'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công': Kỳ II: Ngày càng thiết thực, gắn bó với đời sống nhân dân

Tạo sự thống nhất, thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, ngày 1/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Châu đã ban hành Quyết định số 1302-QĐ/HU, ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Thuận Châu, với mục tiêu đưa công tác dân vận ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Thuận Châu tuyên truyền nhân dân bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Thuận Châu tuyên truyền nhân dân bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị

Thực hiện Quyết định số 1302-QĐ/HU, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ trực tiếp đảm nhiệm công tác dân vận; nội dung công tác dân vận phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước.

Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn huyện tập trung xây dựng nội dung công tác dân vận và các mô hình dân vận khéo phù hợp với thực tiễn và gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, đưa phong trào thi đua “dân vận khéo” hoạt động chiều sâu, gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; nhân rộng những mô hình “dân vân khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong quá trình đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có tinh thần, thái độ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Huyện ủy đặc biệt quan tâm, tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo chức năng, nhiệm vụ, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với UBND các xã rà soát, tổng hợp trên cơ sở nhu cầu của nhân dân, thẩm định, trình cấp ủy, chính quyền các dự án, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất và tiềm năng, lợi thế của từng vùng, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, nhân dân hiểu, nhân dân làm và nhân dân thụ hưởng từ các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn. Nhờ vậy đến nay, tại 6 xã vùng cao của huyện, có 39,75% bản có đường ô tô đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,54% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không thiếu phòng học; 53,01% bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội đã gắn công tác dân vận với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và phát huy vai trò người có uy tín; coi trọng đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tham gia với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng chính sách liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Các đơn vị LLVT trong huyện đã gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn. Xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc. Trung tá Khúc Ngọc Thành, Chính trị viên Phó Ban CHQS huyện, cho hay: Công tác dân vận của đơn vị được gắn với nhiệm vụ tham mưu cho huyện công tác quốc phòng quân sự địa phương; tuyển gọi công dân nhập ngũ; quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ; giải quyết tốt chính sách sau chiến tranh, chính sách hậu phương quân đội và các chế độ chính sách về quốc phòng, an ninh. Từ năm 2021 đến nay, đã tham mưu cho huyện tổ chức 5 cuộc diễn tập chiến đấu trị an cấp xã; 2 cuộc diễn tập phòng chống bão lũ - tìm kiếm cứu nạn; 2 cuộc diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Tuyển 3 đợt với 370 tân binh nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu giao. Đồng thời, đăng ký và thực hiện mô hình dân vận khéo “Nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên tại Ban CHQS xã Phổng Lái”. Kết quả huấn luyện đạt từ loại khá trở lên.

Đưa phong trào đi vào chiều sâu

Đồng chí Nhữ Quang Hưng, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thuận Châu chia sẻ: Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát các mô hình dân vận không phù hợp, hiệu quả thấp để đưa ra khỏi danh sách và xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 64 mô hình dân vận điển hình của tập thể và cá nhân tiếp tục được nhân rộng, gồm 23 mô hình cấp cơ sở; 32 mô hình cấp huyện và 9 mô hình cấp tỉnh.

Hội CCB huyện giám sát mô hình dân vận khéo tại Hội CCB xã Phổng Lái.

Hội CCB huyện giám sát mô hình dân vận khéo tại Hội CCB xã Phổng Lái.

Xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể, thiết thực. Các mô hình dân vận khéo thuộc lĩnh vực kinh tế, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; tham gia các mô hình kinh tế tập thể, liên kết thành lập hợp tác xã; vận động nhân hiến đất, tham gia ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Mô hình dân vận khéo lĩnh vực xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, tạo thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền.

Nói về kết quả của mô hình “dân vận khéo” mà UBND xã đang thực hiện, ông Lò Tiến Văn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Bám, cho biết: Năm 2022, chúng tôi đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo với việc vận động 10 hộ dân bản Pá Chóng tham gia mô hình trồng dứa Queen, quy mô 9,6 ha vào tháng 7/2022. Đến tháng 6/2023 được thu hoạch, năng suất đạt 20 tấn quả/ha, được Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh Sơn La thu mua. Từ kết quả bước đầu, một số hộ dân các bản trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và mong muốn được đầu tư giống để trồng. Mô hình đã được công nhận mô hình dân vận khéo điển hình cấp huyện năm 2022. Năm nay, chúng tôi tiếp tục đăng ký thực hiện cấp tỉnh mô hình này, với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ việc phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân để thoát nghèo bền vững.

Trở thành công việc thường xuyên

Phong trào dân vận đã lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không chỉ có các mô hình của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện, mà còn có nhiều mô hình dân vận tự phát đã trở thành mô hình điển hình tiên tiến, tiêu biểu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chung sức xây dựng nông thôn mới; tạo cảnh quan bản, tiểu khu, xã, thị trấn sáng - xanh - sạch - đẹp... Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện hiểu thêm về ý nghĩa công tác dân vận nói chung và phong trào dân vận khéo nói riêng, được thể hiện trong việc chủ động, tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc.

Nhân dân xã Phổng Lái thu hoạch chè.

Nhân dân xã Phổng Lái thu hoạch chè.

Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, các địa phương trong huyện đã tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất. Đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được cứng hóa; 276/355 đường nội bản được đổ bê tông. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học trên địa bàn các xã đều đã được đầu tư xây dựng khang trang. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 30,96% (giảm 6,1% so năm 2021); hộ cận nghèo còn 16,2% (giảm trên 1,7% so năm 2021). 41/83 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 27/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Thuận Châu đã và đang trở thành công việc thường ngày, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh từ vùng thấp đến vùng cao, góp phần cùng huyện tự tin thoát nghèo đúng kế hoạch vào năm 2025. (Hết)

Hồng Luận, Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/dan-van-kheo-thi-viec-gi-cung-thanh-cong-ky-ii-ngay-cang-thiet-thuc-gan-bo-voi-doi-song-nhan-dan-qzd4c164g.html
Zalo