Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Cần làm ngay trong năm 2025
Các chuyên gia góp ý Quốc hội cần có nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho người dân trong năm 2025, nếu chờ đến năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì quá muộn.
Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trước sự lạc hậu của mức giảm trừ cảnh người nộp thuế và người phụ thuộc, nhiều ý kiến đề nghị cần phải sửa ngay trong năm 2024 chứ đợi khi Luật Thuế TNCN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2026 mới điều chỉnh thì quá chậm.
Thu nhập thiếu trước, hụt sau vẫn phải… nộp thuế
Chị Ngọc Thảo (TP Thủ Đức) cho biết thu nhập của vợ chồng chị khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nhưng với hai con đang tuổi học, chi phí học cũng như chi tiêu đều tăng cao, gia đình chị có tháng thiếu trước, hụt sau nếu có những khoản chi đột xuất.
Mức giảm trừ khi tính thuế TNCN của vợ chồng chị tạm tính là 30,8 triệu đồng/tháng. Trong đó gồm giảm trừ cá nhân 22 triệu đồng/tháng và con là người phụ thuộc 8,8 triệu đồng/tháng.
Sau khi trừ phần giảm trừ gia cảnh ở trên và khoản bảo hiểm thì thu nhập phải nộp thuế TNCN của chị Ngọc Thảo khoảng 9 triệu đồng/tháng. Như vậy rơi vào bậc 2 theo biểu tính thuế TNCN cho phần thu nhập tính thuế 10%. Tính ra mỗi tháng chị phải đóng số tiền thuế khoảng 600.000 đồng, cả năm gia đình chị đóng số thuế TNCN hơn 7 triệu đồng.
Điều bất hợp lý là hiện nay học phí mấy năm nay đã tăng cao, chưa kể giá cả hàng hóa mọi thứ đều tăng. Chị lấy dẫn chứng tiền học phí, tiền ăn, hoạt động ở trường của hai con khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tiền học thêm khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chi phí ăn uống, chi tiêu khác khoảng tạm tính 10 triệu đồng/tháng. Tiền cho ông bà nội ngoại khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tiền điện, nước, gas, WiFi… khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tổng cộng khoản phải chi cố định mỗi tháng của gia đình đã 35 triệu đồng.
“Nếu tháng nào có việc, có đám cưới, sinh nhật, ngoại khóa thì coi như không còn dư đồng nào. Có tháng kẹt quá phải mượn tạm người quen, may không phải đi thuê nhà chứ không biết tính sao nữa. Giờ cái gì cũng tăng, chỉ có thu nhập không tăng” - chị Thảo thở than.
Theo chị Thảo, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cần phải tăng cao gần bằng người nộp thuế. Như học sinh, sinh viên hiện nay ở đô thị chi tiêu các khoản rất cao, rất nhiều khoản. Và mức giảm trừ gia cảnh cần điều chỉnh theo từng năm chứ không thể chờ sửa luật hay chờ 4-5 năm mới điều chỉnh thì không thể theo kịp biến động giá cả, thực tế chi tiêu cuộc sống.
Anh Hữu Nam (quận 12) cho biết phải đi vay ngân hàng để có tiền đóng học phí học ĐH của hai con mỗi năm học gần 70 triệu đồng. Mỗi năm mức học phí đều tăng, tính ra bốn năm học phí cho hai con anh học ĐH gần 300 triệu đồng. Khoản học phí quá lớn nên buộc anh Nam phải đi vay ngân hàng cho con ăn học.
Trong khi đó, hiện nay vợ chồng anh Nam có thu nhập chỉ khoảng 35 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lãi cộng với trả nợ gốc hằng tháng đã gần 10 triệu đồng. Tiền hằng tháng cho hai con 10 triệu đồng. Anh Nam cho biết hiện hai con anh phải đi làm thêm hằng tháng để có tiền phụ đỡ cho cha mẹ. Còn đúng 15 triệu đồng chi phí vừa đủ “thắt lưng, buộc bụng” cho cả gia đình bốn người.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN đã thể hiện và phát huy được vai trò là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân đang đặt ra, đảm bảo tính minh bạch.
Chật vật vậy nhưng sau khi giảm trừ gia cảnh (khoảng 30,8 triệu đồng), vợ chồng anh Nam vẫn phải đóng thuế TNCN ở bậc 1 là 5%. Dù chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng anh Nam bức xúc vì thu nhập gia đình thấp không đủ lo cho con cái đi học, phải vay ngân hàng mà vẫn phải nộp thuế TNCN.
“Khoản lãi vay hằng tháng không được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Rồi mức giảm trừ gia cảnh cho con quá thấp so với chi phí thực tế. Không chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh thì Luật Thuế TNCN cũng phải tính toán khấu trừ thêm tiền học phí, chi phí có hóa đơn, chứng từ khác của người dân thì mới hợp tình, hợp lý cho người dân” - anh Nam chia sẻ.
