Châu Âu 'sốc' trước tuyên bố về Greenland của ông Trump

Ngay sau những phát biểu gây sốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu hôm qua 8/1 đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này.

Chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của ông về hàng loạt vấn đề đối ngoại, từ các vấn đề Ukraine và chi tiêu quân sự của NATO cho đến ý định kiểm soát kênh đào Panama và đặc biệt là việc mua lại Greenland – một vùng lãnh thổ của Đan Mạch, thành viên của Liên minh châu Âu - đã khiến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ không khỏi lo ngại.

Ngay sau những phát biểu gây sốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu hôm qua 8/1 đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ủy ban châu Âu ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà Ủy ban châu Âu đang hướng tới. Bên cạnh đó, điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền mới tại Mỹ, hướng tới các mục tiêu chung và lợi ích chiến lược quan trọng. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anitta Hipper nhấn mạnh:

“Về nguyên tắc, đối với chúng tôi, chủ quyền của các quốc gia là điều cần phải được tôn trọng. Đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc chính mà chúng tôi đang thực hiện. Về phía chúng tôi, chúng tôi mong muốn được làm việc hướng tới một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền Mỹ tiếp theo, hướng tới các mục tiêu chung và các vấn đề có lợi ích chiến lược quan trọng”.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra bối rối trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ.

“Trong các cuộc thảo luận của tôi với các đối tác châu Âu, có một sự thiếu hiểu biết nhất định về các tuyên bố gần đây của Mỹ. Nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể quốc gia đó ở phía đông hay phía tây của chúng ta. Mọi quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc đó, bất kể quốc gia đó là một quốc gia nhỏ hay một quốc gia rất hùng mạnh. Đây là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và là thành phần cốt lõi của những gì chúng ta gọi là các giá trị phương Tây”.

Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cũng cho rằng Greenland là lãnh thổ châu Âu và không có chuyện Liên minh châu Âu để các quốc gia khác trên thế giới, bất kể họ là ai tấn công biên giới có chủ quyền của mình. Liên quan đến tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ, trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc kiểm soát Greenland không phải là một kế hoạch khả thi và sẽ không bao giờ xảy ra. vì vậy ông cho rằng không nên lãng phí thời gian để nói về vấn đề này

Về phía Đan Mạch, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ về cách hợp tác, thậm chí có thể chặt chẽ hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, ông loại trừ khả năng Greenland trở thành một phần của Mỹ.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hôm 7/1 vừa qua, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được quốc hội Mỹ xác thực việc đắc cử, trái với những phát biểu trong thời gian tranh cử vốn tập trung nhiều vào lĩnh vực đối nội, lần này, ông lại tập trung nhiều vào các vấn đề đối ngoại. Trong đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có nhắc đến việc sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland, mà theo ông, có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia Mỹ. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát Greenland. Tuy nhiên, Đan Mạch đã khẳng định Greenland không phải để bán.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-soc-truoc-tuyen-bo-ve-greenland-cua-ong-trump-post1147559.vov
Zalo