Dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp, đặt ra thách thức cho nền kinh tế

Ngày 17.1, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố số liệu cho thấy dân số nước này đã giảm trong năm 2024, năm thứ ba liên tiếp. Điều này chỉ ra những thách thức nhân khẩu học đối với quốc gia đông dân thứ hai thế giới, nơi hiện đang phải đối mặt với cả tình trạng dân số già hóa và thiếu hụt người trong độ tuổi lao động.

Theo NBS, dân số Trung Quốc đạt mức 1,408 tỷ người vào cuối năm 2024, giảm 1,39 triệu người so với năm trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận dân số giảm.

 Ảnh: AP

Ảnh: AP

Theo NBS, tổng số ca sinh năm ngoái là 9,54 triệu, cao hơn chút so với con số 9,02 triệu vào năm 2023. Tỷ lệ sinh năm 2024 tăng lên 6,77 ca trên 1.000 người, so với 6,39 trên 1.000 người vào năm 2023. Trong khi đó, số ca tử vong giảm từ mức 11,1 triệu vào năm 2023 xuống 10,93 triệu vào năm 2024.

Các nhà nhân khẩu học cho biết tỷ lệ kết hôn tăng 12,4% vào năm 2023, trong đó nhiều cuộc hôn nhân bị hoãn do đại dịch Covid-19 - là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh tăng trở lại vào năm 2024. Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ giảm trở lại vào năm 2025.

Nguyên nhân do đâu?

Những con số do Chính phủ Bắc Kinh công bố tuân theo xu hướng trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt là ở Đông Á, nơi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đã chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm trong những thập niên qua do nhiều nguyên nhân. Trong đó, giống như các nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến những người trẻ trì hoãn hoặc ngại ngần việc kết hôn và sinh con. Thay vào đó, họ theo đuổi giáo dục đại học, sau đại học và theo đuổi sự nghiệp lâu hơn. Trong khi tiến bộ khoa học khiến con người có tuổi thọ cao hơn, điều đó không đủ để theo kịp tỷ lệ sinh mới. Bên cạnh đó, các nhà nhân khẩu học cho rằng sự phân biệt giới tính và quan niệm truyền thống đối với phụ nữ cũng là những nguyên nhân khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Trung Quốc từ lâu đã là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, trải qua các cuộc chiến tranh, thiên tai địch họa, nhưng vẫn duy trì một dân số phát triển mạnh nhờ hoạt động nông nghiệp phát triển. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, các gia đình đông con đã xuất hiện trở lại và dân số tăng gấp đôi chỉ trong 3 thập kỷ.

Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc và nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông qua đời, các giới chức lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu lo ngại rằng dân số của đất nước đang vượt quá khả năng tự nuôi sống của chính mình và bắt đầu thực hiện "chính sách một con".

Nông thôn Trung Quốc, nơi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ bám rễ mạnh mẽ và vì chính sách một con đã dẫn đến nạn phá thai có chọn lọc đối với trẻ em gái. Đó là yếu tố lớn nhất dẫn đến tỷ lệ giới tính mất cân bằng ở Trung Quốc, với hàng triệu bé trai được sinh ra trên mỗi 100 bé gái, làm gia tăng nguy cơ độc thân của giới nam thanh niên Trung Quốc hiện nay. Báo cáo 17.1 cũng chỉ ra tình trạng mất cân bằng giới tính là 104,34 nam cho mỗi 100 phụ nữ, mặc dù các nhóm độc lập đưa ra sự mất cân bằng cao hơn đáng kể.

Áp lực lên các hệ thống

Điều đáng lo ngại hơn đối với chính phủ là tỷ lệ sinh giảm mạnh, với tổng dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ vào năm 2023 và Trung Quốc bị Ấn Độ vượt qua một cách sít sao để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong cùng năm. Dân số già hóa nhanh chóng, lực lượng lao động suy giảm, thiếu thị trường tiêu dùng và di cư ra nước ngoài đang gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống.

Trong khi chi tiêu cho quân đội và các dự án cơ sở hạ tầng hào nhoáng tiếp tục tăng, hệ thống an sinh xã hội vốn đã mong manh của Trung Quốc lại đang chao đảo khi ngày càng nhiều người Trung Quốc từ chối đóng tiền vào hệ thống lương hưu.

Hiện tại, hơn 20% dân số đã ở độ tuổi 60 trở lên, với con số chính thức được đưa ra là 310,3 triệu người hoặc 22% tổng dân số. Đến năm 2035, con số này dự kiến sẽ vượt quá 30%, làm dấy lên cuộc thảo luận về việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu chính thức, một trong những độ tuổi thấp nhất trên thế giới. Với số lượng học sinh ít hơn, một số trường học và nhà trẻ bỏ trống trong khi đó đang được chuyển đổi thành các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Những diễn biến như vậy đang phần nào chứng minh cho câu nói rằng Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn, nghĩa là họ có nguy cơ “già đi trước khi giàu lên”.

Để giải quyết vấn nạn trên, gần đây Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, chẳng hạn thưởng tiền mặt cho những cặp vợ chồng sinh con thứ ba và hỗ trợ tài chính về chi phí nhà ở. Tuy nhiên, những chính này chỉ có tác dụng tạm thời.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục quá trình chuyển đổi sang xã hội đô thị, với 10 triệu người chuyển đến các thành phố, đạt tỷ lệ đô thị hóa là 67%, tăng gần một phần trăm so với năm trước.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dan-so-trung-quoc-giam-nam-thu-ba-lien-tiep-dat-ra-thach-thuc-cho-nen-kinh-te-post402403.html
Zalo