Cần nâng mức giảm trừ lên 21 triệu đồng ngay trong năm 2025
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng nếu đợi đến năm 2026 sửa Luật Thuế TNCN rồi mới điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc thì quá muộn. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần phải điều chỉnh kịp thời để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ cho người dân.
Do đó, theo luật sư Trần Xoa, thay vì chờ đợi Quốc hội sửa Luật Thuế TNCN thì Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng ngay đầu năm 2025.
Luật sư Trần Xoa cho biết cơ quan quản lý thuế đã “quên” cách tính mức giảm trừ gia cảnh trước đây căn cứ vào GDP (mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước) đã được áp dụng từ Luật Thuế TNCN năm 2007. Mức giảm trừ gia cảnh này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm luật có hiệu lực.
“Ví dụ, theo số liệu Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2023 khoảng 102 triệu đồng/người/năm. Trung bình khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng, nhân hệ số 2,5 thì mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là hơn 21 triệu đồng/người/tháng. Người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% mức giảm trừ người nộp thuế, tính ra khoảng 8,4 triệu đồng/người/tháng” - luật sư Xoa dẫn chứng.
Quốc hội thông qua Luật Thuế TNCN vào tháng 5-2026
Bộ Tài chính đã chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế TNCN. Nội dung đề xuất cần xem xét sửa đổi lần này bao gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc…
Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả nghiên cứu, rà soát và đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế). Bên cạnh đó, Chính phủ đã đề nghị đưa vào Luật Thuế TNCN (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5-2026).
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng cho rằng cứ điều hành thuế theo lạm phát là không hợp lý, vì theo mỗi năm, mức sống của người dân lại tăng lên. Trong khi đó, các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động, nâng cao thu nhập. Nếu căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì lại không bắt kịp thực tế cuộc sống, lại lạc hậu.
Việc tính toán giảm trừ theo CPI không còn phù hợp với thực tế, nhất là khi đời sống kinh tế và mặt bằng thu nhập thay đổi nhanh chóng. Nhiều chuyên gia đề xuất thay thế cách tính này bằng phương pháp dựa vào lương tối thiểu vùng nhằm phản ánh sát hơn điều kiện sống của người dân.
Theo ông Nghĩa, mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng thì càng tốt, hợp lý. Ví dụ, tính mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế gấp bốn lần mức lương tối thiểu vùng. Còn người phụ thuộc có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng 1 tại TP.HCM là 4.960.000 đồng/tháng. Nếu lấy lương tối thiểu vùng nhân hệ số 4 thì mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là hơn 19,8 triệu đồng/người/tháng. Mức giảm trừ người phụ thuộc bằng 40% người nộp thuế là khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
“Khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh, có thể từng năm thì mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN cũng từ nâng lên” - ông Nghĩa nói.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, biểu thuế TNCN hiện hành với bảy bậc thuế là quá chi tiết và tạo nhiều bất cập cho người lao động. Sự chênh lệch nhỏ giữa các bậc thu nhập dễ khiến người nộp thuế rơi vào tình trạng “nhảy bậc” thuế, dẫn đến mức thuế cao hơn, không phản ánh đúng khả năng chi trả của họ.
Ví dụ, một người lao động có thu nhập tăng nhẹ từ bậc 2 (10%) lên bậc 3 (15%) sẽ phải đóng thuế cao hơn đáng kể, dù thu nhập thực tế không thay đổi nhiều. Điều này tạo cảm giác bất công và làm phức tạp quá trình quyết toán thuế. Do đó, đề xuất giảm số bậc thuế xuống bốn hoặc năm bậc, đồng thời tăng khoảng cách giữa các bậc thu nhập, tạo sự minh bạch và đơn giản trong cách tính thuế. Mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở mức 25%-27% hoặc cùng lắm 28%-30% là hợp lý.
Quan điểm cũng sẽ được nhiều doanh nghiệp đồng tình, bởi biểu thuế hiện tại không chỉ làm tăng chi phí quản lý mà còn gây khó khăn cho người lao động khi phải tính toán các nghĩa vụ thuế cuối năm.
Chính sách thuế thu nhập cá nhân cần công bằng, linh hoạt hơn
Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đang tồn tại nhiều bất cập, từ bậc thuế đến mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu, khiến người lao động phải chịu nhiều áp lực tài chính không đáng có. Theo các chuyên gia, những vấn đề này cần được xem xét và sửa đổi để đảm bảo công bằng, minh bạch và phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội.
TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo biến động GDP
Cần liên kết mức giảm trừ gia cảnh với các chỉ số kinh tế quan trọng như GDP bình quân đầu người. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cố định dẫn đến sự bất cập khi kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập khả dụng của người dân không được phản ánh đầy đủ.
