Đậm tình món chuối ép khô
Chuối là một loại cây trồng có mặt ở khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tất cả các bộ phận của cây chuối đều có thể sử dụng được, đặc biệt là quả chuối chín rất giàu dinh dưỡng. Ngoài dùng trực tiếp, người ta còn có thể chế biến được nhiều món ngon từ quả chuối, trong đó, món chuối ép khô đã trở nên quen thuộc với đời sống của người dân quê từ bao đời nay.
Chuối có rất nhiều loại như: chuối già, chuối cao sáp, chuối hột, chuối dong… Tuy nhiên, loại chuối được nhiều người ưa chuộng nhất vẫn là chuối xiêm hay còn gọi là chuối sứ, bởi giá trị kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại.
Cũng như nhiều loại chuối khác, chuối xiêm được người dân trồng bằng cách tách cây con từ thân cây mẹ. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch phải mất hơn 12 tháng, tùy theo điều kiện chăm sóc. Tất cả các bộ phận trên cây chuối xiêm đều có thể sử dụng được. Lá chuối xanh dùng để gói bánh, hoa chuối (bắp chuối) dùng để luộc, xào hoặc làm gỏi cũng rất ngon, thân chuối có thể dùng làm thức ăn cho gia súc, quả chuối dùng làm thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người.
Ở quê, đa phần nhà nào cũng trồng vài bụi chuối xiêm để ăn. Ngày trước, đời sống còn khó khăn, chuối nhiều vô số kể, bán thì chẳng được bao nhiêu tiền nên người dân nghĩ ra cách làm chuối phơi khô để dùng dần trong cả năm. Và cứ như vậy, món chuối ép phơi khô đã trở thành một món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân.
Cách làm chuối phơi khô tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi người chế biến phải khéo léo và giàu kinh nghiệm. Thông thường, quả chuối xiêm dùng để phơi khô phải được ủ cho chín muồi, chuối chín cây thì càng thơm ngọt hơn. Để ép chuối, người làm phải chuẩn bị trước một cái vỉ được đan bằng lá dừa hoặc một cái sịa đan bằng tre để phơi chuối. Dụng cụ ép chuối là hai tấm thớt lớn bằng gỗ và một cái bọc nilon lớn. Chuối xiêm chín, sau khi lột hết vỏ sẽ cho vào trong bọc nilon rồi đặt lên tấm thớt để ép. Quả chuối chín rất trơn, do đó, nếu không khéo tay thì người ép có thể để chuối rơi ra ngoài hoặc làm cho miếng chuối bị biến dạng méo mó. Một miếng chuối ép đạt chất lượng phải đảm bảo các yếu tố: mỏng, tròn đều, không bị rách nát. Chuối sau khi ép được đưa ngay lên vỉ hoặc sịa để phơi nắng. Nếu nắng đẹp thì chịu khó phơi chừng 2 - 3 ngày là có thể sử dụng được.
Chuối ép phơi khô nếu được bảo quản cẩn thận có thể dùng dần trong cả năm. Ở quê, thời trước, chuối ép khô là một trong những món được dùng thay thế bánh kẹo, trái cây trong các đám tiệc, lễ, Tết để đãi khách, đây còn được xem là một món quà của những người dân quê dành để biếu tặng bà con, họ hàng phương xa hết sức ý nghĩa.
Để tăng hương vị cho món chuối ép khô, nhiều người dân quê còn nghĩ ra cách làm kẹo chuối. Cách chế biến cũng hết sức đơn giản, chuối khô được xắt sợi, sau đó đem ngào với hỗn hợp đường, nước cốt dừa, mè, đậu phộng (có khi có thêm gừng xắt sợi) cho sệt lại, đem đổ vào khuôn có lót sẵn một lớp bánh tráng phía dưới, lấy ống tre cán cho chuối và bánh quyện vào nhau, thế là một món kẹo vừa thơm ngon, béo ngậy ra đời. Dù vậy, ở món kẹo chuối này chất lượng còn phụ thuộc vào tay nghề pha trộn nguyên liệu của người chế biến.
Bây giờ thì cuộc sống thay đổi, không còn những buổi chiều thảnh thơi các cụ già trong xóm ngồi nhâm nhi ly trà nóng thưởng thức món chuối ép khô rồi kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Đám tiệc, lễ, Tết thì cũng tràn ngập sơn hào hải vị, món chuối ép khô cũng vắng dần đi trên các bàn tiệc. Tuy nhiên, đâu đó, món ăn giản dị này vẫn còn người làm và còn người yêu thích. Đó không chỉ đơn thuần là một món ăn trong đời sống của người dân quê mà nó còn chứa đựng trong đó những tình cảm tốt đẹp, mang giá trị yêu thương ngọt ngào.