Dân vận khéo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh Kon Tum

Công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua 'Dân vận khéo' là 'chìa khóa' để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thúc đẩy an sinh xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Kon Tum đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng 'gần dân, sát dân, lắng nghe dân' để có hướng giải quyết phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Kon Tum ngày càng phát triển bền vững.

Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm về phía Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên 9.689,61 km2. Gồm 28 thành phần các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Ngoài ra còn có các thành phần dân tộc khác di cư đến sinh sống rải rác trên địa bàn các huyện, thành phố cùng với các dân tộc tại chỗ của tỉnh tạo thành cộng đồng dân tộc thiểu số đa dạng về văn hóa, phong phú về thành phần dân tộc, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Thực hiện việc chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu- giai đoạn 2021 - 2025”, Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; ban hành các văn bản về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và kế hoạch phát động phong trào thi đua.

Ban Dân vận Tỉnh ủy, khối Dân vận các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, tạo điều kiện về nguồn lực để triển khai xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tổ chức đăng ký, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và nhân rộng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, Kon Tum đã xây dựng được gần 2.800 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị; văn hóa - xã hội; kinh tế; an ninh, quốc phòng. Các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào việc khéo vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng các dự án; xây dựng, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, hội quần chúng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư... Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã để lại dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của Nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh, huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Các phong trào thi đua: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật”; “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ”; “Giúp nhau phát triển kinh tế”; “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”… được vận động, đẩy mạnh thực hiện khắp các cơ sở đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Đối với lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Kon Tum đã chọn công tác dân vận chính quyền làm nhiệm vụ đột phá, trọng tâm gắn với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Trong 3 năm qua (2021 - 2023), người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức gần 1,2 ngàn lượt hội nghị đối thoại, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có 7 hội nghị đối thoại trực tiếp với hơn 1.200 lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội đồng tình, quan tâm, giải quyết những vấn đề người dân bức xúc.

Ảnh minh họa: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024

Ảnh minh họa: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024

Công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực sự đi vào đời sống xã hội, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia. Qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, huy động được các lực lượng, nguồn lực nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ (2020 - 2025).

Phong trào “Dân vận khéo” Kon Tum được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực: Trong xây dựng hệ thống chính trị; vận động góp sức xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo… phong trào được các địa phương, đơn vị triển khai theo cách thức phù hợp tình hình thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua 3 năm (2021 - 2023) Kon Tum có 290 mô hình đăng ký “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hôi, xây dựng Đảng và chính quyền. Bằng nhiều hình thức “Dân vận khéo” đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân lao động và Nhân dân đồng thuận đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường, tự tháo dỡ bờ tường, cổng rào để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật quy tiền hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Kon Tum tiếp tục phát huy phong trào “Dân vận khéo”, thực hiện tốt công tác dân vận trong hệ thống chính trị, vận động các nguồn lực thực hiện các công trình, phần việc, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng những mô hình học và làm theo Bác, để tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Kon Tum đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với chủ đề công tác từng năm của địa phương.

Đặc biệt, các mô hình, điển hình dân vận khéo được nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tăng sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, nhất là giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng nông thôn mới, thay đổi nếp nghĩ cách làm, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang cây cà phê vối, cao su ở các xã phía Nam và Tây Nam của tỉnh; phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh (cà phê chè), cây dược liệu ở các huyện phía Bắc, Đông Bắc của tỉnh.

Bằng những nỗ lực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong năm 2023, Kon Tum đã trồng 11.862,8 ha cao su, 15.827,9 ha cà phê, 9.402,6 ha cây ăn quả, 2.364 ha mắc ca, 33,4 ha sâm Ngọc Linh, 1.753,9 ha hồng đẳng sâm và 251 ha ao nuôi thủy sản. Chăn nuôi tiếp tục ổn định, tổng đàn gia súc 356.313 con. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Kon Tum có 25 xã đạt nông thôn mới; bình quân đạt 8,8 tiêu chí nông thôn mới/xã; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới trên địa bàn tỉnh đạt 99,03% và tỷ lệ số thôn, làng có điện lưới quốc gia khoảng 99,44% (còn 5 thôn chưa có điện); 98% xã có đường giao thông được cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm, 57% đường thôn xóm được cứng hóa; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được tập trung đầu tư, hoàn thiện; về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 61 sản phẩm của 27 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy; những phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp dần dần được loại bỏ. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô trường lớp được nâng cấp. Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân được quan tâm. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh ngày càng được tăng cường củng cố vững chắc. Có thể khẳng định, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần tạo ra những tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn, giải quyết các xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum cần đề ra một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất ở các thôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khuyến khích và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ba là, thực hiện có hiệu quả “Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 23/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI “về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 - 2025”. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh những vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trước mắt cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp đảm bảo yêu cầu dạy và học; thực hiện tốt các giải pháp để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số” . Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, đầu tư hoàn thiện các trạm y tế xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn, phát triển y tế dự phòng; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường công tác tuyên truyền để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả công tác sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản, bản sắc văn hóa, ngành nghề truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, để nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện và chính sách dân tộc các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Chăm lo sinh kế và đời sống, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với việc lợi dụng vấn đề dân tộc thực hiện âm mưu chống phá của các tổ chức, đối tượng phản động, thù địch, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

TRẦN CAO ANH - Thạc sĩ, Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/dan-van-kheo-gop-phan-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-cac-dan-toc-o-tinh-kon-tum-59437.html
Zalo