Đằng sau bài báo bị xóa về cựu Đệ nhất phu nhân Syria
Tạp chí Vogue từng gây tranh cãi với bài phỏng vấn ví von cựu Đệ nhất phu nhân Syria Asma al-Assad là bông hồng trên sa mạc. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, nội dung bài báo không khách quan, bị Asma đứng sau kiểm soát.
Bài báo khiến Vogue lao đao
Tạp chí Vogue đăng bài phỏng vấn dài 3.200 chữ có tiêu đề Asma al-Assad: A Rose in the Desert(Asma al-Assad: Bông hồng trên sa mạc), kèm theo bộ ảnh thời trang chụp cựu Đệ nhất phu nhân Syria, vào tháng 3/2011.
Cựu biên tập viên Vogue Pháp Joan Juliet Buck được cử đến Damascus (thủ đô Syria) để phỏng vấn bà Asma bất chấp tình hình chính trị bất ổn tại quốc gia Trung Đông.
Buck dành nhiều lời khen có cánh cho Asma, mô tả bà là “người tươi tắn và quyến rũ nhất trong số các đệ nhất phu nhân”. Buck còn đánh giá người đẹp gốc Anh có phong cách thanh lịch, giản dị, thiếu điểm trang một cách có chủ đích, không phải sự hào nhoáng thường thấy ở tầng lớp cao Trung Đông.
Bài báo gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí tạo ra làn sóng phẫn nộ, do danh tiếng không tốt của cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tháng 6/2012, The New York Times cáo buộc bài báo là một phần chiến dịch PR hình ảnh của gia đình Assad. Tờ báo Mỹ cáo buộc gia đình Assad trả cho một công ty quan hệ công chúng, có tên là Brown Lloyd James, ở Washington, DC 5.000 USD/tháng để làm đầu mối liên lạc giữa Vogue với gia đình họ.
Ban đầu, Vogue một mực bảo vệ bài báo. Tuy nhiên, khi nội chiến nổ ra ở Syria trong tháng 2/2011, nó bị gỡ khỏi trang web của tờ tạp chí danh tiếng. Tổng Biên tập Vogue Anna Wintour về sau lên tiếng xin lỗi và công khai lên án chế độ Assad.
“Năm 2010, chúng tôi sắp xếp một cuộc phỏng vấn với vợ nhà lãnh đạo Syria, Asma al-Assad, cựu nhân viên ngân hàng được đào tạo ở phương Tây và người phụ nữ nổi tiếng đại diện cho sức mạnh cải cách ở Trung Đông. Giống như nhiều người khác vào thời điểm đó, chúng tôi hy vọng chế độ Assad sẽ cởi mở với một xã hội tiến bộ hơn. Sau cuộc phỏng vấn của chúng tôi, khi những sự kiện khủng khiếp trong năm rưỡi qua diễn ra ở Syria, rõ ràng là các ưu tiên và giá trị của chế độ này hoàn toàn trái ngược với Vogue. Những hành động tàn bạo ngày càng leo thang ở Syria là vô lương tâm và chúng tôi lên án hành động của chế độ Assad bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể”, bà Anna nói vào năm 2012.
Joan Juliet Buck cũng cho biết vốn không muốn gặp gia đình Assad, nhưng cấp trên thuyết phục cô bằng cách nhấn mạnh không muốn tập trung vào chính trị.
“Tôi nghĩ rằng Vogue luôn tìm kiếm những đệ nhất phu nhân xinh đẹp vì họ là sự kết hợp của quyền lực, vẻ đẹp và sự thanh lịch. Đó chính là mục đích của Vogue. Asma là người phụ nữ chưa bao giờ trả lời phỏng vấn, cực kỳ gầy và ăn mặc rất đẹp. Do đó, bà đủ tiêu chuẩn để xuất hiện trên Vogue. Vogue đã cố gắng để có được bà ấy trong một thời gian khá dài”, Buck chia sẻ.
Cựu biên tập viên giải thích thêm nộp bài viết vào tháng 1/2011, thời điểm mà những vụ tấn công do ông Assad chỉ đạo chưa diễn ra, cũng chưa có những lời kêu gọi Tổng thống Syria từ chức.
Trong cuộc phỏng vấn với NPR vào tháng 4/2012, Buck cáo buộc vợ chồng Assad khoe khoang cuộc sống của họ với cô. Cô cho rằng những đứa trẻ nhà Assad mà cô gặp trong quá trình đưa tin không phải là những đứa trẻ trong ảnh được sử dụng trên tạp chí Vogue. Ngoài ra, theo nữ phóng viên, máy tính xách tay của cô bị xâm nhập khi ở Syria.