Việc điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng đã được luật định nhưng ngưỡng biến động 20% là quá cao và thiếu tính linh hoạt. Cần xây dựng cơ chế tự động cập nhật mức giảm trừ gia cảnh mỗi năm, dựa trên tỉ lệ tăng trưởng GDP hoặc mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình, giúp đảm bảo chính sách sát với thực tế hơn. Điều này cũng hạn chế việc cần sửa đổi luật định kỳ, tiết kiệm nguồn lực hành chính.
Luật sư PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM:
Giảm thuế cho người làm công ăn lương, ngân sách hưởng lợi
Hiện nay, chính sách thuế TNCN đang rơi vào tình trạng “nắm người có tóc” là những người làm công ăn lương, thu nhập rõ ràng thì nộp thuế đúng quy định. Còn Luật Thuế TNCN bỏ qua nhiều đối tượng có thu nhập dạng tự do, thu nhập cao ngất ngưởng thì lại né tránh hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Do đó, Luật Thuế TNCN cần điều chỉnh đánh thuế người có thu nhập cao thật sự chứ không gây áp lực cho người làm công ăn lương. Xem xét giảm số bậc thuế TNCN xuống còn 3-5 bậc, đồng thời hạ thuế suất của từng bậc để giảm áp lực cho nhóm lao động hưởng lương. GDP bình quân đầu người tăng mạnh cho thấy mức sống và chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh dành cho người nộp thuế cần được điều chỉnh tương ứng, nếu không sẽ khiến người lao động rơi vào cảnh nghèo đi dù thu nhập tăng.
Một điểm bất hợp lý giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thì cao nhất chỉ 20%, cá nhân mức thuế suất lên tới 35%. Rồi trong đợt dịch COVID-19, doanh nghiệp còn được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Chưa kể có nhiều đối tượng doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi thuế, được khấu trừ chi phí.
Do đó, sửa Luật Thuế TNCN cần làm ngay, theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc. Và xem xét quy định các khoản chi phí thiết yếu của người dân như giáo dục, y tế, nhà ở được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Khi người lao động được khấu trừ, giảm thuế thì sẽ kích cầu thị trường tiêu dùng, doanh nghiệp tăng sản xuất, kinh doanh thì thu ngân sách nhà nước được lợi.
Ông PHẠM HẢI TÙNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phía Nam:
Phân vùng mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực
Chi phí sinh hoạt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM cao hơn đáng kể so với các khu vực nông thôn hay miền núi. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay áp dụng đồng nhất trên cả nước, không phản ánh sự khác biệt này.
Kiến nghị phân vùng mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực địa lý dựa trên lương tối thiểu vùng hoặc chỉ số chi phí sinh hoạt.
Ví dụ, mức giảm trừ gia cảnh tại TP.HCM có thể cao hơn 30%-50% so với các vùng khác. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo công bằng cho người lao động tại các khu vực có chi phí sinh hoạt cao, vừa duy trì nguồn thu ngân sách từ các khu vực khác. Chính sách phân vùng này có thể thúc đẩy đầu tư vào các vùng kém phát triển.
Ông NGUYỄN XUÂN THU, Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp xây dựng:
Cần mở rộng người phụ thuộc
Chính sách giảm trừ gia cảnh hiện chỉ áp dụng cho người phụ thuộc như cha mẹ, con cái, trong khi các mối quan hệ hỗ trợ khác như anh chị em, cháu mồ côi… chưa được tính đến. Điều này không phản ánh đủ vai trò thực tế của người lao động trong việc hỗ trợ gia đình.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa quy trình kê khai mức giảm trừ gia cảnh vì quy trình kê khai người phụ thuộc hiện nay phức tạp khiến người nộp thuế gặp khó khăn trong việc tiếp cận quyền lợi. Theo đó, hệ thống kê khai giảm trừ gia cảnh cần chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức số hóa qua các cổng thông tin thuế trực tuyến. Ngoài ra, nên áp dụng mức giảm trừ cố định cho từng nhóm thu nhập thay vì yêu cầu kê khai chi tiết từng người phụ thuộc. Điều này không chỉ giảm thiểu sai sót, rút ngắn thời gian xử lý, mà còn tăng tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống thuế.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):
Xem xét giảm trừ chi phí y tế, giáo dục, mua nhà cho người dân
Hiện nay, một số quốc gia còn xây dựng các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù như giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục… Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng BHXH, BHYT... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này. Có quốc gia cho phép giảm trừ chi phí giáo dục của con, có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp cho căn nhà đầu tiên.
Do đó khi sửa Luật Thuế TNCN cần bổ sung quy định những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền mua nhà, xây nhà, thuê nhà... phải được quy định cụ thể trong luật được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN.
Và khi tính thuế TNCN cần được khấu trừ thêm các chi phí hỗ trợ thực tế (y tế, giáo dục) vào danh mục giảm trừ cho người nộp thuế. Việc này giúp giảm áp lực tài chính cho người lao động, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời tăng sự hài lòng của nhân viên. Qua đó nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận thì ngân sách hưởng lợi.
QUANG HUY ghi