Đảng Pheu Thai đứng trước 2 lựa chọn cho vị trí Thủ tướng Thái Lan

Đảng Pheu Thai đang phải chạy đua để củng cố liên minh của mình trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu ra Thủ tướng mới cho Thái Lan.

Chính trường Thái Lan hôm 14/8 một lần nữa lại xáo trộn khi ông Srettha Thavisin bị Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm khỏi vị trí Thủ tướng. Động thái này diễn ra chưa đầy một năm sau khi ông Srettha lên nắm quyền và trong bối cảnh Đảng Pheu Thai của ông đang vật lộn để thực hiện chương trình nghị sự dân túy bị đình trệ của mình.

Giờ đây Đảng Pheu Thai – chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền – đang đứng trước 2 lựa chọn cho vị trí Thủ tướng Thái Lan: Vị chính khách kỳ cựu Chaikasem Nitisiri – cựu tổng chưởng lý và bộ trưởng tư pháp, và nữ chính trị gia trẻ tuổi Paetongtarn Shinawatra – con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Từ trái sang, ông Chaikasem Nitisiri, bà Paetongtarn Shinawatra và ông Srettha Thavisin, trong một sự kiện của Đảng Pheu Thai ở Bangkok, ngày 5/4/2023. Ảnh: Asahi Shimbun

Từ trái sang, ông Chaikasem Nitisiri, bà Paetongtarn Shinawatra và ông Srettha Thavisin, trong một sự kiện của Đảng Pheu Thai ở Bangkok, ngày 5/4/2023. Ảnh: Asahi Shimbun

Ông Srettha là Thủ tướng thứ 4 của Đảng Pheu Thai bị Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm. Việc ông và nội các của mình bị "tuýt còi" có thể báo hiệu sự kết thúc của sự hòa hoãn không dễ dàng giữa ông Thaksin và những người phản đối ông trong giới tinh hoa bảo thủ và phe bảo hoàng.

Không lâu sau phán quyết của Tòa Hiến pháp Thái Lan, Đảng Pheu Thai đã hành động nhanh chóng để bảo vệ lợi thế của mình, với việc truyền thông phát sóng trực tiếp hình ảnh vào cuối ngày 14/8 về các đối tác liên minh của đảng này đến thăm dinh thự của ông Thaksin – người sáng lập và lãnh đạo có ảnh hưởng của đảng.

"Họ (Đảng Pheu Thai) muốn quyết đoán… Càng mất nhiều thời gian, càng có nhiều cuộc cãi vã và tranh giành quyền lực xảy ra, vì vậy ở đây càng nhanh càng tốt", ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết.

Việc triệu tập quốc hội chưa đầy 48 giờ sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm trái ngược hoàn toàn với tình huống năm ngoái, khi phải mất 2 tháng để Hạ viện họp và bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới sau cuộc tổng tuyển cử.

Trong vòng bỏ phiếu bầu Thủ tướng tại Hạ viện Thái Lan được ấn định vào ngày 16/8, liên minh do Đảng Pheu Thai dẫn dắt sẽ không gặp khó khăn gì khi họ nắm giữ 314 ghế tại cơ quan lập pháp này.

Để trở thành Thủ tướng Thái Lan, một ứng cử viên cần được hơn một nửa trong số 493 nhà lập pháp (Hạ nghị sĩ) hiện tại chấp thuận.

Đảng Pheu Thai đang phải quyết định xem có nên tiến về phía trước với ông Chaikasem, 76 tuổi – một chính trị gia cấp cao của đảng, hay sẽ chọn bà Paetongtarn, 38 tuổi – một chính trị gia ít kinh nghiệm hơn từ gia đình Shinawatra.

Trong một diễn biến khác, theo trang Thai PBS World, Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai đã thay đổi chuyến bay để trở về Bangkok từ Kazakhstan ngay lập tức sau khi biết về quyết định của Tòa Hiến pháp hôm 14/8.

Ông Phumtham tới Kazakhstan để đàm phán thương mại, thay mặt ông Srettha. Chuyến bay của Phó Thủ tướng dự kiến sẽ hạ cánh tại Bangkok trong ngày 15/8.

Ông Phumtham, người dự kiến sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng lâm thời, sẽ triệu tập một cuộc họp của các đại biểu quốc hội Pheu Thai và họp với các đảng liên minh về cách họ sẽ hợp tác với nhau trong chính phủ tiếp theo.

Ông cũng sẽ họp riêng với các đại biểu quốc hội Pheu Thai về vấn đề ứng cử viên Thủ tướng.

Minh Đức (Theo Straits Times, Today Line)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dang-pheu-thai-dung-truoc-2-lua-chon-cho-vi-tri-thu-tuong-thai-lan-204240815111007354.htm
Zalo