Sau lùm xùm về bài báo, Vogue không gia hạn hợp đồng với Buck. Condé Nast, công ty sở hữu tạp chí danh tiếng, cũng rơi vào khủng hoảng trong thời gian này.
Giờ đây, khi ông Bashar al-Assad cùng gia đình sống lưu vong ở Nga, bài báo gây tranh cãi một lần nữa được khơi lại.
Một người từng làm việc trong dự án phỏng vấn bà Asma tiết lộ với The New York Post ngày 10/12: “Tôi đã tham gia cuộc gọi hội nghị với bà ta. Thông thường, khi bạn sắp xếp một cuộc phỏng vấn với Vogue, đó là cuộc trò chuyện thân thiện. Tuy nhiên, bà ta muốn kiểm soát mọi thứ về việc biên tập và bà ta đã làm điều đó”.
Trong khi đó, nguồn tin xuất bản tin rằng Vogue không có mục đích chính trị trong bài báo, mà chỉ đơn giản là muốn khai thác một phụ nữ Trung Đông có gu thời trang mà không phải là Hoàng hậu Rania của Jordan (được Vogue đưa tin nhiều lần).
Nguồn tin từ Vogue cũng nhấn mạnh điều này: “Chúng tôi đã gỡ bỏ tác phẩm đó khi nhận ra thế giới đã thay đổi”.
Imelda Marcos của Syria
Trong khi bài báo của Vogue nhận xét bà Asma không hào nhoáng như giới thượng lưu Trung Đông, cựu Đệ nhất phu nhân Syria lại được biết đến với biệt danh Imelda Marcos của Syria.
Dành cho ai không biết, Imelda Marcos là vợ của cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (giữ chức từ năm 1965 đến 1986). Bà được xem là người phụ nữ xa hoa nhất trong lịch sử Philippines, sở hữu bộ sưu tập hơn 1.000 đôi giày cùng nhiều xa xỉ phẩm khác. Cuộc sống đó chỉ kết thúc khi ông Ferdinand bị mất chức và sống lưu vong ở Hawaii, Mỹ.
Giống như Imelda, bà Asma nổi tiếng là người chi tiêu nhiều cho các mặt hàng xa xỉ, đặc biệt yêu thích giày hiệu.
Một phụ nữ thượng lưu ở London tiết lộ với The Post: "Bà ấy có hơn 300 đôi giày và mọi người thường nói đùa bà là Imelda Marcos của Syria".
Nhân viên tại cửa hàng trang sức cao cấp ở London thường phục vụ Asma khẳng định người đẹp sinh năm 1975 chi tiền mạnh tay. Lý do bà không quá nổi bật là do tính cách trầm lặng và kín đáo, không lựa chọn những món đồ sáng chói như hầu hết giới thượng lưu Trung Đông ưa thích.
Những email mà WikiLeaks thu thập được vào năm 2012 cho thấy Asma chi khoảng 500.000 USD (điều chỉnh theo lạm phát) để mua đồ nội thất từ một cửa hàng độc quyền ở London cho cung điện mùa hè của bà tại thị trấn ven biển Latakia (Syria) vào tháng 3/2011, ngay sau khi Syria bị cuốn vào cuộc nội chiến đẫm máu.
Bà cũng được cho là chi tiêu không tiếc tay cho các bức tranh, đồ trang sức và giày Christian Louboutin thông qua những người trung gian ở Paris và London trong suốt cuộc xung đột.
"Mọi người đều biết về khoản chi tiêu của bà ấy nhưng rất khó để biết được Asma thực sự là ai. Họ là một gia đình kín tiếng, gần như khép kín. Họ giữ khoảng cách rất nhiều", nguồn tin ở London nói.
Janine di Giovanni, phóng viên chiến trường đưa tin về Syria dưới thời Assad và tác giả 2 cuốn sách về chủ đề này, nhận xét bà Asma là người thông minh và biết rõ những gì chồng bà làm.
"Bà có thể trốn đến một đại sứ quán nước ngoài vì bà là người Anh. Nhưng bà không bao giờ làm vậy. Bà quyết định ở lại với chồng", Janine chia sẻ đầy ẩn ý về con người của Asma.
Tài liệu do WikiLeaks thu thập được cũng tiết lộ chuyện bà Asma từng nói đùa với một người bạn: "Tôi là nhà độc tài thực sự!".