Dân số Nhật Bản giảm kỷ lục: hồi chuông cảnh báo từ cuộc khủng hoảng già hóa
Dân số Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh, chạm mức thấp kỷ lục mới – một thực trạng đáng báo động không chỉ về mặt xã hội mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và cơ cấu lao động của đất nước này.

Nhật Bản đối mặt với dân số giảm kỷ lục. (ẢNh: NHK)
Theo số liệu được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 14/4, tính đến tháng 10/2024, dân số nước này đã giảm xuống còn 120,3 triệu người, tương đương mức sụt giảm kỷ lục 898.000 người so với năm trước đó – con số lớn nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu có dữ liệu thống kê dân số so sánh vào năm 1950.
Tổng dân số Nhật Bản, bao gồm cả người nước ngoài cư trú, hiện vào khoảng 123,8 triệu người, giảm thêm 550.000 người so với năm 2023. Đây là năm thứ 14 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận xu hướng sụt giảm dân số – một hệ quả trực tiếp của tỷ lệ sinh thấp kéo dài trong nhiều thập kỷ và tình trạng già hóa nhanh chóng.
Đặc biệt, nhóm trẻ em dưới 14 tuổi chỉ còn 13,83 triệu người, giảm 343.000 người, chiếm 11,2% tổng dân số – mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, dân số trên 65 tuổi tiếp tục tăng, đạt 36,24 triệu người, chiếm 29,3%, mức cao kỷ lục và dự kiến sẽ lên đến 35,3% vào năm 2040, theo dự báo của Viện Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản.
Đáng chú ý, lực lượng lao động từ 15 đến 64 tuổi cũng giảm 224.000 người, xuống còn 73,73 triệu người, chỉ chiếm 59,6% dân số – mức thấp khiến thị trường lao động Nhật Bản ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.
Tuổi thọ trung bình tại Nhật Bản hiện thuộc hàng cao nhất thế giới, với phụ nữ sống tới 87,45 năm và đàn ông trung bình 81,41 năm. Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen vận động thường xuyên và môi trường sống sạch là những yếu tố chính giúp người dân Nhật Bản sống thọ. Tuy nhiên, trong khi tuổi thọ kéo dài, tỷ lệ sinh lại liên tục suy giảm, gây mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu dân số.
Trước tình trạng khủng hoảng dân số già và thiếu hụt lao động trầm trọng, chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con, bao gồm các chương trình trợ cấp, hỗ trợ tài chính cho gia đình trẻ và cải thiện điều kiện sống cho người dân đô thị. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nỗ lực này vẫn chưa đủ mạnh, và cần có giải pháp toàn diện, bao gồm cả cải cách nhập cư, thay đổi tư duy xã hội và đầu tư nhiều hơn vào phúc lợi trẻ em.
Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang đứng trước ngã rẽ nhân khẩu học quan trọng. Nếu không có những chính sách đột phá và kịp thời, quốc gia này có thể đối mặt với những hệ lụy lâu dài, không chỉ về mặt kinh tế mà còn là sự thay đổi căn bản trong cấu trúc xã hội.