Dân nhập cư giảm mạnh: TP.HCM tạo lực hút mới cho lao động ngoại tỉnh

Lần đầu tiên TP.HCM không còn là 'miền đất hứa' của dân nhập cư khi năm 2023 chỉ có khoảng 65.000 người đến lập nghiệp, giảm gần một nửa so với những năm trước. Lãnh đạo thành phố cho biết đã dự liệu, tính toán để chấp nhận sự thoái trào này và đang nỗ lực tạo ra các lực hút mới.

UBND TP.HCM ngày 10.3 đã có văn bản gửi một số đơn vị trực thuộc liên quan đến báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Lao động di cư trong nước đến TP.HCM (giai đoạn 2019 - 2022): Thực trạng và giải pháp” của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.

Tìm cách giữ chân lao động di cư

Để các đề xuất, kiến nghị được triển khai kịp thời, có hiệu quả, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo:

- Giao Sở Nội vụ tăng cường kết nối cung - cầu lao động với đa dạng hình thức, tạo điều kiện cho người lao động thuận lợi tiếp cận thông tin; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật lao động, an toàn - vệ sinh lao động, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu triển khai các mô hình hợp tác đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp theo nhu cầu xã hội, tổ chức các chương trình đào tạo miễn phí.

- Giao Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, đảm bảo kết nối giao thông và dịch vụ cơ bản; nghiên cứu chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ nâng cấp nhà trọ đạt chuẩn; đề xuất các gói tín dụng ưu đãi cho vay mua nhà, thuê nhà ở.

- Giao Sở Y tế nghiên cứu đề xuất cải thiện dịch vụ y tế, triển khai các chương trình khám sức khỏe định kỳ miễn phí tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và nơi tập trung đông lao động di cư; thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại các khu dân cư đông lao động di cư, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong các gia đình lao động di cư.

Nhiều khu trọ ở quận Bình Tân từng được gọi là “thủ phủ nhà trọ” giờ đìu hiu. Năm 2023 số người tạm trú ở quận này giảm hơn 105.660 người so với năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều khu trọ ở quận Bình Tân từng được gọi là “thủ phủ nhà trọ” giờ đìu hiu. Năm 2023 số người tạm trú ở quận này giảm hơn 105.660 người so với năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng

- Giao Công an thành phố nghiên cứu đề xuất kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giúp theo dõi, quản lý lao động di cư và kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội khi cần thiết.

- Giao Bảo hiểm xã hội thành phố nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; đa dạng hình thức tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc liên quan đến hồ sơ thủ tục; thiết lập các điểm đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các khu vực tập trung đông lao động di cư.

- Giao UBND quận, huyện; thành phố Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tại địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền và nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ của người lao động di cư trong thực thi pháp luật; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, hỗ trợ kết nối cộng đồng, giúp họ hòa nhập và ổn định cuộc sống.

“Đề nghị các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung vượt thẩm quyền thì tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM xem xét theo quy định”, văn bản cho biết.

Không thể một ngày vắng bóng dân nhập cư

Theo số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, số người nhập cư đến TP.HCM giảm liên tiếp trong hai năm 2022 - 2023. Năm 2023 cũng là lần đầu tiên tỷ lệ phát triển dân số cơ học là 0,68%, thấp hơn tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 0,74%. Từ suốt các năm 2015 - 2021, tỷ lệ phát triển dân số cơ học ở thành phố đều cao hơn tự nhiên, có năm gấp hơn 2 lần. Trung bình mỗi năm, TP.HCM đón nhận 170.000 - 180.000 người nhập cư, bổ sung nguồn nhân lực cho thành phố. Nhưng năm 2023 số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định TP.HCM không thể một ngày vắng bóng người nhập cư. Họ đến đây tìm cơ hội cho chính mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Hiện lực hút ở TP.HCM tuy có giảm nhưng chỉ với một số nhóm nhất định, không phải tất cả. Lực hút giảm rõ nhất đối với công nhân làm việc ở các nhà máy thâm dụng lao động, người làm một số công việc tự do, bấp bênh, thu nhập không ổn định, không kham nổi chi phí ở thành phố nên họ phải rời đi.

