Dân bản lập tổ tuần tra, canh gác để bảo vệ loài cá đặc sản
Trước tình trạng săn bắt ồ ạt khiến cá mát dần biến mất, nhiều bản ở xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã đề ra quy định nghiêm ngặt, lập tổ tuần tra để bảo vệ loài cá đặc sản này.
Video dân bản ở Nghệ An lập tổ tuần tra canh gác để bảo vệ cá mát đặc sản.

Tại xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An), các tổ tuần tra của dân bản đã được lập nên để canh gác, bảo tồn loài cá mát đặc sản trong suốt nhiều năm qua. Mô hình bảo tồn cá mát đã góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tận diệt loài cá đặc biệt này và được người dân ủng hộ.

Cá mát sinh sống ở sông, suối đầu nguồn theo bầy đàn và được xem là đặc sản của người dân vùng cao. Bề ngoài cá mát trông giống cá trôi, phần vảy có màu ánh bạc pha lẫn xanh, vàng và óng ánh dưới nắng. Tại vùng cao Nghệ An, cá mát thường được bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng số lượng rất ít.

Nhu cầu lớn, giá cả đắt đỏ đã khiến loài cá này trở thành mục tiêu săn bắt của người dân với nhiều hình thức từ bẫy, thả lưới, kích điện thậm chí là đánh mìn.

Theo đó, từ năm 2018, chính quyền xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) bắt đầu triển khai việc bảo tồn các loài cá có giá trị, trong đó có cá mát. Nhiều bản đã lập ra quy định bảo vệ cá mát và đưa vào hương ước để thực hiện nghiêm.

5 khu vực suối chảy qua các bản trong xã (mỗi khu vực từ 800 - 1.000m) được khoanh vùng cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức. Ngoài các khu vực này, người dân vẫn được đánh bắt, nhưng chỉ sử dụng phương pháp thủ công chài, lưới.

Ông Hà Văn Nghệ - Trưởng bản Văng Môn (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) cho biết, suối Chà Lạp chảy qua bản Văng Môn dài 5km. Để bảo vệ cá, bản đã khoanh vùng 1km suối ở trung tâm làm khu vực cấm đánh bắt cá mát. Các tổ tuần tra được lập ra và thay phiên nhau canh gác.


“Đánh bắt cá là nghề mưu sinh của nhiều người nên nếu cấm hết thì không ổn. Do đó chúng tôi chỉ khoanh vùng 1km khu vực trung tâm để làm nơi cho những đàn cá sinh sản, nhân giống. Đàn cá phát triển nhanh, bơi ra khỏi vùng cấm, người dân đánh bắt được nhiều nên cũng tự giác bảo vệ cá mà không cần phải nhắc nhở, tuần tra thường xuyên như trước nữa”, ông Nghệ lý giải.

Mỗi năm bản Văng Môn tổ chức đánh bắt cá mát ở khu vực cấm 3 lần. Số cá đánh bắt được phần lớn bán lấy tiền để làm quỹ chung của bản.

Riêng ngày hội Đại đoàn kết, cá được giữ lại để dân bản mở tiệc, chung vui.

Tiền bán cá mát mỗi năm của bản Văng Môn thu được khoảng 50-60 triệu đồng.



“Nhờ bán cá mát, chúng tôi có tiền để chi trả tiền điện thắp sáng đường, nên người dân không phải đóng góp như trước nữa. Ngoài ra, mỗi năm chúng tôi còn trích một phần để mua sắm đồ dùng chung của bản, thăm và hỗ trợ người già ốm đau, khó khăn…” - ông Nghệ nói.