Đằng sau những phiên livestream trăm tỷ đồng
Thời gian qua, những phiên livestream chục tỷ, trăm tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận xã hội. Và ngay ở trên thị trường Quốc hội, vấn đề này cũng đã được các Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Vậy thì thật - giả những phiên livestream tiền tỷ như vậy là gì? Và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế như thế nào?
100 tỷ … 150 tỷ …. Đây chỉ là những con số doanh thu mục tiêu được đặt ra tại mỗi phiên livestream tiền tỷ. Còn thực tế, đây không phải là số tiền họ đã thu được. Bởi doanh thu mà các nhãn hàng nhận được phải là khi sản phẩm đã được thanh toán và giao đến tay người tiêu dùng.
Cũng chính vì thế, 100 tỷ hay 150 tỷ cũng không phải là số tiền thuế mà các bên phải thực hiện. Các nhãn hàng bán sản phẩm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thuế trên số tiền doanh thu thực tế. Ngoài ra, các bên liên quan như những người livestream, các nền tảng mạng xã hội và đơn vị vận chuyển cũng sẽ phải thực hiện nghĩa thuế với số tiền mình đã được nhãn hàng chi trả.
Theo đại diện TikTok Việt Nam, các phiên livestream được thực hiện trên nền tảng đều đã được kiểm duyệt về nội dung, chất lượng, số lượng sản phẩm và nghĩa vụ về thuế sau khi kết thúc. Nếu phát hiện ra sai phạm, nền tảng sẽ có nhiều giải pháp để xử lý.
Tại Trung Quốc, đã có một chuyên gia bán hàng livestream trong 12h đồng hồ với 250 triệu người xem, doanh thu ước tính gần 2 tỷ USD (tức là khoảng 50.000 tỷ Việt Nam Đồng). Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, con số 100 tỷ hay 150 tỷ không phải là con số quá lớn so với quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ để tránh thất thu thuế của Nhà nước.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!