Dâng hương tưởng niệm 80 năm Ngày hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ

Sáng 24-5, quận Hoàng Mai tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm nhân 80 năm Ngày hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ (24/5/1944-24/5/2024).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Phong Thu

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Phong Thu

Tham dự Lễ dâng hương tại Khu Tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Về phía tỉnh Lạng Sơn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm; Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên.

Các đại biểu dự Lễ dâng hương tưởng niệm. Ảnh: Phong Thu

Các đại biểu dự Lễ dâng hương tưởng niệm. Ảnh: Phong Thu

Tại tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, các đại biểu và nhân dân đã dâng hương, dâng hoa, ôn lại những trang sử hào hùng, vẻ vang, tấm gương anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc của đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Ôn lại thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh: Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Là một trong những đảng viên đầu tiên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở đảng ở các địa phương, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong cuộc vận động cách mạng ở Bắc Kỳ những năm 1929-1944. Sự hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại cho mỗi người dân Việt Nam tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Đảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Giáo viên, học sinh quận Hoàng Mai dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Phong Thu

Giáo viên, học sinh quận Hoàng Mai dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Phong Thu

Các đại biểu dự lễ gắn bia Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến – Khu trường bắn Tương Mai. Ảnh: Phong Thu

Các đại biểu dự lễ gắn bia Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến – Khu trường bắn Tương Mai. Ảnh: Phong Thu

Ngay sau lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dự lễ gắn bia Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến – Khu trường bắn Tương Mai (chung cư K35, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nơi đây, thực dân Pháp đặt máy chém để hành quyết các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta vào những năm đầu thế kỷ XX. Ngày 24-5-1944, cũng tại địa điểm này, địch đã xử bắn, sát hại đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4-11-1909, tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng tháng 12-1929; tham gia thành lập chi bộ Cộng sản và chỉ đạo phong trào cách mạng tại 3 tỉnh miền núi Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (9-11-1931), đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp làm chủ bút Báo Giải phóng - cơ quan tranh đấu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử vào Ban lãnh đạo Xứ Bắc Kỳ, phân công củng cố, phát triển cơ sở đảng ở những địa bàn trọng điểm, gặp nhiều khó khăn sau khủng bố trắng của địch như: Hải Dương, mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ than Hà Lầm (Quảng Ninh).

Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đề ra Nghị quyết phát triển đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa du kích; đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), đồng chí tham gia Ban lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh, phụ trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng; tham gia sáng lập tờ báo Cờ Giải phóng.

Ngày 25-8-1943, trên đường đi dự họp ở Hà Nội, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và giam tại nhà tù Hỏa Lò. Địch tra tấn dã man nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn nêu cao khí tiết bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí bị sát hại tại trường bắn Tương Mai ngày 24-5-1944, khi mới 35 tuổi.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dang-huong-tuong-niem-80-nam-ngay-hy-sinh-cua-dong-chi-hoang-van-thu-667288.html
Zalo