Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Môn khoa học xã hội chiếm ưu thế

Dù chưa có số liệu cuối cùng về đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhưng qua khảo sát tại một số trường THPT, có thể thấy, cán cân lựa chọn của thí sinh vẫn lệch về các môn khoa học xã hội.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Như Ý

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Như Ý

Chênh lệch

Hôm qua (28/4) là ngày kết thúc đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh lớp 12 và thí sinh tự do trên toàn quốc. Năm nay, có trên 1,1 triệu thí sinh tham dự kì thi này. Dù Bộ GD&ĐT chưa có số liệu cuối cùng, nhưng ghi nhận chung cho thấy, 2 môn thi tự chọn của thí sinh vẫn nghiêng về bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Năm nay, học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, thí sinh bắt buộc thi 2 môn Toán, Ngữ văn và lựa chọn 2 môn trong số 10 môn còn lại. Về con số chênh lệch lớn giữa nhóm học sinh chọn môn xã hội và học sinh chọn môn tự nhiên, lãnh đạo nhà trường cho rằng điều này phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em.

Khảo sát các trường tại huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Nội), số học sinh chọn môn xã hội chiếm ưu thế hơn hẳn so với số học sinh chọn môn tự nhiên, tỉ lệ 7-3. Trong đó môn xã hội được chọn nhiều nhất là giáo dục kinh tế và pháp luật. Với môn tự nhiên, học sinh lựa chọn Vật lí nhiều nhất. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tỉ lệ học sinh chọn các môn thi khoa học xã hội khoảng trên 60%. Con số này tương đương những năm trước.

Các môn khoa học tự nhiên được lựa chọn nhiều ở các trường nội thành thuộc các tỉnh/thành phố lớn. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, năm nay, nhà trường có 910 học sinh lớp 12 đăng kí thi tốt nghiệp THPT. Ngoài 2 môn thi bắt buộc, số lượng học sinh đăng kí các môn còn lại cụ thể như sau: Ngoại ngữ 728; Vật lí 331; Hóa học 157; Sinh học 29; Tin học 3; Lịch sử 252; Địa lí 34; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 212; không có học sinh nào đăng ký thi môn Công nghệ. So với khảo sát ban đầu, có một số học sinh thay đổi môn lựa chọn để phù hợp với năng lực và yêu cầu xét tuyển ĐH.

Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, học sinh của trường đăng kí môn thi tự chọn chủ yếu để phù hợp với tổ hợp xét tuyển ĐH như: A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, tiếng Anh). Bà Quỳnh thông tin, khi mới vào lớp 10, nhiều học sinh còn e ngại với các môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Công nghệ, Tin học, Sinh học). Nhưng sau khi được nhà trường tư vấn, các em đã mạnh dạn lựa chọn. Trong quá trình học, nếu học sinh cảm thấy khó khăn với việc học tập các môn học tự nhiên, nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em có thể thay đổi tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích học sinh theo học các môn khoa học cơ bản, trong đó có Vật lí, Hóa học, Sinh học (bởi các môn học này có thể kết hợp linh hoạt với nhiều tổ hợp môn thi, tạo lợi thế cho việc lựa chọn ngành nghề sau này).

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tại kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội gần gấp đôi số học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (63% - 37%). Tỉ lệ năm 2023 cũng tương tự.

Thêm kênh ôn thi tốt nghiệp

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cũng cho biết thêm, dựa trên tỉ lệ đăng kí môn thi, nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy, xây dựng chương trình ôn tập cho học sinh. Với môn học có số lượng học sinh đăng ký thi ít, nhà trường đã thành lập các nhóm ôn tập theo chuyên đề nhằm hỗ trợ ôn tập cho học sinh với sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng các lớp ôn tập cho học sinh theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện nghiêm việc không thu phí theo đúng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Năm 2025, Hà Nội có khoảng 126.000 thí sinh đăng kí dự thi (tăng khoảng 15.000 thí sinh so với năm 2024). Toàn thành phố dự kiến tổ chức 250 điểm thi (tăng khoảng 50 điểm thi so với năm 2024). Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát lớp 12 vừa qua của thành phố năm 2025 thấp hơn so với năm 2024, trong đó, gần 32% số bài thi dưới điểm trung bình. Môn Toán có tỉ lệ bài thi dưới trung bình nhiều nhất với hơn 51%.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục Hà Nội và nhiều trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã rốt ráo tìm giải pháp hỗ trợ học sinh, tăng cường ôn tập đáp ứng yêu cầu của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình bài giảng để phát sóng trên truyền hình.

Các tiết hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông được phát sóng từ tháng 4 và dự kiến kết thúc ngày 8/6, trước thời điểm học sinh thi tốt nghiệp THPT 2 tuần. Học sinh có thể ôn tập trên truyền hình với 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Thời gian phát sóng các tiết ôn tập từ 21h đến 21h40 các tối Thứ 6, Thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Như vậy, ngoài giờ học chính khóa và các tiết ôn tập trực tiếp tại trường, học sinh có thêm kênh ôn tập tại nhà vào buổi tối.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-ki-du-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-mon-khoa-hoc-xa-hoi-chiem-uu-the-post1738086.tpo
Zalo