Với nhóm rời đi là công nhân làm việc tại các nhà máy thâm dụng lao động thì cũng không phải bất thường nếu đặt trong xu thế phát triển. Nhìn vào quá trình dịch chuyển các ngành công nghiệp trên thế giới sẽ thấy đến một thời điểm nhất định, các công đoạn thâm dụng lao động sẽ rời các đô thị hoặc đất nước để nhường chỗ cho các ngành công nghệ, kỹ thuật cao. TP.HCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

“Thành phố đã dự liệu, tính toán để chấp nhận sự thoái trào này và đang nỗ lực tạo các lực hút mới từ các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, dịch vụ, du lịch, tài chính, đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới với các nhóm ngành mới mà người lao động chỉ có thể tìm thấy cơ hội phát triển tốt nhất ở đây”, bà Thúy cho biết.

(*) Lược trích từ nhiệm vụ nghiên cứu cấp thành phố “Lao động di cư trong nước đến TP.HCM (giai đoạn 2019 - 2022): Thực trạng và giải pháp”. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các niên giám thống kê; số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, Công an TP.HCM và khảo sát 1.200 lao động ngoại tỉnh.

(*) Lược trích từ nhiệm vụ nghiên cứu cấp thành phố “Lao động di cư trong nước đến TP.HCM (giai đoạn 2019 - 2022): Thực trạng và giải pháp”. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các niên giám thống kê; số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, Công an TP.HCM và khảo sát 1.200 lao động ngoại tỉnh.

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu) cho biết tỷ suất nhập cư của TP.HCM 5 năm gần đây có xu hướng sụt giảm mạnh, đặc biệt sau dịch Covid-19 năm 2021: năm 2019 là 15,8‰; năm 2020 là 21,9‰, năm 2021 là 25,4‰, năm 2022 là 10,9‰, năm 2023 sơ bộ là 10,6‰. Trong đó, tỷ suất nhập cư của nam giới cao hơn nữ giới 0,8 - 4,9‰, trái ngược với trước dịch Covid-19, tỷ suất nhập cư của nữ cao hơn nam 0,9‰.

Số liệu phản ánh nữ giới có xu hướng không di cư nhiều như trước khi dịch bệnh xảy ra. Hơn nữa, giảm tỷ suất nhập cư cũng phản ánh biến động giảm số lượng lao động quay lại thị trường lao động TP.HCM so với trước đại dịch. Nghiên cứu cho thấy dòng di cư đến TP.HCM theo hướng từ đô thị đến đô thị chiếm ưu thế. Từ nông thôn đến đô thị vẫn có nhưng giảm hơn trước. Điều này cho thấy xu hướng lao động di cư có chiều hướng khởi sắc hơn về chất lượng.

Theo bà Hương, khi lý giải số lượng lao động ngoại tỉnh tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2022 giảm so với trước, cần nhìn lại bối cảnh đại dịch Covid-19. TP.HCM chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh: hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp. Hàng ngàn lao động đã rời khỏi thị trường. Người lao động ngoại tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy họ có xu hướng hưởng trợ cấp từ bảo hiểm xã hội (trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp một lần) để trang trải cuộc sống hoặc chọn phương án về quê vì lý do sức khỏe, chi phí sinh hoạt và các vấn đề liên quan khác. Một số tỉnh thu hút mạnh lao động di cư trước đây đều rơi vào tình trạng tương tự.

“Hiện nay các tỉnh cũng mở nhiều khu công nghiệp, dịch chuyển lao động về các địa phương khác là tất yếu, thậm chí có cả những lao động di cư ngược từ TP.HCM về các tỉnh như Long An, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Nam…”, bà Hương cho biết.

Để “miền đất hứa” tiếp tục hấp dẫn

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nhận định từ nay đến năm 2030, tỷ suất sinh không giải quyết được vấn đề lao động nên nguồn nhân lực cho thành phố vẫn đến từ bên ngoài, tức phải dựa vào người nhập cư. Thành phố muốn tăng trưởng phải có doanh nghiệp và người lao động. Thành phố đã và đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở những nhóm ngành trọng điểm, công nghệ cao đến đầu tư, phát triển. Chính doanh nghiệp với các vị trí công việc hấp dẫn, thu nhập cao, phúc lợi tốt sẽ thu hút được người lao động.

