh: T.L

TS. Nhà báo Nhị Lê cũng nêu rõ, cần đổi mới cơ chế về mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy và tổ chức đảng theo hướng tập trung quyền của người đứng đầu gắn với trách nhiệm cá nhân từng thành viên một cách cụ thể, dân chủ và triệt để trên cơ sở Điều lệ Đảng. Đó là chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách một cách cụ thể nhằm cấp bách khai thông các điểm “nghẽn” về quyền gắn với trách nhiệm của cá nhân và của tập thể, giữa cá nhân với tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới.

Cùng với đó, ngăn chặn những tồn tại trong việc sử dụng quyền và thực thi trách nhiệm ở các tổ chức đảng hiện nay nói chung, người đứng đầu cấp ủy nói riêng. Đồng thời, dỡ bỏ tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa cá nhân với tổ chức, giữa người đứng đầu với các thành viên cấp ủy, trong xây dựng và thực thi nghị quyết.

Ngăn chặn và đẩy lùi tệ cát cứ, cục bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa các thành viên tập thể cấp ủy với nhau; tệ né tránh, đùn đẩy, thậm chí trốn tránh trách nhiệm, tệ phi dân chủ, thậm chí đối lập quyền và trách nhiệm của mọi đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy; tệ dân chủ vô chính phủ trong thực thi nghị quyết của Đảng; tệ xa dân, trốn tránh trách nhiệm với tổ chức đảng và cơ sở. Tất cả điều đó làm tổn hại tới năng lực lãnh đạo, thanh danh và uy tín của Đảng, nhất định phải được ngăn chặn và bị tẩy trừ.

TS. Nhà báo Nhị Lê khẳng định, dân chủ thật sự bảo đảm tập trung trong việc định ra quyết sách, tự do tìm kiếm phương pháp thực thi quyết sách một cách độc lập, dân chủ và tôn trọng mọi sự sáng tạo là bản chất của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung thể hiện ở người đứng đầu cấp ủy, là tất yếu. Ở đây, người đứng đầu cấp ủy phải trở thành tấm gương về thực thi công việc đó. Như thế, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng mới “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, mới “là đạo đức, là văn minh”.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post330792.html
Zalo