Đắm say với tiếng đàn goong A Ma Liên
Những ngày đầu năm mới về buôn Ma Lưng (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa), chúng tôi được nghe tiếng đàn goong độc đáo của A Ma Liên, với âm thanh rộn ràng, sâu lắng, lúc cao vút, lúc trầm bổng.
SAY MÊ ĐÀN GOONG GẦN 65 NĂM
Xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa hiện còn gìn giữ những nhạc cụ truyền thống như cồng ba, chiêng năm, đàn goong, trống đôi, trống cái… Khi buôn làng tổ chức lễ hội đón mừng năm mới, lễ cúng tạ ơn các thần linh kết thúc một vụ mùa, họ mừng vui tấu lên thanh âm vang vọng khắp núi rừng hùng vĩ từ những nhạc cụ dân gian ấy.
“Tiếng đàn goong, hay còn gọi là đàn ting ning của A Ma Liên như dòng suối chảy róc rách, dịu êm như ánh nắng chiều xuân trên thảo nguyên, lúc rì rào như hạt mưa rơi xuyên qua mái tranh nhà sàn. Khi làng buôn tổ chức sinh hoạt cộng đồng, ông A Ma Liên tấu đàn goong, cùng với tiếng hát dân ca của các sơn nữ tạo thêm niềm vui, niềm hứng khởi”, ông Kpắ Vương ở xã Cà Lúi, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên chia sẻ.
A Ma Liên bộc bạch: “Lúc mới 15-16 tuổi tôi đã mê say tiếng đàn goong, bởi âm thanh ngọt ngào như lời ru của mẹ, như chim k’puc lanh lảnh tiếng hót, nhẹ nhàng như làn khói chiều trên mái nhà sàn, bay cao xa như chim g’rư (đại bàng) dưới bầu trời xanh. Với niềm đam mê đó, tôi xin theo Oi Đơn, Oi Tuôn, những người chơi đàn goong điêu luyện để học nhạc cụ này. Từ khi biết sử dụng đàn đến nay, tôi rất quý chiếc đàn goong và coi nó như người bạn tâm tình của tôi vậy!”.
Với sự hiếu khách và tập tục của đồng bào Chăm, mỗi khi có khách đến thăm nhân dịp đầu năm mới, A Ma Liên tiếp đãi chúng tôi một ché rượu làm bằng nếp to trâu, ủ bằng men rừng, để lâu ngày màu như mật ong, nhâm nhi rượu ché hương vị nồng nàn. A Ma Liên ngồi trên chiếc k’pan, ông vừa đàn vừa hát bằng tiếng Chăm bài “Yàng h’roi đang đí”, có nghĩa là “Mặt trời đang lên”. Ông cho biết nội dung bài hát này là “Mặt trời đã thức dậy rồi buôn làng ơi. Con trai, con gái cùng lên rẫy lúa, ruộng khoai. Mau ra rừng lượm củi, để tối về nhóm lửa lên tỏa ấm ngôi nhà rinh, cùng đàn ca hát, mừng vui buôn làng ta hôm nay được đủ đầy…”. Và “Pe d’yam”, có nghĩa là “Hái rau” với nội dung “Khách quý làng xa đến nhà, chị em mình ra suối, lên rẫy hái rau, hái cà về nấu canh đãi người anh em đi đường xa mới đến …”.
RỘN RÀNG ĐIỆU GOONG MỪNG XUÂN MỚI
Trong ngôi nhà sàn, chúng tôi quây quần bên bếp lửa dành tiếp khách, trong cảm giác lâng lâng của rượu ché ngon, đắm say tiếng đàn goong phát ra từ trái bầu khô như tiếng suối reo, thánh thót, thiết tha sâu lắng, truyền cảm. Bàn tay của A Ma Liên điệu nghệ lướt từng dây đàn trên ống lồ ô. Âm thanh ấy, giai điệu ấy vọng ngân tạo nên không khí rộn ràng, tươi vui. Chúng tôi thả hồn theo tiếng đàn goong, đón chào mùa xuân mới.
Già làng A Ma Then ở thôn Ma Lăng, xã Cà Lúi không giấu niềm cảm xúc, ông nói: Tiếng đàn goong của A Ma Liên nó ngân xa đến suối K’hay, đến sông T’lúi, bay xa đến tận cánh đồng Krông Pông. Nghe tiếng đàn goong của A Ma Liên nó vui cái tai, thương lắm buôn làng, nhớ từng con dốc lên rẫy!
Chiếc đàn goong mộc mạc không chỉ là người bạn tâm tình của A Ma Liên để ông giải trí, thư giãn sau những ngày lao động vất vả, mà còn mang đậm nét văn hóa của người Chăm, là nhịp cầu giao duyên hạnh phúc lứa đôi. Âm thanh đàn goong chân chất, gần gũi, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho mọi người trong những ngày lễ hội làng buôn.
Chị Kpắ H’Riêu ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi bộc bạch: Tiếng đàn goong của A Ma Liên như mối giao hòa kết nối lòng người với đất trời. Những đêm hội làng đón mừng tết đến xuân về, chúng tôi quây quần bên bếp lửa thiêng bừng sáng giữa làng, lắng nghe tiếng đàn goong của ông dặt dìu, réo rắt ngân lên từng cung bậc, chúng tôi hát theo nhịp đàn đến tận thâu đêm.
Ông Kpắ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi chia sẻ: “Ông A Ma Liên là người Chăm, nay đã gần 80 mùa lúa rẫy mà vẫn luôn đam mê tiếng đàn goong. Mỗi năm địa phương tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, A Ma Liên đều đăng ký tham gia biểu diễn đàn goong. Bà con làng buôn ai cũng ngưỡng mộ tiếng đàn của ông. A Ma Liên là người duy nhất ở xã Cà Lúi còn gìn giữ nhạc cụ truyền thống này của người Chăm”.