Dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh đã tập trung đổi mới công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Bãi Trành (Như Xuân) dọn vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh, giữ gìn cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”.
Trong quá trình triển khai chương trình XDNTM, Đảng bộ xã Thanh Quân (Như Xuân) đã đẩy mạnh công tác dân vận và đạt được những kết quả tích cực. Xã đã huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia, đồng thời khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào để người dân noi theo...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Quân Phạm Văn Tiên, cùng với tuyên truyền, xã đã sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn... Nhờ đó, đồng bào các DTTS của xã luôn đoàn kết chung sức xây dựng quê hương, nỗ lực vươn lên giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2024, xã đã vận động Nhân dân khơi thông cống rãnh, phát quang hơn 12km hành lang an toàn giao thông; giải phóng mặt bằng 1,95ha; làm mới, cải tạo, nâng cấp 3,6km đường giao thông; làm 6.100m đường giao thông nông thôn; nạo vét 25,5km kênh mương; xây mới, chỉnh trang 71 nhà ở dân cư, trồng 800m hàng rào xanh, đường hoa... Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2023...
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi với dân số gần 992.700 người, trong đó đồng bào DTTS hơn 701.000 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn miền núi. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS&MN, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; các nghị quyết về cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông, hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng khu vực nông thôn...
Cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực trong đồng bào DTTS&MN, các chương trình, chính sách đối với vùng DTTS&MN được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện phương án sản xuất theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực (cây thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, cây ăn quả...); ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ trên địa bàn 11 huyện miền núi. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ cao. Các huyện miền núi như Thạch Thành, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân... đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy may công nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các ngành dịch vụ, thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của Nhân dân.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động đồng bào thi đua sản xuất giỏi, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”, vận động người dân thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH; các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS&MN được triển khai kịp thời, góp phần làm thay đổi hạ tầng KT-XH vùng dân tộc và miền núi...
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, đến nay KT-XH trong vùng DTTS&MN đã có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện rõ rệt; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; 100% xã, thôn, bản trong vùng DTTS&MN đều có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm. Văn hóa - xã hội vùng DTTS&MN tiếp tục chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân ổn định. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS được phục dựng và bảo tồn; hoạt động văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí được triển khai thực hiện đã góp phần đẩy lùi, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng...