Doanh nghiệp khốn đốn vì thông báo ngừng sử dụng hóa đơn của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang
Đã qua 2,5 năm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Anh Đảo Ngọc bị 'đứng hình', gây thiệt hại lớn. Hợp đồng với đối tác tại Phú Quốc lên đến 955 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thực hiện được khoảng 15% và đến nay không thể tiếp tục thực hiện. Ông Sự cho biết đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế Kiên Giang cho xuất hóa đơn điện tử nhưng đều bị từ chối.
Báo CAND nhận được đơn phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Anh Đảo Ngọc (địa chỉ: tổ 1, ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang (nay là Chi cục Thuế khu vực XX) có Thông báo số 1385/TB–CTKGI ký ngày 2/11/2022 về việc ngừng sử dụng hóa đơn của công ty với lý do thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế. Hơn 2 năm rưỡi bị ngưng sử dụng hóa đơn đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty gần như “đứng hình”, gặp rất nhiều khó khăn.

Công trình mà Công ty Nam Anh Đảo Ngọc thi công cho đối tác tại Phú Quốc đã tạm dừng từ khi có thông báo ngưng sử dụng hóa đơn của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đối với Công ty Nam Anh Đảo Ngọc.
Ông Nguyễn Công Sự, đại diện pháp luật của Công ty Nam Anh Đảo Ngọc cho biết, vào năm 2020, công ty ký hợp đồng san lấp mặt bằng với đối tác tại TP Phú Quốc, tổng giá trị hợp đồng tương đương 955 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng và Dịch vụ Hoàng Long (gọi tắt là Công ty Hoàng Long) để san lấp cho đối tác tại Phú Quốc. Tính đến tháng 10/2022, Công ty Nam Anh Đảo Ngọc đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các pháp nhân của đối tác tại Phú Quốc với khối lượng cát san lấp là 450.000m3, tương đương trên 155,7 tỷ đồng, đã bao gồm 10% thuế VAT. Hóa đơn đầu vào do Công ty Hoàng Long xuất với khối lượng tương đương. Công ty Hoàng Long đã khai báo thuế đầy đủ 450.000m3 cát san lấp với Chi cục Thuế khu vực Việt Yên – Hiệp Hòa thuộc Cục Thuế tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, tháng 11/2022, Công ty Nam Anh Đảo Ngọc nhận được thông báo của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang về việc ngừng sử dụng hóa đơn của công ty với lý do thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế.
Ông Sự cho biết, lý do để Cục Thuế tỉnh Kiên Giang ra thông báo ngưng sử dụng hóa đơn đối với công ty là vì thời điểm dịch COVID-19, do khó khăn về nhân sự và phòng, chống dịch nên tại trụ sở của công ty ở tổ 5, khu phố 7, đường Trần Hưng Đạo, phường Dương Đông, TP Phú Quốc hoạt động cầm chừng, có thời gian không có người mở cửa hoạt động. Công ty sau đó đã đăng ký thay đổi địa điểm tại tổ 1, ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc và hoạt động bình thường cho đến nay. “Cục Thuế tỉnh Kiên Giang cho rằng quá trình kiểm tra, công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan thuế không liên hệ được với đại diện pháp luật của công ty. Thế nhưng, phía công ty không nhận được bất kỳ giấy tờ hoặc thông báo điện tử nào từ Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đến người đại diện pháp luật của công ty”, ông Sự trình bày.
Đã qua 2,5 năm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của công ty bị “đứng hình”, gây thiệt hại lớn. Hợp đồng với đối tác tại Phú Quốc lên đến 955 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thực hiện được khoảng 15% và đến nay không thể tiếp tục thực hiện. Ông Sự cho biết đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế Kiên Giang cho xuất hóa đơn điện tử nhưng đều bị từ chối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đã gửi các văn bản đề nghị xác minh đối với hoạt động của Công ty Nam Anh Đảo Ngọc đến các cơ quan chức năng. Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Công an tỉnh Kiên Giang sau khi làm việc với đại diện pháp luật của Công ty Nam Anh Đảo Ngọc và xác minh tại Chi cục Thuế khu vực Việt Yên – Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cùng đối tác của Công ty Nam Anh Đảo Ngọc tại Phú Quốc, đã có thông báo đến Cục Thuế tỉnh Kiên Giang với nội dung: “Công ty Nam Anh Đảo Ngọc đã hạch toán trên sổ sách kế toán, xuất hóa đơn điện tử, kê khai, báo cáo tài chính số lượng hàng hóa mua vào, bán ra đầy đủ theo đúng quy định phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, quyết toán thuế phát sinh trên báo cáo tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, chưa đủ căn cứ kết luận Công ty Nam Anh Đảo Ngọc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội trốn thuế”.
Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi UBND TP Phú Quốc về việc cung cấp, thông tin tài liệu. Tháng 6/2024, UBND TP Phú Quốc có văn bản trả lời, thể hiện liên quan đến quá trình thực hiện nạo vét, tận thu, khơi thông dòng chảy rạch Cửa Lấp, xã Dương Tơ do Công ty Nam Anh Đảo Ngọc thực hiện. Cụ thể, vào khoảng tháng 8/2019, Phú Quốc xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền gây ngập cục bộ, trong đó có khu vực Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, ảnh hưởng đến nguy cơ hạ/cất cánh, uy hiếp an toàn hoạt động bay. UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) chỉ đạo các đơn vị chức năng khảo sát, báo cáo đã thống nhất cho phép Công ty Nam Anh Đảo Ngọc tiến hành nạo vét rạch Cửa Lấp và đề nghị UBND xã Dương Tơ tạo điều kiện cho mượn hơn 5.000m2 đất để tập kết sản phẩm nạo vét. Quá trình nạo vét diễn ra từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020. Do quá trình nạo vét gồm bùn, cát, sỏi nhỏ, lá cây lâu năm lẫn lộn nên không xác định được khối lượng nạo vét. Qua kiểm tra, sản phẩm nạo vét vẫn đang tập kết tại khu vực sân bay.
Áp dụng các trường hợp được miễn, giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Luật Thuế Tài nguyên và Nghị định số 50/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Tài nguyên: “Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều. Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định”.
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi ông Đàm Mạnh Hùng, Chi cục phó cùng lãnh đạo Văn phòng, Phòng Kiểm tra – Thanh tra của Chi cục Thuế khu vực XX. Ông Đàm Mạnh Hùng nhiều lần nhắc đến việc ngành Thuế không có chức năng điều tra, chỉ có yêu cầu, đề nghị doanh nghiệp giải trình. Đồng thời, ông Hùng cho biết, việc khai thác, tận thu cát ở khu vực sân bay Phú Quốc là “nhạy cảm”. Văn bản của UBND TP Phú Quốc gửi Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Công an tỉnh Kiên Giang và Cục Thuế Kiên Giang chưa chắc đúng. Cũng theo lời ông Hùng: “Còn văn bản của Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Công an tỉnh Kiên Giang là chưa kết luận. Chúng tôi không kết luận Công ty Nam Anh Đảo Ngọc trốn thuế mà là tạm ngưng hóa đơn do có rủi ro không xác minh được”.
Việc ngưng sử dụng hóa đơn để xác minh rủi ro của doanh nghiệp kéo dài hơn 2 năm rưỡi, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Ông Nguyễn Công Sự bày tỏ bức xúc khi công ty không trốn thuế, không nợ thuế, không mua bán hóa đơn, nhưng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang lấy lý do công ty thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế để ra thông báo ngưng sử dụng hóa đơn từ tháng 11/2022 đến nay là không đúng quy định pháp luật. Công ty cũng đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quy định. “Những lý do mà ông Đàm Mạnh Hùng, đại diện Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, nay là Chi cục Thuế khu vực XX đưa ra là không phù hợp, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, ông Sự trình bày.
Vụ việc trên cho thấy, thực trạng “không quản được thì cấm” vẫn tồn tại và gây nhiều khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phải chăng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang (nay là Chi cục Thuế khu vực XX) đang tự cho phép mình là một ngoại lệ khi thấy khó quản thì cứ cấm?