Đăng ký sở hữu trí tuệ để phát triển du lịch xanh
Sở hữu trí tuệ không chỉ giúp bảo vệ các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu mang bản sắc Bình Thuận mà còn là động lực thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh độc đáo, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Đổi mới sáng tạo trong du lịch
Hội thảo khoa học “Sở hữu trí tuệ - Nền tảng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh Bình Thuận” do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức mới đây đã đề cập đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp du lịch tạo dựng niềm tin với khách hàng và đưa thương hiệu du lịch vươn tầm quốc gia, quốc tế. Nhiều sản phẩm du lịch trong nước nổi tiếng đã tạo dựng được thành công nhờ chính tên tuổi thương hiệu của mình, như “Mũi Né” của Phan Thiết. Tại diễn đàn khoa học trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã nhấn mạnh đến 3 nội dung trọng tâm cần được thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh Bình Thuận: “Đó là sở hữu trí tuệ là nền tảng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong du lịch; giúp hình thành các sản phẩm mới, mô hình mới như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái gắn với văn hóa, sản phẩm OCOP. Việc khai thác các loại tài sản trí tuệ như nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh sẽ hình thành các chuỗi giá trị xanh, trong đó doanh nghiệp, cộng đồng, du khách cùng hưởng lợi, phát triển bền vững. Việc ứng dụng sở hữu trí tuệ gắn với chuyển đổi số, tiếp thị hiện đại, chiến lược định vị thương hiệu địa phương sẽ giúp Bình Thuận trở thành điểm đến nổi bật về cảnh quan, thể hiện sự sáng tạo, văn hóa đặc sắc, thương hiệu du lịch có chiều sâu”.

Du khách nước ngoài tham quan vườn thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân.

Nhiều bạn trẻ thích khám phá Lạch Dù đảo Phú Quý.

Học sinh sinh hoạt dã ngoại tại Ba Tường Farm ngoại thành Phan Thiết.
Bảo hộ thương hiệu sản phẩm du lịch
Cùng với đó, ThS. Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng, Văn phòng miền Nam đã giới thiệu chính sách, quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch; vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong bảo hộ các sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch xanh Bình Thuận. Thời gian qua, nhiều trải nghiệm du lịch sáng tạo từ chất liệu văn hóa, đời sống đã được du khách đón nhận, như tham quan các nơi: Làng chài Mũi Né, khám phá Suối Tiên thưởng thức đặc sản dông cát, dừa Thiện Nghiệp, Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, Hải đăng Kê Gà, Bàu Trắng… Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung đã góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh, bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch. “Tại các làng nghề truyền thống, trang trại thanh long, sầu riêng trong tỉnh cần được khuyến khích đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn. Thực tế tại các làng nghề, trang trại cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu ngân sách địa phương góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”, ThS. Trần Giang Khuê chia sẻ.

TS. Phạm Thị Hồng Phượng giới thiệu các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh.
Trong khi đó, TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đi sâu, giới thiệu các giải pháp và chiến lược để phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh; phân tích cách các doanh nghiệp du lịch áp dụng sở hữu trí tuệ để phát triển sản phẩm mới. TS. Phạm Thị Hồng Phượng cho rằng, Bình Thuận đang sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, văn hóa, với nhiều sản phẩm đặc trưng như thanh long, nước mắm Phan Thiết, lẩu thả, mực một nắng… Việc tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, kết hợp với công nghệ số và phát triển mô hình “du lịch xanh” chính là đòn bẩy để địa phương nâng cao giá trị, thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Đặc biệt, vấn đề vai trò sở hữu trí tuệ trong việc duy trì, phát huy giá trị văn hóa du lịch địa phương, giải pháp nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng du lịch; mô hình du lịch xanh và vấn đề phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận. Đây là một trong những nội dung đang được các doanh nghiệp, người dân Bình Thuận quan tâm hiện nay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu du lịch xanh và đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch trong giai đoạn 2025 - 2030.