Đối với người lao động, thành phố có chiến lược giữ chân và thu hút mới. Chẳng hạn như với người lao động mất việc, nếu họ vẫn muốn ở lại thành phố, sẽ có chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi nghề, tự tạo việc làm... Hệ thống trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẵn sàng đào tạo nghề cho nhóm lao động muốn chuyển đổi từ công nghiệp sản xuất sang nhóm ngành dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, nhà hàng - khách sạn, du lịch... Bên cạnh đó, thành phố nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, tạo ra dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa tốt hơn... Tổng hòa nhiều yếu tố, thành phố sẽ vẫn là nơi người di cư chọn đến.

“Bất kỳ người di cư nào từ chuyên gia đầu ngành hay đến anh giao hàng, làm công việc giản đơn chọn thành phố để dừng chân mưu sinh, tìm kiếm việc làm chân chính, chúng tôi đều ghi nhận và hoan nghênh. Thành phố đang tạo ra các động lực tăng trưởng mới, thu hút nhóm lao động mới nhưng không có nghĩa không cần lao động giản đơn. Nhìn sang Nhật Bản, đất nước phát triển hàng đầu thế giới vẫn cần người di cư từ các nước để làm các công việc tay chân, phổ thông. Do đó, quan điểm của thành phố là hoan nghênh mọi thành phần lao động đến nếu nơi đây vẫn đáp ứng cơ hội việc làm, thu nhập tốt”, bà Thúy nói.

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết qua biến động dòng di cư ở TP.HCM những năm 2019 - 2022 cho thấy tác động rõ trong cơ cấu lao động việc làm từ các yếu tố như đại dịch Covid-19; quá trình chuyển đổi số và sự phát triển kinh tế của các địa phương nói chung và TP.HCM nói riêng. Bối cảnh phát triển kinh tế sau đại dịch tác động đến thị trường lao động TP.HCM rất mạnh. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khủng hoảng lao động việc làm, thu nhập, tâm lý và nhiều tác động kép khác cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh. Đồng thời, trải qua thời gian dịch bệnh cũng đã lý giải, phơi bày rõ hơn do tính dễ bị tổn thương và sự linh hoạt của lao động ở khu vực phi chính thức.

TP.HCM sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp định hướng phát triển bền vững, hạn chế các dự án có nguy cơ ô nhiễm và thâm dụng lao động phổ thông. Ảnh: Nhật Thịnh

TP.HCM sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp định hướng phát triển bền vững, hạn chế các dự án có nguy cơ ô nhiễm và thâm dụng lao động phổ thông. Ảnh: Nhật Thịnh

Hầu hết lao động ngoại tỉnh tham gia thị trường lao động ở khu vực phi chính thức có công việc không ổn định, bấp bênh, không có hợp đồng lao động và các chế độ bảo đảm an sinh xã hội. Họ hầu hết là lao động trẻ nên có thể làm việc với thời gian vượt quy định của Bộ Luật Lao động, đồng nghĩa với việc “bán sức lao động” trong giai đoạn tuổi thanh xuân của mình để có thu nhập lo cho tương lai, gia đình, con cái… Đổi lại là sức khỏe tuổi già, tuổi thọ không đảm bảo, bệnh nghề nghiệp và những nguy hại, rủi ro lao động có thể xảy ra nhưng không có “lưới an sinh” dự phòng. Ngoài ra, người lao động ngoại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về mua và sử dụng bảo hiểm y tế tại thành phố; khó khăn làm sổ tạm trú; nhiều người lao động di cư có việc làm, thu nhập không ổn định, nơi cư trú thay đổi liên tục...

TP.HCM hiện có khuynh hướng ưu tiên lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. “Do đó, sự chuyển dịch lao động phi chính thức sang các lĩnh vực dịch vụ và sự chuyển dịch lao động ngoại tỉnh về các địa phương như là sự “thanh lọc” và tái cơ cấu lại thị trường lao động cho phù hợp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật cung - cầu của thị trường lao động”, bà Hương nhận định.

Ngày 20.3, UBND TP.HCM ban hành “Kế hoạch triển khai Chiến lược Lao động và Việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, TP.HCM thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp định hướng phát triển bền vững (ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Hạn chế các dự án có nguy cơ ô nhiễm và thâm dụng lao động. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Tạo điều kiện hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài…).

TP.HCM hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc: xây dựng các mô hình đào tạo nghề miễn phí và các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động nhập cư; xây dựng các cơ chế và giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp và người dân nhập cư…

Hoàng Khải - Phạm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dan-nhap-cu-giam-manh-tp-hcm-tao-luc-hut-moi-cho-lao-dong-ngoai-tinh-47623.html
Zalo