Đạn uranium nghèo được sản xuất sát Nga
Ba Lan tuyên bố sẵn sàng trở thành nơi sản xuất đạn uranium nghèo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách khi cần thiết.
Trong tuyên bố hôm 12/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định, nước này muốn thành lập một trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất cùng một số xe tăng chủ lực của phương Tây.
Đặc biệt, ông Mateusz Morawiecki còn khẳng định, nước này sẵn sàng sản trở thành trung tâm sản xuất đạn uranium nghèo để trang bị cho những cỗ xe tăng nói trên.
"Chúng tôi đang cố gắng đưa Ba Lan trở thành nơi sản xuất đạn cho xe tăng Abrams và một số xe tăng khác của phương Tây, trong đó có đạn uranium nghèo, loại đạn tối tân nhất", Thủ tướng Morawiecki nói trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia Ba Lan.
Trước khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng sản xuất đạn uranium nghèo, Bộ Quốc phòng Anh cũng đã xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine loại đạn đặc biệt nguy hiểm này.
Những loại đạn như vậy từng được Mỹ phát triển trong Chiến tranh Lạnh để tiêu diệt xe tăng Liên Xô, bao gồm cả xe tăng T-72 mà Ukraine hiện đang phải đối mặt trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc ở miền Đông nước này.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium vốn cần thiết để tạo ra vũ khí hạt nhân. Về mặt hóa học, uranium nghèo là uranium có hàm lượng đồng vị phân hạch U-235 thấp hơn uranium tự nhiên.
Uranium tự nhiên chứa khoảng 0,72% U-235 tính theo trọng lượng, trong khi DU được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng chứa dưới 0,3% U-235, và trên thực tế, chỉ sử dụng DU chứa khoảng 0,2% U-235.
Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo vẫn là vật chất cực kỳ đặc - một yếu tố khiến nó trở thành một nguyên liệu mạnh mẽ trong chế tạo đạn dược.
Edward Geist, chuyên gia hạt nhân và nhà nghiên cứu chính sách của RAND (tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu) cho biết: "Nó quá đặc và có nhiều động lượng đến mức nó xuyên qua lớp giáp, và nóng lên đến mức đốt cháy mọi thứ và tạo ra một khu vực nhiễm phóng xạ.
Nhưng độ phóng xạ ở mức độ thấp của đạn uranium nghèo là một lỗi, chứ không phải là một tính năng của loại đạn này và nếu quân đội Mỹ có thể tìm thấy một vật liệu khác có cùng mật độ nhưng không có độ phóng xạ thì họ có thể sẽ sử dụng vật liệu đó để thay thế".
Vào những năm 1970, Mỹ bắt đầu chế tạo đạn xuyên giáp bằng uranium nghèo và từ đó đã bổ sung nó vào thành phần giáp xe tăng tổng hợp để tăng cường sức mạnh. Họ cũng đã bổ sung uranium nghèo vào các loại đạn được bắn bởi cường kích A-10, còn được gọi là sát thủ xe tăng.
Mỹ và NATO đã sử dụng các loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến tranh Bosnia, Serbia, cuộc chiến Vùng Vịnh năm 2003, và chiến dịch không kích khủng bố IS ở Syria.
Chuyên gia Edward Geist cho biết quân đội Mỹ vẫn đang phát triển các loại đạn uranium nghèo, đáng chú ý là đạn xuyên giáp M829A4 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams - dòng xe tăng đã được cung cấp cho Quân đội Ukraine.